Ấn Độ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos mới

Cơ sở sản xuất mới được thiết kế để sản xuất 80- 100 tên lửa BrahMos mỗi năm, phiên bản nhỏ gọn, điều giúp Ấn Độ nâng cao năng lực tác chiến, cũng như tăng cường kho dự trữ quốc phòng trong bối cảnh bất ổn biên giới.

Ngày 11/5, nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết, trước đó cùng ngày, nước này đã khánh thành một nhà máy sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tại tiểu bang Uttar Pradesh, phía bắc đất nước.

Nhà máy được thiết kế để sản xuất 80- 100 tên lửa BrahMos mỗi năm, giúp Ấn Độ tăng cường kho dự trữ quốc phòng trong bối cảnh bất ổn biên giới.

Cơ sở này sẽ sản xuất một trong những tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới với biến thể thu gọn nặng 1.290 kg so với 2.900 kg ban đầu, có tầm bắn 290-400km, tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh (2,8 Mach).

 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tham dự trực tuyến lễ khánh thành Cơ sở thử nghiệm và tích hợp hàng không vũ trụ BrahMos. Ảnh: BQP Ấn Độ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tham dự trực tuyến lễ khánh thành Cơ sở thử nghiệm và tích hợp hàng không vũ trụ BrahMos. Ảnh: BQP Ấn Độ.

Việc giảm trọng lượng này cho phép các nền tảng như máy bay chiến đấu tăng khả năng mang tên lửa mới lên 3 chiếc thay vì chỉ 1 chiếc.

BrahMos Aerospace thành lập vào năm 2005, là một liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, được đặt tên theo hai con sông của hai nước Brahmaputra và Moskva, trong đó Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ nắm giữ 50,5% cổ phần.

Ngoài nhà máy trên, Cơ sở thử nghiệm và tích hợp hàng không vũ trụ BrahMos cũng đã được đưa vào hoạt động.

Sự kiện này cũng chứng kiến lễ động thổ công trình Hệ thống hạ tầng thử nghiệm quốc phòng (DTIS), sẽ được phát triển tại cơ sở thử nghiệm này, để thử nghiệm và chứng nhận các sản phẩm quốc phòng.

 Tên lửa BrahMos của BrahMos Aerospace liên tục được nâng cấp, cập nhật phần cứng và phần mềm mới. Ảnh: AFP.

Tên lửa BrahMos của BrahMos Aerospace liên tục được nâng cấp, cập nhật phần cứng và phần mềm mới. Ảnh: AFP.

Được xây dựng với chi phí 35 triệu đô la, nhà máy sản xuất tên lửa BrahMos tại Lucknow đã hoàn thành sau ba năm rưỡi xây dựng, nguồn tin cho biết.

Vào tháng 3, Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC) Ấn Độ đã phê duyệt việc trang bị 250 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, theo truyền thông địa phương.

Tên lửa BrahMos đã trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí của quân đội Ấn Độ, được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa độ chính xác cao, vào các mục tiêu trên mặt đất, trên biển và dưới nước.

Ban đầu, tên lửa này có tầm bắn 290 km, nhưng các phiên bản nâng cấp liên tục đã tăng tầm bắn và tăng cường các khả năng của nó.

 Một số phiên bản BrahMos siêu thanh thử nghiệm có tầm bắn 400 km, tốc độ 5,26 Mach. Ảnh: Indianexpress.

Một số phiên bản BrahMos siêu thanh thử nghiệm có tầm bắn 400 km, tốc độ 5,26 Mach. Ảnh: Indianexpress.

Những diễn biến diễn ra sau khi Nga và Ấn Độ ký một thỏa thuận quốc phòng mới vào tháng 2 năm nay, cho phép tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của hai quốc gia, tạo điều kiện cho các hoạt động và chiến dịch quân sự chung.

Hiện tại, khoảng 60% thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi, New Delhi đang nỗ lực hướng tới việc bản địa hóa ngành quốc phòng và đã đạt được thành công ở một số lĩnh vực.

Tháng 8/2020, thông tin từ BrahMos Aerospace nói, liên doanh này đang hợp tác để phát triển mẫu tên lửa siêu thanh thế hệ mới.

Quá trình chế tạo tên lửa siêu thanh BrahMos được chia thành 2 giai đoạn, đến trước năm 2024/2025 sẽ chế tạo tên lửa có tốc độ 4-5 Mach, giai đoạn hai đến năm 2026/2027 chế tạo tên lửa có tốc độ 6-7 Mach.

Văn Phong/RT, Mathrubhumi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/an-do-dua-vao-hoat-dong-nha-may-san-xuat-ten-lua-sieu-thanh-brahmos-moi-177525.html
Zalo