ASEAN trước thách thức kinh tế từ tác động của biến đổi khí hậu

ASEAN, khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đang phải đối mặt với những thách thức đặc thù khi biến đổi khí hậu ngày càng làm gia tăng các cơn bão nhiệt đới và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một tỉnh ở phía Bắc Lào bị ngập do bão Yagi tháng 9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Một tỉnh ở phía Bắc Lào bị ngập do bão Yagi tháng 9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Tương lai của ASEAN và khu vực Đông Nam Á phụ thuộc vào khả năng củng cố cơ sở hạ tầng, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy hợp tác khu vực.

Nguy cơ gián đoạn từ biến đổi khí hậu

Năm 2024, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2040. Tăng trưởng của khu vực chủ yếu dựa vào xuất khẩu, với lực lượng lao động trẻ, có trình độ và chi phí cạnh tranh, khiến ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất.

Về địa lý, Đông Nam Á có đường bờ biển dài, kết nối các tuyến thương mại hàng hải giữa Đông Á, Trung Đông và châu Phi, góp phần giúp khu vực trở thành trung tâm sản xuất và logistics phát triển nhanh. Tuy nhiên, vị trí địa lý cũng đồng nghĩa với việc ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Khu vực này nằm trong lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi có hoạt động bão nhiệt đới mạnh nhất thế giới, chiếm tới 30% tổng số cơn bão toàn cầu. Từ năm 1970 đến 2019, khoảng một nửa số cơn bão trong lưu vực này đã đổ bộ vào Đông Nam Á, trong đó Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Các mô hình khí hậu dự báo tần suất và cường độ bão sẽ gia tăng trong thế kỷ XXI. Trong giai đoạn 1987-2016, Đông Nam Á đã chịu thiệt hại khoảng 32 tỷ USD do các cơn bão gây ra. Những năm gần đây, thiên tai vẫn tiếp tục gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, du lịch và giao thông vận tải.

Do vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gián đoạn kinh tế của ASEAN không chỉ tác động trong khu vực mà còn lan rộng ra thế giới.

Tác động đến chuỗi cung ứng và doanh nghiệp nhỏ

Cảng quốc tế Gemalink trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Cảng quốc tế Gemalink trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Xuất khẩu của ASEAN chủ yếu dựa vào sản xuất linh kiện điện tử, một ngành dễ bị tổn thương trước thiên tai. Rủi ro gián đoạn hoạt động sản xuất do bão có thể được giảm thiểu bằng cách cải thiện kết cấu nhà máy để tăng độ bền. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng quan trọng như điện, viễn thông, giao thông vẫn là điểm yếu lớn. Ngay cả khi nhà máy sản xuất không bị thiệt hại nghiêm trọng, sự cố về điện và logistics vẫn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, năm 2013, siêu bão Haiyan đã tàn phá các sân bay, cảng biển và đường sá ở Philippines, khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ và cản trở công tác cứu hộ trong nhiều tuần. Năm 2024, bão Yagi đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và ngành logistics của Việt Nam.

Ngoài điện tử, ASEAN còn xuất khẩu nhiều kim loại, khoáng sản, dệt may và nông sản, trong đó sản xuất nông nghiệp đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bên cạnh đó, khoảng 98% doanh nghiệp trong ASEAN là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đóng góp 66% việc làm, 41% GDP và 13% xuất khẩu của khu vực. Trong đó, một phần lớn là hộ nông dân nhỏ lẻ, vốn dễ rơi vào cảnh mất trắng sau các cơn bão lớn. Dù quy mô từng hộ gia đình nhỏ, nhưng tổng thể khu vực MSME đóng vai trò cốt lõi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường chính của ASEAN.

Cần hợp tác mạnh mẽ hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập một chiến lược khu vực về giảm thiểu rủi ro khí hậu với các mục tiêu ràng buộc pháp lý và thời gian cụ thể, ASEAN vẫn giữ phương thức hợp tác lỏng lẻo và tự do hơn. Nếu muốn bảo vệ tiềm năng kinh tế trong bối cảnh khí hậu ngày càng khắc nghiệt, các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác chặt chẽ và có điều phối tốt hơn.

ASEAN đã có nhiều sáng kiến đối thoại và xây dựng năng lực về môi trường, nhưng cần phải chuyển từ lời nói thành hành động. Việc xây dựng hạ tầng thích ứng với khí hậu, phát triển các ngành công nghiệp bền vững và cải tiến mô hình tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là điều cấp thiết.

Các đối tác lớn như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đều coi trọng Đông Nam Á, nhưng đến nay các sáng kiến vẫn chủ yếu mang tính song phương. Trong khi đó, Mỹ và Australia đang thúc đẩy các sáng kiến hợp tác nhóm nhỏ, khuyến khích nhiều nước ASEAN cùng tham gia giải quyết các vấn đề chung. Chẳng hạn, hợp tác khu vực Mekong giữa Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã giúp các nước này đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Thay vì chỉ dựa vào sáng kiến từ bên ngoài, ASEAN cần chủ động hơn trong các cơ chế hợp tác khu vực nhỏ như một bước đệm để tiến tới chiến lược tổng thể về giảm thiểu rủi ro khí hậu và kinh tế.

Một chiến lược phối hợp hệ thống sẽ giúp bảo vệ dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và thông tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khả năng ASEAN thực hiện cam kết kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào việc khu vực này có thể vượt qua những cơn bão trong tương lai hay không.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo eastasiaforum)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/asean-truoc-thach-thuc-kinh-te-tu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-20250209174353115.htm
Zalo