Ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo?

Giữa những bức tường khép kín của Nhà nguyện Sistine, 133 Hồng y sẽ bỏ phiếu để chọn ra người kế vị Đức Giáo hoàng Francis. Ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của hơn 1,4 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn cầu? Một nhà cải cách tiếp nối di sản của Giáo hoàng Francis, hay một tiếng nói bảo thủ sẽ trở thành người đứng đầu mới của Giáo hội?

Mỗi khi mật nghị Hồng y bắt đầu, Vatican lại trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Những cánh cửa Nhà nguyện Sistine đóng lại, và trong không gian khép kín ấy, các Hồng y sẽ chọn ra người kế vị ngai tòa Thánh Phêrô. Nhưng trong lịch sử Giáo hội Công giáo, những dự đoán về vị tân Giáo hoàng hiếm khi chính xác. Trước khi Đức Giáo hoàng Francis được chọn vào năm 2013, ông không nằm trong danh sách ứng cử viên hàng đầu mà các nhà cái quốc tế đưa ra. Sự lựa chọn của các Hồng y luôn là bí ẩn, được quyết định bởi những cuộc thảo luận kín đáo và đôi khi là bất ngờ đến phút chót.

Lần này, sự khó đoán còn được đẩy lên một tầm cao mới. Đức Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm một số lượng lớn Hồng y từ khắp nơi trên thế giới, khiến Hồng y đoàn trở nên đa dạng nhất trong lịch sử hiện đại của Giáo hội. Sự đa dạng này không chỉ thể hiện qua quốc tịch mà còn qua tư tưởng thần học và cách tiếp cận mục vụ. Đó là lý do tại sao cuộc bầu chọn lần này không chỉ đơn thuần là việc chọn người kế nhiệm mà còn là quyết định về hướng đi tương lai của Giáo hội. Một Giáo hội tiếp tục tinh thần cải cách của Đức Francis, hay một Giáo hội quay trở lại với truyền thống?

Trong bối cảnh này, Hồng y Luis Antonio Tagle của Philippines nổi bật như một ứng cử viên sáng giá. Ông được mệnh danh là “Đức Francis của châu Á”, nổi tiếng với tinh thần truyền giáo và lòng bác ái. Là cựu Tổng Giám mục Manila và hiện là Phó tổng trưởng Bộ Truyền giáo các Dân tộc tại Vatican, Hồng y Tagle không chỉ là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng ở châu Á mà còn là biểu tượng của một Giáo hội nhân ái, bao dung. Với phong cách giản dị, nụ cười ấm áp và sự gần gũi với giáo dân, ông luôn ưu tiên lắng nghe, đồng cảm và truyền tải thông điệp về tình yêu thương, lòng trắc ẩn và sự tha thứ - những giá trị cốt lõi mà Đức Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh trong triều đại của mình.

Hồng y Luis Antonio Tagle đến từ Philippines. Ảnh: Vatican news

Hồng y Luis Antonio Tagle đến từ Philippines. Ảnh: Vatican news

Bên cạnh đó, Hồng y Peter Erdo của Hungary lại đại diện cho khuynh hướng truyền thống hơn. Là Tổng Giám mục Budapest và chuyên gia luật giáo luật, Erdo được biết đến với lập trường bảo thủ và sự kiên định trong bảo vệ truyền thống Công giáo. Ông nổi bật nhờ khả năng cân bằng giữa bảo vệ giáo lý và duy trì ổn định chính trị trong một châu Âu đang chịu áp lực từ các vấn đề di cư và đa văn hóa. Đối với nhiều người, Erdo là biểu tượng của một Giáo hội kiên định và ổn định.

Tại Ý, Hồng y Matteo Zuppi là gương mặt đáng chú ý với phong cách mục vụ gần gũi và tư duy mở. Là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý và từng là sứ giả của Đức Giáo hoàng Francis tại các điểm nóng như Nga, Ukraine, Zuppi được coi là người mang lại hy vọng cho một Giáo hội biết lắng nghe và sẵn sàng đối thoại. Ông nổi tiếng với phong cách giản dị và khả năng kết nối, từ những cuộc đàm phán ngoại giao cho đến việc gần gũi với giáo dân.

Xa hơn về phía Bắc, Hồng y Anders Arborelius của Thụy Điển hiện lên như một biểu tượng của lòng khoan dung và tinh thần hòa nhập. Là Hồng y Công giáo đầu tiên của Thụy Điển, Arborelius khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hòa nhập và bảo vệ người di cư. Ông không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, đồng thời giữ vững lập trường truyền thống về giáo lý hôn nhân.

Pháp cũng có một đại diện sáng giá là Hồng y Jean-Marc Aveline, người đã trưởng thành tại Marseille - TP đa sắc tộc và đầy thách thức về nhập cư. Aveline nổi bật với tinh thần đối thoại liên tôn giáo, là cầu nối giữa Công giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Ông kêu gọi sự cảm thông và công bằng xã hội, là biểu tượng của một Giáo hội sẵn sàng đối thoại và thấu hiểu.

Tại châu Phi, hai gương mặt đáng chú ý là Hồng y Peter Turkson của Ghana và Hồng y Fridolin Ambongo của Cộng hòa Dân chủ Congo. Turkson đại diện cho quan điểm bảo thủ nhưng không cực đoan, được coi là tiếng nói lý trí trong các vấn đề đạo đức và giáo lý. Trong khi đó, Ambongo là nhà đấu tranh cho công lý xã hội, nổi bật với tinh thần bảo vệ người nghèo và bảo vệ giáo lý truyền thống. Nếu được chọn, một trong hai vị này sẽ là Giáo hoàng châu Phi đầu tiên sau hơn 1.500 năm.

Đọc thêm: Bầu cử Tân Giáo hoàng bước vào giai đoạn quyết định

Trong bối cảnh ấy, mật nghị sắp tới không chỉ là cuộc bỏ phiếu kín mà còn là cuộc gặp gỡ của những khuynh hướng tư tưởng và văn hóa đa dạng trong Giáo hội Công giáo. Kết quả của nó sẽ không chỉ định hình tương lai của 1,4 tỷ tín hữu mà còn ảnh hưởng đến vai trò của Giáo hội trong thế giới đương đại. Liệu Giáo hội sẽ tiếp tục con đường cải cách của Đức Giáo hoàng Francis, mở rộng vòng tay với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, hay sẽ quay về với những giá trị truyền thống, đề cao sự ổn định và bảo vệ giáo lý lâu đời?

Từ sau cánh cửa Nhà nguyện Sistine, làn khói trắng, biểu tượng của sự đồng thuận, sẽ không chỉ đánh dấu việc bầu chọn người kế vị Thánh Phêrô mà còn mở ra một chương mới trong hành trình của Giáo hội Công giáo.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ai-se-la-giao-hoang-tiep-theo.696422.html
Zalo