Một ngành công nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ xung đột quân sự Ấn Độ - Pakistan
Theo hãng tin Bloomberg, cổ phiếu của các công ty sản xuất quốc phòng Trung Quốc tăng mạnh trong ngày 7/5 khi căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, làm gia tăng triển vọng xuất khẩu cho các nhà sản xuất đại lục.

Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công của Ấn Độ nhằm vào nhiều địa điểm ở Pakistan, ngày 7/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Pakistan là quốc gia nhập khẩu phần lớn thiết bị quốc phòng từ Trung Quốc, bao gồm cả tiêm kích J-10C. Sau khi cuộc xung đột quân sự nổ ra, Pakistan đã đưa ra tuyên bố bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, trong đó có cả chiếc tiêm kích Rafale hiện đại do Pháp sản xuất. Diễn biến này làm dấy lên suy đoán rằng các khí tài quân sự do Trung Quốc sản xuất có thể đã được sử dụng hiệu quả trong cuộc xung đột hiện nay. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn khi Islamabad đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu từ Bắc Kinh.
Trong ngày 7/5, chỉ số của cố phiếu các công ty quốc phòng Trung Quốc tại Trung Quốc đại lục đã có phiên tăng tới 1,6%, đạt mức cao nhất trong 2 tuần qua. Avic Chengdu Aircraft - nhà sản xuất máy bay chiến đấu J-10C– là một trong những công ty có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất, kéo theo giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024.
Ông Eric Zhu, một nhà phân tích quốc phòng tại Bloomberg Intelligence, cho biết hầu hết các khí tài hiện đại do Trung Quốc tự phát triển trong nước vẫn chưa được thử nghiệm trên chiến trường. "Vì vậy, việc đạt được thành tích chiến đấu là một điểm cộng cho tiềm năng xuất khẩu", ông nhấn mạnh.
Trung Quốc hiện là nguồn cung vũ khí chủ lực của Pakistan. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, 82% số vũ khí mà Pakistan nhập khẩu đến từ Trung Quốc, tăng cao so với mức 51% trong giai đoạn 2009–2012.
Trước động thái leo thang căng thẳng của hai quốc gia khu vực Nam Á, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng kêu gọi hai bên sớm tìm cách giải quyết vấn đề. Ông Anouar El Anouni, người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của Ủy ban châu Âu (EC), kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế. Iran, quốc gia có chung đường biên giới với Pakistan và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ, đã đề nghị làm trung gian hòa giải vào tháng trước.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo chiến dịch quân sự do Ấn Độ vừa thực hiện có nguy cơ dẫn đến “cuộc chiến toàn diện" với Pakistan. Tuyên bố nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời kêu gọi hai nước hành động vì lợi ích chung.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng cần ngăn chặn leo thang quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan và “cả hai nước cần hành động có trách nhiệm khẩn cấp”. Bộ dự kiến triệu tập cuộc họp về khủng hoảng và các quan chức Đức đang liên lạc với cả hai bên.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Phía Nga kỳ vọng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn chặn tình hình trong khu vực tiếp tục xấu hơn và cho rằng những bất đồng hiện tại giữa New Delhi và Islamabad sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị-ngoại giao hòa bình.