Tân Linh sản xuất chè theo hướng 'tích hợp đa giá trị'
Lâu rồi chúng tôi mới có dịp trở lại xã Tân Linh (Đại Từ), những đổi thay về diện mạo nông thôn nơi đây mang lại nhiều bất ngờ. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch, đẹp; nhiều ngôi nhà thiết kế hiện đại ẩn hiện giữa đồi chè bát ngát xanh... tạo nên bức tranh quê trù phú, thanh bình.
![Người dân xóm 10, xã Tân Linh, thu hái chè vụ đông.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51439080/4b40baa98ee767b93ef6.jpg)
Người dân xóm 10, xã Tân Linh, thu hái chè vụ đông.
Người dân Tân Linh trồng chè từ lâu, nhưng cây chè chưa thực sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể, bởi việc đầu tư thâm canh chưa được coi trọng; chưa ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị mang lại không cao. Những năm gần đây, nhờ ngành chức năng của huyện, xã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên người dân Đại Từ nói chung và xã Tân Linh nói riêng đã trú trọng tới việc đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất chè vụ đông... nên giá trị sản phẩm chè tăng đáng kể, gấp 2-3 lần so với trước.
Anh Nguyễn Đình Hoạch, ở xóm 10, có hơn 8/10 sào chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết: Khoảng chục năm về trước, gia đình tôi trồng chè nhưng theo kiểu được chăng hay chớ nên giá bán thấp. Nay, tôi tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu trồng đến khâu chăm sóc, thu hái, chế biến nên năng suất, giá bán đều cao, chè vụ đông vừa rồi trung bình tôi bán với giá hơn 300 nghìn đồng/kg.
Là xã thuần nông, Tân Linh có tổng diện tích gieo cấy lúa 241ha, diện tích chè lớn gấp đôi với gần 600ha. Nhờ chăm sóc tốt, năng suất chè bình quân đạt 137 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.600 tấn. Xã có 5 làng nghề chè và 20 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn VietGAP, 495 hộ tham gia với diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP là 170,9ha.
Các tổ hợp tác sản xuất ra sản phẩm chè tươi đảm bảo chất lượng, an toàn, cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn chế biến ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là mô hình “Phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị” được xã xây dựng. Hiệu quả của mô hình không chỉ giải quyết nhu cầu của nông dân về đầu ra mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, kinh tế nông nghiệp của xã Tân Linh đang chuyển biến tích cực và hướng đến sản xuất bền vững, giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa.
![Một góc vùng chè xã Tân Linh (Đại Từ).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51439080/7ab6845fb011594f0000.jpg)
Một góc vùng chè xã Tân Linh (Đại Từ).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2018, UBND xã đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2023, trên địa bàn xã đã có 20 mô hình sản xuất chè VietGAP tại các xóm, hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè giữa Tổ hợp tác sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Tân Linh (THT chè Tân Linh) với Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn VietGAP Trạng Đá (xóm 10); THT chè Tân Linh với Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hừng Thái... Sản phẩm chè của THT chè Tân Linh hiện đã là 1 trong 4 hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp tham gia chương trình phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP của UBND huyện Đại Từ; tạo tiền đề để xây dựng Hợp tác xã chè Tân Linh vào năm 2025.
Nhờ có cách sản xuất chè đúng hướng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên đời sống người làm chè ở Tân Linh ngày càng được nâng cao. Kết quả đánh giá mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2024 của xã Tân Linh cho thấy, lợi nhuận thu được từ sản xuất chè VietGAP đạt 241 triệu đồng/ha, gấp 2 lần so với sản phẩm đại trà cùng loại, cao gấp 4,7 lần so với trồng lúa. Thu nhập của các thành viên tham gia mô hình tăng 20% trở lên (đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm); thu nhập bình quân đầu người trong xã là 57 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm sâu chỉ còn hơn 2,4%...
Mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tân Linh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, thay đổi tư duy và cách làm truyền thống của người dân trong sản xuất chè nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, Nhờ đó, diện mạo nông thôn Tân Linh cũng ngày càng khởi sắc.