Chung sức 'gỡ khó' cho phát triển du lịch Quảng Trị

Thời gian qua, những sản phẩm du lịch chuyên đề lịch sử, tâm linh đã đưa Quảng Trị thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế du lịch nhanh và bền vững hơn, tỉnh cần thêm những sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu thế, đáp ứng được đa dạng nhu cầu, khai thác được những nguồn khách lớn hơn về số lượng, mạnh hơn về nhu cầu chi tiêu.

Đoàn du khách tham quan Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN

Đoàn du khách tham quan Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Nguyên Lý/TTXVN

Song song với việc làm mới những sản phẩm đã có gắn với những địa danh ghi dấu mốc lịch sử đấu tranh giành tự do của dân tộc, Quảng Trị đang hướng đến phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng với nhiều tiềm năng gắn vùng đất của dãy Trường Sơn.

Tạo điểm mới cho sản phẩm thế mạnh

Thời gian qua, chất liệu du lịch lịch sử, tâm linh của Quảng Trị là hệ thống chứng tích lịch sử trên địa bàn như: Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh mốc, Thành cổ Quảng Trị, 2 Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9… Đây là những địa danh “không thể không đến” khi khách du lịch đến với hành trình về nguồn tại Quảng Trị. Địa phương đã dành nhiều tâm sức, nguồn lực để đầu tư cho những điểm du lịch này ngày càng quy mô, hiện đại, thu hút nhiều đoàn khách hơn. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay khách chỉ dừng chân tại Đông Hà, không sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống nên mức chi tiêu thấp, kéo theo doanh thu của ngành du lịch địa phương chưa cao.

Sau khoảng 1 tiếng tham quan tìm hiểu lịch gắn với cây cầu Hiền Lương, Vĩ tuyến 17 và gần 2 tiếng đồng hồ trải nghiệm Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, chị Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Go See Tours đã có nhiều ấn tượng sâu sắc. Tham quan Khu di tích Sân bay Tà Cơn, chị Minh Huệ bày tỏ sự thán phục: Trên chất liệu những hiện vật, chứng tích lịch sử, thuyết minh viên với giọng địa phương trầm ấm đã kể những câu chuyện tái hiện lại những thời khắc lịch sử chạm đến tầng sâu lắng cảm xúc của du khách.

Để gia tăng nguồn khách, đặc biệt nguồn khách trẻ tiếp cận với lịch sử, xây dựng lòng tự hào dân tộc, cần có thêm những dịch vụ làm tăng trải nghiệm phù hợp. Hiện nay, thói quen đến điểm du lịch, chụp ảnh thông báo điểm đến (check-in) và đăng lên mạng xã hội rất phổ biến. Chị Minh Huệ chia sẻ ý kiến về việc xây dựng dịch vụ thuê trang phục, đạo cụ… phù hợp với các điểm đến sẽ mang đến cảm giác hứng khởi cho du khách sau những phút tĩnh lặng nghe về lịch sử Quảng Trị.

Chị Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Fiditour chia sẻ, với những thực tế tại các điểm du lịch sử tại Quảng Trị, chắc chắn tệp khách du lịch trẻ tuổi sẽ được trau dồi kiến thức lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước. Do đó, một số doanh nghiệp lữ hành sẽ liên kết để xây dựng và nhanh chóng đưa vào khai thác các tour 3 ngày 3 đêm để mang nguồn khách đến với Quảng Trị. Hiện tại, Quảng Trị chưa có sân bay, để đón khách từ hai đầu Bắc – Nam, đường sắt là phương tiện di chuyển phù hợp nhất để các đoàn học sinh, sinh viên di chuyển đến Quảng Trị. Do vậy, chị Thanh Bình kiến nghị ngành du lịch Quảng Trị quan tâm cải thiện hạ tầng nhà ga đón khách đến, khu vệ sinh, dịch vụ bán vé và đặc biệt tăng thêm các yếu tố lịch sử tại Khu vực Ga Đồng Hà.

Chuyên nghiệp hóa điểm, khu du lịch mới

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tại khu vực này, đã xuất hiện một vài mô hình du lịch được doanh nghiệp tư nhân đầu tư hoạt động thành tạo ra điểm “chấm phá” trên bức tranh du lịch nông nghiệp đang được định hình nơi đây. Lợi thế của địa phương là vùng thung lũng Khe Sanh có hệ khí hậu ôn hòa, mùa khô, dù chịu tác động của gió Lào nhưng thời tiết mát mẻ mang đến cảm nhận như là Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo. Đặc biệt tại đây có không gian văn hóa mang đậm bản sắc của đồng dân tộc Vân Kiều, Pa-Kô rất đa dạng, phong phú cùng nhiều vùng nông sản, đặc biệt là cà phê Khe Sanh.

Với tiềm năng, lợi thế đó, nhiều hộ gia đình tại Hướng Hóa đã tổ chức đầu tư mở rộng, phát triển các loại hình du lịch nông thôn mang đến màu sắc tươi mới cho du lịch địa phương và bước đầu thành công trồng việc thu hút khách đến với những thương hiệu như: Khe sanh Valley farm, Miền viên thảo, Charm cafe & more, Troise Garden, Vườn hoa Tà Cơn, Vườn hoa nhiệt đới, Cheng farm, Ochacha farm, Năm mùa Bungalows, Khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh, Mộc Miên farm, Vườn hoa chân trời, Homestay Bảo Nguyên Xanh, Rose Farm... Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu tham quan nông trại, trải nghiệm và tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp, một số trang trại, nông trại ở huyện Hướng Hóa đã chuyển hướng phát triển với tour: Du lịch cà phê Khe Sanh; khảo sát mô hình trồng hoa lan, dâu tây, cà chua, đông trùng hạ thảo của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hóa; du lịch sinh thái Thác Tà Puồng. Sự phát triển của các mô hình du lịch này góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân nơi đây. Người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định và được tham gia vào hoạt động du lịch.

Chị Hồ Thị Phượng, Giám đốc, Điều phối tour "Khe Sanh Coffee tour" Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Việt Nam Khe Sanh (Fouder Khe Sanh Valley Farm) đã chia sẻ về quá trình chuyển đổi vùng trồng cà phê sang mô hình du lịch tổng hợp, điểm tham quan du lịch nông trại với các dịch vụ tham quan, check-in, câu cá, ăn uống và lưu trú. Huy động nguồn lực nội tại của gia đình, cùng ước vọng xây dựng sản phẩm quảng bá về quê hương, chị Phượng đã mạnh dạn khai thác những chất liệu nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê mới với tâm nguyện tạo nên điểm đến du lịch Khe Sanh gắn với nông sản địa phương, giúp tăng giá trị nông sản, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương.

Trải nghiệm bữa ăn theo chủ đề ẩm thực phong cách Lào, các món ăn đặc sản địa phương, cùng chụp ảnh check-in tại nhiều điểm đến trên địa bàn, chị Hồ Thị Phượng không chỉ học hỏi được những kinh nghiệm làm du lịch thực tế, còn tạo kết nối trực tiếp với nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.

Qua khảo sát, thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 21 điểm kinh doanh dịch vụ - du lịch nông thôn đang khai thác và có tiềm năng phát triển, bao gồm các loại hình dịch vụ. Nhưng nhìn chung hoạt động du lịch nông nghiệp ở Quảng Trị thời gian hiện đang còn ở giai đoạn phát triển ban đầu. Lượng khách đến tham quan, du lịch chủ yếu là khách nội địa và nội tỉnh, nhưng cũng đã góp phần bảo vệ tài nguyên du lịch và văn hóa bản địa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Việc phát triển du lịch nông nghiệp đã góp phần mở rộng không gian tuyến điểm du lịch, bước đầu hình thành các điểm đến mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với Quảng Trị.

Từ việc khảo sát thực tế, các doanh nghiệp lữ hành Bắc – Trung – Nam đều nhận thấy những tiềm năng để xây dựng thêm những sản phẩm mới nhằm tăng điểm chạm, kéo dài hành trình lưu trú, thêm nguồn khách cho các điểm du lịch Quảng Trị. Với nguồn lực từ “những cánh tay” sẵn lòng hỗ trợ tạo sản phẩm du lịch kết nối Quảng Trị, mang thêm nguồn khách lưu trú đến với địa phương, chắc chắn trong tương lai, du lịch Quảng Trị sẽ có nhiều tín hiệu mới, đóng góp cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Ngọc Bích (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/chung-suc-go-kho-cho-phat-trien-du-lich-quang-tri-20241212121653210.htm
Zalo