Giữ nghề đậu bạc Định Công

Giữa guồng quay hối hả, những người nghệ nhân làng nghề đậu bạc Định Công thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn miệt mài, kiên trì bám trụ với nghề truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chế tác bạc. Ảnh: L.T.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chế tác bạc. Ảnh: L.T.

Nức tiếng một thời

Các cụ cao niên trong làng kể lại, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) có 3 anh em người làng Định Công Thượng (nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cả 3 người này có tên Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa. Tất cả đều học được một nghề như nhau là nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc và mở chung hiệu lấy tên là “Kim Hoàn”. Những sản phẩm vàng bạc do 3 anh em làm ra đều rất tinh xảo với những hoa văn, họa tiết trang trí tỉ mỉ, nức tiếng gần xa. Sau này, cả 3 anh em đã truyền dạy nghề cho dân làng Định Công Thượng và truyền thống làm nghề vàng bạc ngày càng mở mang, thêm tinh xảo, làm ăn phát đạt nổi tiếng khắp vùng, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Để ghi nhớ công ơn, dân làng đã lập đền thờ 3 vị Tổ nghề. Vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tri ân 3 vị Tổ nghề rất trang trọng. Những người thợ kim hoàn ở mọi nơi về dự hội, làm lễ dâng hương ở nhà thờ Tổ và con cháu của dòng họ vẫn ghi nhớ mãi câu ca: “Định Công có Tổ Kim Hoàn/ Cả ba cụ Tổ người làng Định Công”.

Chúng tôi ghé thăm xưởng đậu bạc của gia đình nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, hiện có khoảng hơn 10 người thợ làm. Những người thợ ở đây đa số đều đã qua độ tuổi tứ tuần, họ cặm cụi, tỉ mỉ với từng chi tiết của nghề đậu bạc. Anh Tuấn Anh cho biết khi mới học nghề, phải ngồi yên một chỗ, tỉ mỉ, nắn nót từng sợi bạc là một thách thức lớn đối với anh. Tuy nhiên, càng làm thì càng thấy đam mê, thấy trân quý nghề. “Tính ra tôi cùng các cộng sự thành công trong việc “giữ lửa” cho làng nghề làm đậu bạc này đã hơn 20 năm” - nghệ nhân Tuấn Anh nói.

Theo nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi người làm phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và óc sáng tạo. Người làm nghề phải nắm chắc kỹ thuật cơ bản là trơn, đấu, chạm, đậu. Trong đó, trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, họa tiết như chạm ám, thúc nổi, hạ cát… lên mặt trang sức hay vàng bạc.

Còn đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc, tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc được coi là công phu nhất, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay thật sự khéo léo, tỉ mỉ để “thổi” từng chi tiết vào từng sản phẩm.

Theo nghệ nhân Tuấn Anh, mỗi sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng với nhau. Không chỉ nắm vững các kỹ thuật, người thợ còn phải cẩn thận và khéo léo. Đây là nghề thủ công rất tỉ mỉ, ngồi ghép hàng trăm, hàng nghìn chi tiết nhỏ lại với nhau. Sợi bạc mỏng như sợi chỉ, rất dễ bị xoắn và đứt. Nếu không kiên trì và khéo léo thì không theo nghề được.

Những sản phẩm bằng bạc được “đậu” bằng hàng nghìn chi tiết nhỏ. Ảnh: L.T.

Những sản phẩm bằng bạc được “đậu” bằng hàng nghìn chi tiết nhỏ. Ảnh: L.T.

Giữ gìn tinh hoa nghìn năm

Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một. Nhưng mừng thay, ở phường vẫn còn một số hộ gia đình theo và giữ nghề cho đến ngày nay. Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn phường có 10 hộ sản xuất và kinh doanh kim hoàn với 30 nhân công, trong đó làm nghề đậu bạc là 3 hộ.

Hiện ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc… nghệ nhân Tuấn Anh đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm là tranh đậu bạc, đưa những hình ảnh gắn với biểu tượng của Hà Nội lên tranh như hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ… hay như các loại tranh hoa sen có ý nghĩa an yên, bình thản trong tâm hồn... “Nhờ thích ứng và thay đổi kịp thời, những sản phẩm của làng đậu bạc Định Công đã được mọi người biết đến nhiều hơn, nhất là khách nước ngoài. Họ đến đây tham quan, trải nghiệm và vô cùng thích thú với nghề thủ công truyền thống này” - nghệ nhân Tuấn Anh chia sẻ.

Với hành trình hơn 20 năm làm nghề của mình, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh hiện vẫn đang tiếp tục giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ trẻ. Anh đã cùng chính quyền địa phương mở lớp dạy đậu bạc miễn phí dành tất cả những người yêu thích và muốn học nghề. Đến nay, nhiều học viên sau khi xong khóa học đã về làm thợ và đồng hành cùng xưởng đậu bạc.

Bà Lê Thị Thanh Ngà - Quyền Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, mặc dù hiện nay, nghề đậu bạc Định Công chỉ còn lại số ít người còn làm nghề, nhưng các sản phẩm đậu bạc Định Công vẫn được khách hàng, cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao về kỹ thuật và mỹ thuật. Để có được một sản phẩm đậu bạc, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày, thậm chí cả tháng trời với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Vì vậy, tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm đậu bạc của Định Công đã giành rất nhiều giải thưởng cao.

Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống và điều kiện phát triển việc làm, địa phương đã xây dựng và triển khai các hình thức bảo tồn, quảng bá, phát triển nghề đậu bạc. Năm 2023, UBND phường Định Công đã xây dựng phương án bảo tồn, quảng bá, phát triển nghề đậu bạc, được UBND quận phê duyệt và đầu tư hỗ trợ kinh phí tổ chức mở lớp đào tạo nghề. Hợp tác xã đậu bạc Định Công được cấp phép sử dụng địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể kim hoàn. Tháng 12/2023, UBND phường Định Công tổ chức khai giảng lớp đào tạo ngắn hạn nghề truyền thống đậu bạc khóa 1 tại phường do các nghệ nhân trực tiếp giảng dạy...

Lê Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-nghe-dau-bac-dinh-cong-10296362.html
Zalo