Ai sẽ hưởng lợi từ đòn thuế của ông Trump?

Chính sách thuế quan của Mỹ có thể tạo ra cú sốc lớn nhất cho thương mại toàn cầu kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ. Nhưng Anh có thể hưởng lợi từ những biến động sắp tới.

Các chuyên gia tại Deutsche Bank đã mô tả chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "cú sốc lớn nhất 50 năm" đối với thương mại toàn cầu. Nhóm chuyên gia cảnh báo chính sách này sẽ gây ra suy thoái kinh tế ở những quốc gia bị ảnh hưởng và giáng đòn lên kinh tế toàn cầu.

Quốc gia có thể nằm ngoài cuộc chiến thuế quan

Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng đã đồng ý tạm dừng áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada trong vòng 30 ngày. Nhưng Trung Quốc thì không. Nước này vẫn đang phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 10%. Để đáp trả, Bắc Kinh áp thuế lên đến 15% đối với hàng hóa Mỹ.

Đến 10/2, ông Trump tiếp tục công bố mức thuế mới 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Động thái được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông khẳng định sẽ áp thuế nhập khẩu "có qua có lại" với nhiều quốc gia khác, tức áp thuế hàng nhập khẩu vào Mỹ ngang bằng mức thuế mà các đối tác thương mại đang áp dụng với hàng hóa Mỹ.

Theo CNBC, các nền kinh tế châu Âu cũng đang đối mặt rủi ro vì chính sách thuế của ông Trump. Mới đây, Tổng thống Trump khẳng định "chắc chắn sẽ áp thuế" Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông tiết lộ "có thể thỏa thuận" với Anh.

"Anh đang đi chệch hướng. Nhưng tôi chắc chắn rằng vấn đề sẽ được giải quyết”, CNBC dẫn lời ông Trump khẳng định với các phóng viên, đồng thời cho biết ông đang "hợp tác rất tốt" với Thủ tướng Anh Keir Starmer.

 Ông chủ Nhà Trắng đang tạo ra sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu từ các chính sách thuế quan mới. Ảnh: Reuters.

Ông chủ Nhà Trắng đang tạo ra sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu từ các chính sách thuế quan mới. Ảnh: Reuters.

Dẫn lời ông Keir Starmer, The Guardian cho biết Thủ tướng Anh đã thảo luận về thương mại trong các cuộc đàm phán với ông Trump và sẽ không lựa chọn phe giữa Mỹ hay EU.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves nhấn mạnh rằng Anh "không phải một phần của vấn đề" đối với tình trạng thâm hụt thương mại mà ông Trump đang tìm cách điều chỉnh thông qua các chính sách thuế.

Theo dữ liệu chính thức, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh tính từ đầu năm đến tháng 9/2024. Ông Trump không thích Mỹ thâm hụt thương mại với những quốc gia khác. Trong khi đó, các con số thương mại giữa Anh và Mỹ gần như cân bằng.

Theo bà Irina Surdu-Nardella, Giáo sư về kinh doanh quốc tế và chiến lược tại Trường Kinh doanh Warwick, ngay cả khi Anh bị áp thuế, tác động có thể sẽ nhẹ hơn so với dự kiến.

"Những đặc điểm trong nền kinh tế dịch vụ của Anh có thể bảo vệ nước này khỏi tác động tiêu cực của thuế. Các chính sách thuế sẽ đặc biệt gây bất lợi cho những ngành công nghiệp có chuỗi cung ứng phức tạp, hàng hóa phải thông quan nhiều lần trước khi trở thành thành phẩm. Trong khi đó, Anh chủ yếu xuất khẩu dịch vụ ngân hàng và tư vấn sang Mỹ", bà lập luận.

5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Anh sang Mỹ là ôtô, dược phẩm, máy phát điện cơ khí, dụng cụ khoa học và máy bay, với tổng trị giá 25,6 tỷ bảng (tương đương 31,8 tỷ USD).

Trái lại, giá trị của các dịch vụ xuất khẩu lớn nhất, bao gồm dịch vụ tài chính và bảo hiểm, lên đến 109,6 tỷ bảng Anh.

Kịch bản lý tưởng để Anh tăng trưởng trở lại

Nền kinh tế Anh đang lao đao. Bà Reeves khẳng định đang "đấu tranh từng ngày để thúc đẩy tăng trưởng".

Tuy nhiên, giờ đây, CNBC dẫn lời một số chuyên gia khẳng định nền kinh tế Anh có thể hưởng lợi từ thương chiến do Washington khởi xướng.

Theo bà Neri Karra Sillaman tại Trường Kinh doanh Said thuộc Đại học Oxford, việc tránh được ảnh hưởng từ chính sách thuế sẽ là kịch bản lý tưởng đối với Anh, bởi nó có thể thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này.

"Nếu Anh không bị áp thuế, nước này sẽ có một vị thế độc đáo để thu hút đầu tư, nhân tài và các đối tác thương mại mới”, vị chuyên gia lập luận với CNBC.

Bà cho rằng với các chính sách thuế mới, doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những điểm đến mới để tối ưu chi phí. "Anh có thể trở thành cửa ngõ thích hợp cho những doanh nghiệp muốn lách các hạn chế", bà nhận định.

Vị chuyên gia chỉ ra các lĩnh vực có thể hưởng lợi là thời trang, hàng hóa xa xỉ, dược phẩm và sản xuất công nghệ cao. Bên cạnh đó là một số ngành công nghiệp khác như ôtô, hàng không vũ trụ và tài chính.

"Kịch bản này đã từng xuất hiện trước đây. Mọi cuộc chiến thương mại đều thay đổi cán cân kinh tế toàn cầu. Và đây là thời điểm để Anh tận dụng thời cơ, tích cực tham gia vào cuộc chơi thay vì đứng ngoài cuộc", bà Sillaman nhận định.

Cùng chung góc nhìn, ông Alex King, nhà sáng lập nền tảng tài chính cá nhân Generation Money, đánh giá chính sách thuế mới của ông Trump có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh.

Ông lập luận rằng nếu Anh tránh được đòn thuế, hàng hóa từ EU có thể đi qua Anh để giảm tác động từ các chính sách thuế của Mỹ đối với EU.

Ông King chỉ ra đồng bảng Anh cũng có thể trở thành đồng tiền được hưởng lợi nhiều nhất trong thương chiến. Ngay sau khi ông Trump lần đầu xác nhận về việc áp thuế, đồng bảng Anh đã tăng giá so với đồng euro, đồng tiền của Canada, Australia và New Zealand.

Huy Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-se-huong-loi-tu-don-thue-cua-ong-trump-post1530374.html
Zalo