Hóa giải chính sách thuế quan của Mỹ bằng cách nào?

Trao đổi với ĐTTC, GS. Hà Tôn Vinh* đánh giá chính sách tăng thuế quan nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump đang thực hiện sẽ khó thay đổi, và sẽ tác động đến hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ.

GS. Hà Tôn Vinh trong một cuộc gặp gỡ ông Donald Trump khi ông đang là doanh nhân, tỷ phú và chưa bước chân vào chính trường.

GS. Hà Tôn Vinh trong một cuộc gặp gỡ ông Donald Trump khi ông đang là doanh nhân, tỷ phú và chưa bước chân vào chính trường.

Đối với Việt Nam, một trong những đối tác xuất siêu lớn vào Mỹ, có thể Mỹ nhắm tới vào cuối năm nay hoặc trong năm sau. Do đó Việt Nam cần tìm cách hóa giải ngay từ bây giờ.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chính sách thuế quan Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành, sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào?

GS. HÀ TÔN VINH: - Việt Nam và Mỹ đã ký kết Đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Như vậy, xét về tính liên tục của chính sách lập pháp Mỹ, Tổng thống tái đắc cử Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ tiếp tục các nguyên tắc, các thỏa thuận với Việt Nam về các mặt kinh tế, chính trị và an ninh.

Còn về những thay đổi, sẽ có nhưng dựa trên những trao đổi, thỏa thuận và đối thoại. Mỹ muốn Việt Nam trở thành đối tác lớn, đối tác tin tưởng ở châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực.

Tổng thống Donald Trump là người khá quý mến Việt Nam, bằng chứng ông ấy đã sang Việt Nam và luôn tỏ rõ quan điểm ủng hộ Việt Nam. Đó là lý do chúng ta có quyền tin vào chính sách Mỹ với Việt Nam dưới thời ông Trump vẫn sẽ tốt đẹp, thậm chí có thể kỳ vọng hơn.

Thực tế phải nói rằng, sự xích gần lại quan hệ giữa hai nước và việc khai thác tối đa lợi thế thị trường Mỹ, đã thúc đẩy thương mại hai chiều tăng nhanh trong những năm qua. Hiện Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thương mại hai chiều thường trực ở mức 100-120 tỷ USD/năm và ngày càng phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Sự bổ trợ của hai nền kinh tế giúp cho xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng, cùng với đó là sự lớn mạnh của kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp FDI khai thác tốt ưu đãi thuế ở các hiệp định song phương.

- Như ông từng nói, Việt Nam nên mua hàng hóa để cân bằng thương mại với Mỹ và có thể xem như một giải pháp, song thực tế điều này cũng đang gặp không ít khó khăn?

- Quả thực như vậy. Vấn đề thứ nhất là nhu cầu và khả năng. Hàng hóa của Mỹ có cái Việt Nam không cần nên không có nhu cầu mua, hoặc có thứ Việt Nam muốn mua nhưng lại quá đắt. Vừa qua, Việt Nam quyết định mua máy bay của Mỹ, nhưng giá trị mỗi chiếc máy bay cũng chỉ hơn 100 triệu USD, cũng không thể đủ để giảm thâm hụt thặng dư thương mại của Mỹ, trong khi quan điểm của Mỹ là Việt Nam phải giảm khoảng 50% giá trị thặng dư thương mại hiện nay.

Vấn đề thứ hai là hàng hóa công nghệ của Mỹ, Việt Nam chưa đủ trình độ vận hành. Hiện nay Việt Nam mới chỉ mua một số ít khí tài quân sự của Mỹ thôi, còn nhiều thứ khác Việt Nam muốn mua nhưng chưa thể mua được. Đơn cử như các công nghệ của Mỹ về sản xuất chất bán dẫn hay công nghệ để khai thác và tinh chế đất hiếm, hiện Việt Nam chưa đủ trình độ và con người để làm chủ các công nghệ này.

Việt Nam hiện nay được biết là có trữ lượng đất hiếm đứng thứ nhì thế giới, nhưng nếu khai thác được phải có máy móc hiện đại. Hiện nay Trung Quốc có thể khai thác, song điều kiện họ đưa ra là Việt Nam phải bán các sản phẩm này cho Trung Quốc, là điều Việt Nam không mong muốn. Mỹ cũng muốn đầu tư khai thác lĩnh vực này tại Việt Nam, song công nghệ của Mỹ lại có giá thành quá đắt. Nên Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn trong việc lựa chọn cho vấn đề này.

Tôi được biết vừa qua Chính phủ Việt Nam cũng đề cập vấn đề này với phía Hàn Quốc, và phía các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho biết rất sẵn sàng đầu tư máy móc, công nghệ vào khai thác đất hiếm tại Việt Nam, sau đó sơ tuyển, rồi bán. Nên nếu Việt Nam thành công trong việc kêu gọi, mời chào các doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, sơ chế đất hiếm.

Lúc đó Chính phủ Mỹ có thể sẽ bán cho Việt Nam các công nghệ, máy móc về lĩnh vực này, thậm chí đề nghị Mỹ đào tạo nhân lực cho Việt Nam lĩnh vực này. Khi đó, cán cân thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cũng sẽ được giảm xuống và Việt Nam cũng đạt được nhu cầu của mình đang cần.

- Như trên ông nói đến nhập khẩu công nghệ cũng như thuê nhân lực trình độ cao cũng như những dịch vụ của Mỹ, vậy cụ thể là gì?

- Theo tôi, Việt Nam nên mua hàng gián tiếp từ Mỹ, tức là mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ đầu tư sản xuất vào Việt Nam. Việt Nam mua công nghệ, máy móc từ Mỹ rồi mời gọi chính các doanh nghiệp Mỹ vận hành, sản xuất bằng chính các công nghệ này tại Việt Nam rồi sản phẩm sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Đây là một hướng đi tốt. Việt Nam không chỉ mua các máy móc công nghệ chỉ để nhằm mục đích cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, mà còn mua để nhằm mục đích lâu dài, nâng cấp công nghệ, chuỗi sản xuất cho mình.

Mua hàng hóa ở đây không nên hiểu chỉ là mua các sản phẩm hàng hóa “cứng” đơn thuần, mà còn phải hiểu là mua cả hàng hóa “mềm”, tức là Việt Nam mua, hay đúng hơn là thuê nhân lực, kỹ sư, phần mềm, dịch vụ tư vấn, đào tạo của Mỹ. Khi Việt Nam mua máy móc, công nghệ, nhưng đồng thời cũng “mua” (thuê) nhân lực chất lượng cao của Mỹ sang Việt Nam để tư vấn, đào tạo cũng là hướng đi rất tốt. Điều này cũng giúp thu hẹp cán cân thương mại.

Theo tôi, Việt Nam sẽ cân nhắc để lựa chọn giải pháp này, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước, mong muốn nhập khẩu thiết bị, công nghệ. Thời gian qua, tôi chứng kiến, quá trình bắt tay hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực Mỹ và Việt Nam đã diễn ra, đặc biệt ở các lĩnh vực chất lượng cao, đó là tín hiệu tốt và cần thúc đẩy nhiều hơn nữa.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng mối quan hệ Việt - Mỹ, ngay cả khi vấn đề thuế quan đang là chủ đề “nóng bỏng” hiện nay?

- Tôi có niềm tin giữa Việt Nam và Mỹ đã được củng cố, mối quan hệ đã được nâng tầm, nên chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng vào điều tốt đẹp đến từ thái độ thiện chí và quyết tâm hiện thực hóa các cam kết. Việt Nam trong mối tương quan với các nước khác, thì chúng ta có nhiều lợi thế khác rất lớn với Mỹ.

Đó là chúng ta là cửa ngõ vào ASEAN, chúng ta có lợi thế về chính trị ổn định, có quan hệ ở tầm cao với Mỹ, và đặc biệt vị thế chính trị - địa lý của chúng ta đặt chúng ta ở một tầm quan hệ lớn hơn, không thể thấp hơn và càng không thể như các nước.

Chúng ta duy trì ngoại giao cân bằng, đa phương hóa với chiến lược làm bạn với tất cả các nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì an ninh, an toàn và không vì nước này, chống nước kia, đây là chủ trương xuyên suốt và lý tưởng. Do đó chúng ta cần lựa chọn đối sách để hợp tác với các nước.

- Xin cảm ơn ông.

---------------

(*) GS. Hà Tôn Vinh từng học Cao học Ngoại giao và Phát triển kinh tế tại ĐH Tổng hợp Georgetown, Thủ đô Washington, D.C., Mỹ (1976-1978). TS. Quản trị công tại ĐH Tổng hợp Catholic University of America (1981-1983). Từng là trợ lý đặc biệt của Nhà Trắng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Ronald Wilson Reagan, Tổng thống thứ 40 của Mỹ (từ năm 1981-1989). Có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại vùng châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Tây Phi trong lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế; quản lý, cải tổ và sát nhập doanh nghiệp; tài chính dự án song phương và đa phương; tài chính ngân hàng.

LƯU THỦY (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hoa-giai-chinh-sach-thue-quan-cua-my-bang-cach-nao-post120409.html
Zalo