Giá vàng tăng 'không cản nổi' vì mối lo chiến tranh thương mại và lạm phát
Đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, nhưng không cản được đà tăng này của giá kim loại quý...
![Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51445187/2dcf76fb42b5abebf2a4.jpg)
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới tăng dữ dội trong phiên giao dịch ngày thứ Hai và sáng nay (11/2), vượt xa mốc 2.900 USD/oz, khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao trong bối cảnh các kế hoạch áp thuế quan mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn. Đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng, nhưng không cản được đà tăng này của giá kim loại quý.
Lúc đóng cửa phiên đầu tuần tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 47,2 USD/oz so với mức chốt của tuần trước, tương đương tăng hơn 1,6%, đạt 2.908,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng giao ngay vượt mốc 2.900 USD/oz cũng như đóng cửa một phiên giao dịch trên mốc này.
Giá vàng giao sau trên sàn COMEX chốt phiên với mức tăng 1,6%, đạt 2.934,3 USD/oz, đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 2.900 USD/oz.
Tại thời điểm hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng thêm 21,7 USD/oz so với giá chốt phiên New York, tương đương tăng 0,75%, giao dịch ở mức 2.930 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 90,3 triệu đồng/lượng, tăng 2,2 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
“Rõ ràng, chiến tranh thuơng mại là nguyên nhân phía sau sự tăng giá này của vàng. Điều này cho thấy sự bấp bênh lớn và căng thẳng leo thang trong thương mại toàn cầu”, nhà phân tích Edward Meir của công ty Marex nhận xét với hãng tin Reuters.
Sau khi thị trường đã đóng cửa, vào buổi tối ngày thứ Hai tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan 25% lên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ông cũng cho biết có ý định áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia và đánh thuế quan mới đối với nhiều mặt hàng khác như con chip, ô tô và dược phẩm. Vào tuần trước, nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ đã áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nhận định rằng động thái của ông Trump đặt ra khả năng về một cuộc chiến thương mại đa phương giữa Mỹ với các đối tác thương mại của nước này, phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Vàng là một “hầm trú ẩn” truyền thống và hàng đầu nên thường được ưa chuộng trong bối cảnh như hiện nay.
Ngoài ra, thuế quan có thể khiến lạm phát ở Mỹ và trên toàn cầu tăng trở lại và dai dẳng ở mức cao. Vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu nên có thể hưởng lợi trong một môi trường như vậy. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư sẽ dành sự quan tâm lớn cho hai báo cáo lạm phát tháng 1 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố trong tuần này, bao gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm.
![Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51445187/2c8e48ba7cf495aacce5.jpg)
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Nếu các báo cáo này cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo, tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sẽ đương đầu với áp lực giảm vì khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sẽ tăng lên, hỗ trợ cho giá vàng tăng cao hơn.
Ngược lại, nếu lạm phát nóng hơn kỳ vọng, tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thể tăng và gây áp lực mất giá lên vàng. Dù vậy, lực bắt đáy có thể nhanh chóng xuất hiện, kéo vàng tăng trở lại. Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự dai dẳng của lạm phát cũng thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng để chống lạm phát.
Tuần này còn có hai buổi điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Thị trường kỳ vọng có thể tìm kiếm ở lần xuất hiện này của ông Powell những tín hiệu mới về đường đi của chính sách tiền tệ.
Tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng, và thậm chí thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm, nhưng giá vàng vẫn bùng nổ. Đó là một hiện tượng mà các nhà phân tích đánh giá là hiếm gặp.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Hai ở mức 108,32 điểm, từ mức 108,1 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số tiếp tục tăng nhẹ, có lúc đạt 108,37 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng nay vượt ngưỡng 4,5%.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục 7 lần, sau khi có hơn 40 lần lập đỉnh cao mọi thời đại trong năm ngoái. Động lực chính cho sự tăng giá này của vàng là cuộc chiến thuế quan mới mà ông Trump khởi xướng trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.
Chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nói rằng đợt tăng giá của vàng từ tháng 12 tới nay có thể tạo thành một vòng xoáy tự mạnh lên, có thể dẫn giá vàng tới mức 3.250-3.500 USD/oz.