Sáu giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp để đạt tăng trưởng hai con số
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng.
![Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439106/de88a363972d7e73273c.jpg)
Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 10/2, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp tư nhân năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra sáu định hướng và giải pháp then chốt, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Các giải pháp này được đưa ra nhằm đạt tăng trưởng đầy tham vọng 8% trong năm 2025 và tiến tới tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Động lực then chốt của tăng trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá về đích.
"Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trải qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, cả về số lượng và chất lượng. Con số ấn tượng 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh là minh chứng rõ ràng cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận kỷ lục 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, điều thể hiện niềm tin và động lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Sự đóng góp của doanh nghiệp vào nền kinh tế là không thể phủ nhận với sự đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD và đứng thứ 33 thế giới. Trong đó, kinh ngạch xuất nhập-khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
![Con số ấn tượng 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh là minh chứng rõ ràng cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439106/727f0b943fdad6848fcb.jpg)
Con số ấn tượng 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh là minh chứng rõ ràng cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: Vietnam+)
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng tự hào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Hiện, phần lớn doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh còn mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt là thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn," gây cản trở sự phát triển.
"Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn. Sự ra đời của các ngành công nghiệp mới. Sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư. Sự điều chỉnh trong cấu trúc thương mại, gia tăng hàng rào thuế quan, xung đột vũ trang. Đặc biệt là rủi ro về một 'cuộc chiến thương mại' toàn cầu đang hiện hữu," Bộ trưởng cảnh báo.
Để vượt qua những thách thức và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra sáu định hướng và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nghiệp. Cụ thể là xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai là hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất. Ngay trong năm 2025, chúng ta cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "kiến tạo phát triển," từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm," đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả," chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể."
Theo ông, bước thực hiện là ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, các hình thức đầu tư (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao [BOT]; Xây dựng – Chuyển giao [BT]), giao thông, năng lượng tái tạo… để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.
![Các cấp quản lý cần nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439106/9e6e18842ccac5949cdb.jpg)
Các cấp quản lý cần nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+)
Thứ ba là khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Cụ thể là tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia… đồng thời tạo cơ chế để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đặc biệt là khai thác hiệu quả không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ để tạo không gian và động lực phát triển mới. Các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do cần được xây dựng và triển khai. Bên cạnh đó, việc huy động vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân, chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh.
Thứ tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá hàng đầu. Các cấp quản lý cần chủ động xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những lĩnh vực mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), các phòng thí nghiệm, chuyển đổi số, ứng dụng AI, robot, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nguyên liệu mới… Trên cơ sở đó, chúng ta thành lập, phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo…
Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương phải được xây dựng và phát huy hiệu quả, từ đó thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Để làm được điều này, các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt cần được tăng cường liên kết và phát huy hiệu quả. Các cấp quản lý bố trí nguồn lực và cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, theo hướng chủ động gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Những điều này là để thực hiện đào tạo mục tiêu 50 nghìn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn.
Thứ năm là xây dựng doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cần tiếp tục hoàn thiện và có chính sách đủ mạnh để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Việc thu hút FDI phải có chọn lọc, gắn kết với việc phát triển doanh nghiệp trong nước, dựa trên mối quan hệ "tương hỗ," hai bên cùng có lợi, cùng phát triển. Các cấp cũng cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong doanh nghiệp FDI. Thêm vào đó, các Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào cụm liên kết, chuỗi giá trị.
Thứ sáu là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Cụ thể là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước. Các cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt" cần tập trung triển khai thực chất, từ đó kích hoạt các xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng những mặt hàng mang giá trị nội địa cao. Các cấp cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Trên nền tảng đó, chúng ta đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các nước mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện, các thị trường mới, tiềm năng.
![Các Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_293_51439106/36b3b65982176b493206.jpg)
Các Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam)
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gửi gắm thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp. Ông nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp: “Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phát trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; làm tốt công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội.”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế. Cụ thể là phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu," chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Về phía các tổ chức hiệp hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên.
"Với tất cả sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước," ông Dũng chốt lại./.