5 giải pháp gợi mở để phát triển lương thực bền vững
Phát triển hệ thống tài chính xanh, tăng cường năng lực số, hợp tác đa phương..., là những giải pháp được nêu ra tại phiên thảo luận nông nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G, nhằm hướng tới hệ thống lương thực bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G, sáng 17/4 diễn ra phiên thảo luận nông nghiệp với chủ đề “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”.
Chung tay hành động để chuyển đổi xanh
Tại phiên thảo luận, theo Thứ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Nam Phi Narend Singh, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải nhà kính với khoảng 70% lượng nước đang bị thất thoát và nguồn đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần chung tay bảo vệ hệ thống lương thực, nông nghiệp cũng như đảm bảo nguồn thủy sản bền vững, quan tâm đến sức khỏe đất đai.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy khẳng định, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Điều này đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân.
“Việt Nam tin rằng, chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Chia sẻ về bối cảnh lương thực tại Việt Nam, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (số liệu năm 2024).
Với nguồn tài nguyên hạn hẹp, Việt Nam ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, và ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu…
Để giải quyết những thách thức trên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, Việt Nam đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Việt Nam cũng ban hành Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Trong khi đó, chia sẻ về những kinh nghiệm trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững, Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente cho biết, Ethiopia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các ngành nghề quan trọng như nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sử dụng nông nghiệp thông minh, thân thiện khí hậu cùng với nỗ lực tăng cường năng suất ở khu vực đồng bằng, hỗ trợ vùng trung nguyên và cao nguyên, quốc gia này trong 5 năm qua đã có thể đảm bảo năng suất lúa mạch cũng như trở thành nhà sản xuất hàng đầu về lương thực ở khu vực châu Phi.
Ethiopia đã xây dựng các giải pháp tổng thể, có lộ trình đảm bảo an ninh lương thực, ứng dụng công nghệ nhằm tăng năng suất, sử dụng AI trong việc giám sát cây trồng giúp ngành nông nghiệp nước này ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ethiopia cũng đang mở rộng cơ khí hóa cho nông nghiệp như các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, các ưu đãi, thuế quan khi xuất khẩu nông sản, ứng dụng máy móc nhiều hơn. Các trung tâm dịch vụ nông nghiệp được xây dựng để cung cấp chương trình đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp, người nông dân. Nước này cũng có sáng kiến về protein động vật, song hành với đó là việc thực hiện các giải pháp như tăng cường sản xuất sữa, gia cầm, gia súc để đẩy nhanh tiến triển tự chủ về mặt lương thực cho các hộ gia đình tại Ethiopia.

Phiên thảo luận nông nghiệp diễn ra sáng ngày 17/4 có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, chuyên gia quốc tế. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
5 giải pháp được gợi mở
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, các ý kiến tại phiên thảo luận đã gợi mở nhiều giải pháp cụ thể cho việc chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững.
Theo đó, thứ nhất các quốc gia gia tăng đầu tư chuyển đổi số, công nghệ xanh trong nông nghiệp gắn với mục tiêu giảm phát thải, nâng cao năng suất và chuỗi cung ứng.
Thứ hai, các bên phát triển hệ thống tài chính xanh và thị trường carbon công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Thứ ba, tăng cường năng lực địa phương, từ chia sẻ dữ liệu, đào tạo kỹ năng số đến chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng vùng và đối tượng yếu thế.
Thứ tư, các bên phát triển mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng (Public - Private - Community Partnership), tận dụng thế mạnh từng bên để chia sẻ rủi ro trong từng hành động.
Thứ năm, hợp tác đa phương được xác định là con đường duy nhất để cùng nhau vượt qua khủng hoảng lương thực, thách thức về khí hậu và cũng như bảo đảm sinh kế, bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Việt Nam cam kết là đối tác hành động tích cực và trách nhiệm, cùng các quốc gia và tổ chức quốc tế trong hành trình chuyển đổi hệ thống lượng thực theo hướng minh bạch, bền vững. “Chúng ta hãy biến cam kết hôm nay thành hành động ngày mai, vì một tương lai - nơi người dân từ vùng cao Ethiopia đến đồng bằng Nam Phi, từ đồng ruộng Cần Thơ đến trang trại hữu cơ Ailen đều hưởng lợi từ hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, công bằng và thông minh,” Bộ trưởng NN&MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam năm 2025 lấy chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm". Hội nghị P4G năm nay thu hút hơn 1.000 đại biểu đến từ 46 quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có Thủ tướng Lào, Thủ tướng Ethiopia, Phó Thủ tướng Campuchia và Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc; nhiều Bộ trưởng các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, giới học giả, chuyên gia, doanh nghiệp trên thế giới.