30 năm nỗ lực góp phần xây dựng nền an sinh bền vững

Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Hà Giang, các đơn vị trực thuộc cũng như cán bộ viên chức, người lao động đã vinh dự được Nhà nước, Chính phủ, BHXH Việt Nam trao tặng nhiều phần thưởng như: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh và BHXH Việt Nam tặng Cờ thi đua cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Ngày 16.2.1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý Quỹ BHXH và thực hiện thống nhất các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật. Sau khi BHXH Việt Nam được thành lập, ngày 15.6.1995, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định số 08/TC-CB về việc thành lập BHXH tỉnh Hà Giang với cơ cấu tổ chức ban đầu gồm 5 phòng và 10 đơn vị BHXH huyện, thị. Ngày đầu thành lập, cán bộ BHXH tỉnh có 49 người được tiếp nhận từ 2 đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh chuyển sang… Đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết với công việc là một trong những ưu thế; tuy nhiên, số cán bộ có trình độ trung,sơ cấp là chủ yếu, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa. Cán bộ công chức, viên chức chưa được đào tạo cơ bản về công tác tài chính, lao động, tiền lương và nhất là về lĩnh vực BHXH nên không tránh khỏi những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ; việc tiếp nhận bàn giao, tài sản hết sức nghèo nàn, trụ sở BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện, thị xã phải đi thuê hoặc mượn, các phương tiện thiết yếu phục vụ công tác mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với yêu cầu công việc.

Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa (giữa) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH tỉnh. Ảnh: CTV

Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa (giữa) trao Cờ thi đua của Chính phủ cho BHXH tỉnh. Ảnh: CTV

Vượt lên khó khăn, suốt 30 năm qua, BHXH tỉnh luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT); tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý các quỹ theo quy định của BHXH Việt Nam và quy định của pháp luật.

Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng nhanh qua từng năm. Đến hết năm 2024, có 45.047 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng trên 32 nghìn người so với năm 1995 và tăng gần 14 nghìn người so với năm 2006 (năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH); Luật BHXH năm 2006 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2008 với việc triển khai loại hình BHXH tự nguyện, mang đến cơ hội tham gia bảo hiểm cho người lao động trong khu vực phi chính thức, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh chóng, từ 83 người (năm 2008) lên 7.700 người (năm 2010) và đến năm 2024 đạt 14.637 người; 35.898 người tham gia BHTN, tăng trên 30 nghìn người so với năm 2009; 887.854 người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,25% dân số trên địa bàn tỉnh), tăng gần 200 nghìn người so với năm 2010.

Hàng năm, BHXH tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam giao. Giai đoạn 1995 – 2000, tổng số thu vượt trên 27 tỷ đồng; đến năm 2005, số thu đạt gần 86 tỷ đồng; năm 2016, tổng số thu đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng và tiếp tục tăng lên trên 2 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN luôn được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành BHXH vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh trên địa bàn tỉnh. Ngành đã không ngừng nỗ lực để giải quyết, chi trả các chế độ một cách đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng. Phương thức và hình thức chi trả ngày càng được cải tiến, phù hợp với tiến trình đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong hoạt động của ngành. Trong năm 2024, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả chế độ BHXH, BHTN với tổng số tiền 1.461 tỷ đồng.

Trong công tác khám, chữa bệnh BHYT, BHXH tỉnh luôn bám sát, chủ động phối hợp Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho hàng triệu lượt người. Từ năm 2009 đến năm 2022, BHXH tỉnh luôn đảm bảo cân đối được quỹ và dự toán của Chính phủ giao; riêng năm 2023 và 2024 vượt dự toán Chính phủ giao.

Ngành BHXH thường xuyên chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, thời gian thực hiện; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ, nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành, như: Triển khai thực hiện Đề án 06; đẩy mạnh vận động khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện tốt ứng dụng VssID-BHXH số...

Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành tiếp tục bám sát nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị. Đến nay, cơ cấu tổ chức của BHXH tỉnh gồm: Ban Giám đốc; 8 phòng nghiệp vụ và 10 BHXH huyện, với tổng số 245 người; trong đó chủ yếu có trình độ chuyên môn từ cao đẳng và đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp chiếm gần 37%. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, BHXH tỉnh luôn tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp an sinh xã hội tại địa phương.

Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Giang

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202502/30-nam-no-luc-gop-phan-xay-dung-nen-an-sinh-ben-vung-0101bea/
Zalo