50 năm thống nhất đất nước: Tỏa sáng những trái tim nhiệt huyết
Khát vọng giải phóng dân tộc là một lý tưởng lớn lao, đã tồn tại và cháy bỏng trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam trong suốt hơn một thế kỷ đấu tranh giành lại độc lập và tự do cho dân tộc.
Cựu chiến binh Vũ Thành Kim, một người lính từng tham gia chiến trường Tây Nguyên, giống như hàng triệu thanh niên khác, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt đã xung phong nhập ngũ. Đó không phải vì mệnh lệnh bắt buộc mà vì một niềm tin vào chính nghĩa và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, khát vọng giải phóng dân tộc.
“Khi Tổ quốc cần, chúng tôi có mặt”
Ông Vũ Thành Kim sinh năm 1943, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Hoàn Kiếm. Thời thanh niên, ông công tác tại bệnh viện Xanh Pôn từ năm 1959 đến 1961, năm 1962 thì nhập ngũ. Sinh ra trong thời kỳ đất nước đang chia cắt, chiến tranh và bị tàn phá bởi hậu quả kéo dài của chế độ thực dân. Chính điều này đãtạo ra một thế hệ thanh niên – trong đó có ông Kim – mang trong mình khát vọng mãnh liệt: được sống trong một đất nước độc lập, tự do, thống nhất.
Ông Kim chia sẻ: “Thanh niên lúc đó ai cũng mang trong mình lý tưởng, tinh thần xung kích, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tôi nhớ mãi không khí ngày ấy – sục sôi khí thế lên đường, tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, vào con đường đấu tranh chính nghĩa toàn dân tộc đang đi. Chính từ niềm tin ấy, chúng tôi – những người lính trẻ – đã không ngần ngại bước vào chiến trường ác liệt Tây Nguyên, với một niềm tin duy nhất: Thống nhất đất nước là điều chắc chắn sẽ đến, dù phải đổi bằng máu xương”.
Sau 3 năm huấn luyện và công tác tại đơn vị Bộ Tư lệnh Thủ đô, tháng 2/1964, cựu chiến binh Vũ Thành Kim tình nguyện lên đường vào chiến trường Tây Nguyên. Lý tưởng chỉ là điểm khởi đầu – chiến tranh lại là một hiện thực khác hẳn, khắc nghiệt và đầy thử thách. Những trang nhật ký cuộc đời ông từ đó nhuốm màu bom đạn, khói lửa và mồ hôi trên các cung đường hành quân. Cũng chính tại nơi chiến trường ác liệt ấy, ông Kim đã thực sự hiểu được giá trị của hai chữ “Tổ quốc”, cũng như cái giá của độc lập, tự do.
“Tôi đã từng chiến đấu trên những chiến trường vô cùng gian khổ và ác liệt. Có lẽ không ngòi bút nào – có thể diễn tả hết được những khó khăn, vất vả mà những người lính, phải đối mặt lúc bấy giờ. Mưa bom bão đạn, thiếu thốn từ lương thực, thuốc men,... tất cả như một cuộc chiến không hồi kết với thiên nhiên, với kẻ thù và cả chính bản thân mình. Có những lúc anh em chúng tôi chỉ biết động viên nhau bằng một câu nói tưởng nhẹ nhàng, mà lại nặng tình đồng đội: Còn sống là còn chiến đấu. Hàng ngày, giữa khói lửa chiến tranh, chúng tôi hành quân ra mặt trận, gặp nhau chỉ chốc lát rồi chia tay, không biết lần sau có còn gặp lại. Có lần, trong một đợt hành quân dài ngày, có ông bị sốt rét nặng, chân run không bước nổi nhưng vẫn cố lê từng bước theo đơn vị. Anh em thay nhau cõng, dìu, chia nhau từng miếng lương khô, từng ngụm nước. Ký ức còn in đậm hình ảnh những bữa cơm dã chiến: sáng chỉ kịp nhai vội nắm cơm nguội, trưa nghỉ chút rồi lại lên đường, chiều muộn mới được ăn no, nếu không gặp bom đạn giữa đường. Thế nhưng chưa bao giờ chúng tôi oán thán. Bởi hơn ai hết, ai cũng hiểu rằng: sống hay hy sinh không quan trọng bằng việc hoàn thành nhiệm vụ. Có những người đã nằm lại mãi mãi nơi rừng sâu núi thẳm, không kịp gửi lời cuối với gia đình, không có cả tấm ảnh thờ. Nhưng họ đã sống một cuộc đời đầy lý tưởng và cống hiến trọn vẹn cho Tổ quốc. Chính những hy sinh đó, là nền móng để đất nước có được hòa bình hôm nay”, ông Kim chia sẻ.
Suốt 9 năm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lúc đầu hỗ trợ cho bộ đội địa phương thuộc Tỉnh đội Kon Tum, sau tăng cường sang đơn vị chủ lực K7, E66, mặt trận B3 vô cùng ác liệt. Ông Kim đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Đắk Tô – Tân Cảnh năm 1972, là trận đánh mở màn cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972. Trong chiến dịch này, ông Kim chiến đấu rất dũng cảm, bị sức ép của nhiều trận bom B52 và nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe yếu, nguy kịch đến tính mạng phải ra Bắc điều trị, khi phục hồi tiếp tục công tác tại Đoàn 231 Quân khu 2 đến năm 1974.
Tiếp tục cống hiến cho cộng đồng
Sau 12 năm chiến đấu và công tác, phục viên trở về địa phương, sức khỏe yếu, là bệnh binh 2/4, nhiễm chất độc da cam. Ông Kim sinh được 3 người con thì 2 người con bị nhiễm chất độc da cam, một người con mất sớm, một người con sinh năm 1975 bị khuyết tật nặng và thiểu năng trí tuệ, không tự chủ được bản thân.
Vào những năm 70, khi đất nước đang gặp khó khăn trong thời kỳ "bao cấp", ông Kim cùng những người đồng đội tham gia xây dựng Hợp tác xã Nông nghiệp Long Biên. Mặc dù chỉ có vài chục lao động, nhờ sự kiên trì và nhiệt huyết, hợp tác xã đã phát triển mạnh, thu hút gần 200 xã viên và mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Ông Kim được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm, tham gia lãnh đạo cấp ủy. Hợp tác xã Long Biên trở thành đơn vị tiêu biểu, ông được vinh danh là Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ngoài công tác xã hội, ông còn được bầu làm Tổ trưởng dân phố, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm.
Năm 2009, ông Vũ Thành Kim nhận nhiệm vụ vận động thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Hoàn Kiếm. Từ hơn 80 hội viên ban đầu, đến nay Hội đã phát triển gần 300 hội viên ở 14 chi hội, trở thành mái nhà chung cho những số phận thiệt thòi. Ông Kim chia sẻ: "Chúng tôi - những người từng vào sinh ra tử - thấm thía hơn ai hết giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Càng thấm thía bao nhiêu, tôi càng thấy mình có trách nhiệm phải góp sức chăm lo cho những đồng đội, những thế hệ sau chịu thiệt thòi vì chiến tranh."
Dù tuổi cao sức yếu, những năm gần đây ông Kim vẫn tiếp tục tham gia Ban chấp hành Hội với vai trò Phó Chủ tịch, không phụ cấp.
Ông Vũ Thành Kim còn dành dụm tiền bạc, tổ chức nhiều chuyến trở lại chiến trường xưa. Cùng đồng đội, ông lặn lội tới các nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Nam, Đà Nẵng – nơi ông từng chiến đấu để tìm hài cốt những người bạn đã ngã xuống. Ông cùng đồng đội đi khắp các bãi chiến trường xưa, thắp nén hương cho những người đã nằm lại. Hành trình ấy vô cùng gian nan, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trái tim ông vẫn không cho phép mình dừng lại.
Chia sẻ về quãng thời gian tìm hài cốt, ông Kim xúc động nói: "Chúng tôi không thể quên các anh, chúng tôi trở lại không chỉ để tìm hài cốt mà còn để giữ lời hứa: các anh sẽ không bao giờ bị quên lãng."
Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, đất nước hôm nay đã thay da đổi thịt, khi nhìn thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, được học hành dưới mái trường, tiếp cận với tri thức và khoa học công nghệ hiện đại, ông Kim thấy tràn ngập niềm vui và tự hào.
Ông Kim tâm sự: "Những người lính như chúng tôi không còn muốn kể lại quá nhiều về các trận đánh bởi tôi nghĩ việc tiếp cận thông tin của các bạn trẻ giờ khá dễ dàng. Thay vào đó, chúng tôi mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ về tinh thần và khát vọng tuổi trẻ của chúng tôi trong những năm tháng gian khổ ấy, để thế hệ sau hiểu được giá trị của hòa bình, biết trân trọng, bảo vệ những gì mình đang có".
Có thể nói, khát vọng cống hiến của ông Kim là sự tỏa sáng từ trái tim nhiệt huyết, luôn dành trọn tâm sức để phục vụ cộng đồng và những số phận thiệt thòi. Dù trải qua bao gian khó, ông Kim vẫn kiên trì cống hiến, vì tin rằng mỗi hành động nhỏ bé đều góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước và thế hệ mai sau.