Bảo tồn, phát triển giá trị làng Thái cổ Mường Đán

'Làng Thái cổ' nằm ở bản Mường Đán (nay là bản Long Thắng), xã Hạnh Dịch được UBND huyện Quế Phong chọn làm điểm phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Với nguồn vốn đầu tư từ Dự án 6, người dân Mường Đán có cơ hội lưu giữ nhiều nét đặc sắc về của văn hóa dân tộc Thái cổ.

Về thời điểm khai bản lập mường không ai ở nơi đây có thể nắm rõ, chỉ biết Mường Đán có từ xa xưa và hàng chục đời đã cư trú ở vùng đất này. Theo lời kể lại của các cụ cao niên, Mường Đán có khoảng 300 năm trước, tổ tiên của họ ở vùng Lai Châu, Điện Biên do thiếu đất cư trú nên phải đi tìm vùng đất mới để khai phá, rồi họ đã tìm đến nơi đây và từ đó khai bản lập mường, sinh cơ lập nghiệp. Dù trải qua bao thăng trầm của thời đại, làng thái cổ Mường Đán vẫn còn nguyên giá trị văn hóa, đặc biệt là những ngôi nhà sàn bằng gỗ samu cổ kính.

Làng thái cổ Mường Đán (nay là bản Long Thẳng) xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

Làng thái cổ Mường Đán (nay là bản Long Thẳng) xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

Với việc thực hiện nguồn vốn từ Dự án 6, Chương trình 1719, thời gian gần đây, tại xã Hạnh Dịch nói riêng và huyện Quế Phong nói chung chính quyền và các ngành chuyên môn đang triển khai nhiều chương trình nhằm giữ gìn và bảo tồn không gian văn hóa Thái cổ. Đồng thời, kết hợp phát triển du lịch với các khu nghỉ dưỡng homestay.

Theo ông Hà Văn Long, Phó Chủ tịch UBND cho biết, Hạnh Dịch là xã biên giới đặc biệt khó khăn, có tổng diện tích tự nhiên hơn 18 ngàn ha, toàn xã có 828 hộ với 3,5 ngàn nhân khẩu gồm 6 thôn bản. Xã còn có chung đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với dài 13,06 km, quản lý 4 mốc quốc giới, là địa bàn sinh sống của 2 dân tộc anh em là dân tộc Thái và dân tộc Kinh, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 99%.

Trò chơi Tò Lẹ của người dân tộc Thái tại Mường Đán vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Ảnh: HH

Trò chơi Tò Lẹ của người dân tộc Thái tại Mường Đán vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Ảnh: HH

“Trước đây, Hạnh Dịch là xã rất khó khăn như giao thông, điện lưới, viễn thông, đời sống người dân bấp bênh, chủ yếu gắn với rừng nên việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số rất hạn chế.

Tuy nhiên, thời gian qua trên cơ sở nguồn vốn của Dự án 6 Chương trình 1719 cùng với Nghị quyết Đảng bộ xã, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về thực hiện xây dựng du lịch cộng đồng Mường Đán gắn với giữ gìn và bảo tồn không gian văn hóa Thái cổ”, ông Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Long, sau khi có "kim chỉ nam" và nguồn lực chúng tôi đã chỉ đạo bản Long Thắng (nơi lưu giữ bản thái cổ Mường Đan), các hộ gia đình, CLB dân ca dân nhạc, dân vũ... thực hiện một số công việc trong việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc nhằm phát triển du lịch.

Trang phục của người dân tộc Thái. Ảnh: HH

Trang phục của người dân tộc Thái. Ảnh: HH

Cụ thể, xây dựng nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ một số hộ dân kinh phí xây dựng homestay, đường chiếu sáng vào bản… Cụ thể, theo thống kê của UBND xã Hạnh Dịch, năm 2023 bản Long Thắng đã xây dựng đường hoa trong thôn bản với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Tiếp đó, vào tháng 5/ 2024, khánh thành công trình “Đèn đường chiếu sáng bản em” tại bản Long Thắng trị giá 55 triệu đồng.

Cũng theo ông Hà Văn Long, khi cơ sở hạ tầng phát triển, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Do vậy, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Thái tại bản Long Thắng thường xuyên sinh hoạt và kiện toàn CLB.

Nhờ vậy, CLB dân cũ Mường Đán hiện có 20 thành viên thường xuyên hoạt động. Thậm chí, từ năm 2020 đến tháng 5/2024 CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Thái bản Long Thắng đã biểu diễn hàng chục chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ các đoàn du khách khi đến tham quan với số tiền thu được gần 50 triệu đồng.

CLB dân vũ Mường Đán biểu diễn nhảy sạp trong các lễ hội truyền thống. Ảnh: HH

CLB dân vũ Mường Đán biểu diễn nhảy sạp trong các lễ hội truyền thống. Ảnh: HH

Đối với hoạt động du lịch cộng đồng, bản Long Thắng có lợi thế được thiên nhiên ban tặng những thác nước đẹp, trong đó có quần thể thác 7 tầng, vì vậy mà việc phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây được huyện và xã quan tâm.

“Chúng tôi đã chỉ đạo, định hướng cho ban quản lý bản Long Thắng, CLB dân vũ, các hộ gia đình ký xây dựng homestay thực hiện một số công việc để phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, trong 4 năm qua thác 7 tầng đã đón trên 16 ngàn lượt khách tham quan và lưu trú“, ông Long cho biết thêm.

Trao đổi với bà Cao Thị Hà Lê, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quế Phong cho biết, trong việc thực hiện Dự án 6, Chương trình 1719 trên địa bàn, chúng tôi được bố trí vốn từ 2 nguồn gồm nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp. Đối với nguồn vốn đầu tư được bố trí hơn 5,2 tỷ đồng, số tiền này được huyện tập trung đầu tư xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và cải tạo, nâng cấp các sân vận động để tạo điều kiện cho người dân có nơi sinh hoạt nhằm phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa.

"Đối với nguồn vốn sự nghiệp, thông qua nguồn vốn tại dự án 6 chúng tôi đã tổ chức truyền dạy, tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian tại các thôn bản, thậm chí khôi phục lại các điệu múa…Từ đó, đưa các phong trào thể dục thể thao của huyện Quế Phong được phát triển, gặt hái nhiều thành công trong các hội thi của tỉnh", bà Lê cho biết thêm.

Bắc Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ton-phat-trien-gia-tri-lang-thai-co-muong-dan-10296351.html
Zalo