3 thế hệ theo con đường binh nghiệp
Dưới chân đèo Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có một gia đình giàu truyền thống cách mạng với 3 thế hệ cùng theo con đường binh nghiệp. Tiếp nối truyền thống ông cha, hôm nay, con cháu tiếp tục xung phong lên đường nhập ngũ, góp sức bảo vệ Tổ quốc.
Đó là trường hợp của gia đình ông Vi Văn Khiếm ở thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_425_51479042/f44077294567ac39f576.jpg)
Sau nhiều năm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường biên giới giáp Lào và Campuchia, ông Vi Văn Khiếm đang là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyện Phú Thiện.
Chất thép của người lính Cụ Hồ trong ông đã “truyền lửa” cho thế hệ con, cháu viết lên câu chuyện đẹp về truyền thống cách mạng của gia đình.
Anh dũng trên chiến trường
Trong tiết trời mát mẻ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, ông Khiếm đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn. Trong căn nhà nhỏ với hàng dài bằng khen, giấy khen treo kín một mảng tường, ông Khiếm kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng oanh liệt trên chiến trường.
Dù đã bước sang tuổi 74, nhưng mái tóc ông vẫn đen nhánh, đặc biệt là trí nhớ còn rất minh mẫn. Những câu chuyện thời kỳ “kiên gan, bền chí” vẫn được ông khắc ghi trong thẳm sâu tâm trí như một dấu ấn không bao giờ phai mờ.
![Gia đình ông Vi Văn Khiếm có 3 thế hệ tham gia quân ngũ. Ảnh: V.C](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_425_51479042/ee746e1d5c53b50dec42.jpg)
Gia đình ông Vi Văn Khiếm có 3 thế hệ tham gia quân ngũ. Ảnh: V.C
Là người dân tộc Thái, ông Khiếm sinh ra và lớn lên ở vùng núi Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Năm 1970, khi đang theo học tại Trường Bổ túc công nông tỉnh Thanh Hóa, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 4 tháng hành quân, ông được biên chế về Tiểu đoàn 1, Binh trạm 44, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn.
Đơn vị của ông đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu mà trực tiếp là đảm bảo giao thông trên 100 km đường đồi núi để đưa những chuyến xe chở hàng tới đích. Mặc dù thân hình nhỏ bé nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vượt qua nhiều thử thách, ngày 28-2-1972, ông Khiếm vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ông, đây là niềm vinh dự, tự hào và là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức và hành động của người chiến sĩ cộng sản.
Hướng ánh mắt nhìn về phía hiên nhà, giọng ông chùng xuống khi nhớ lại những khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh trên chiến trường năm xưa. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, có trận đánh 7 chiến sĩ trong Tiểu đoàn hy sinh.
Dù vậy, ông vẫn nói với anh em đồng đội: “Sống cùng sống, chết cùng chết, dù gian khổ thế nào cũng phải quyết tâm bám trụ với đồng đội đánh đuổi kẻ thù. Chết vinh còn hơn sống nhục”.
Gương mẫu trong thời bình
Hòa bình lập lại, ông Khiếm được cử đi học rồi về công tác tại Lữ đoàn Công binh 394, Binh đoàn 11, Tổng cục Hậu cần. Năm 1982, ông cùng đơn vị phối hợp với chuyên gia Liên Xô xây dựng Quân cảng Cam Ranh. Khi thi công xong công trình thủy lợi Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), năm 1993, ông về hưu.
Ấn tượng với thiên nhiên và tình cảm mến khách của con người nơi đây, ông đã chọn định cư tại mảnh đất này và đưa gia đình vào sinh sống, gầy dựng cuộc sống mới.
![Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Vi Văn Khiếm vẫn đọc báo mỗi ngày để cập nhật tin tức. Ảnh: V.C](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_425_51479042/09d488bdbaf353ad0ae2.jpg)
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Vi Văn Khiếm vẫn đọc báo mỗi ngày để cập nhật tin tức. Ảnh: V.C
Trên quê hương thứ 2, ông tiếp tục được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ayun Hạ.
Năm 2019, khi Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyện Phú Thiện được thành lập, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Đau đáu trước cuộc sống nhiều đồng đội còn quá khó khăn, ông đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ 160 triệu đồng hỗ trợ xóa 3 nhà dột nát cho hội viên nghèo.
“Mỗi lần bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” là mỗi lần tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc. Hạnh phúc bởi tình đồng đội, đồng chí đã phát huy sức mạnh. Hạnh phúc vì từ nay đồng đội mình đã được an cư trong ngôi nhà khang trang, kiên cố, có thêm động lực để vươn lên”-ông Khiếm trải lòng.
Với những đóng góp của mình, ông Khiếm đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng nhì, hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển huyện Phú Thiện từ năm 2007 đến 2017 và có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai từ năm 2012 đến 2017; bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng…
Đồng hành cùng những cống hiến của ông trong kháng chiến cũng như trong thời bình không thể không nhắc đến bà Lương Thị Mắng. Bà đã trở thành hậu phương vững chắc của ông trong suốt 51 năm qua.
Chiến tranh khiến cả đám hỏi và đám cưới của bà đều vắng mặt chú rể. Rồi một mình bà chăm sóc, nuôi dưỡng 3 người con, chu toàn đôi bên nội ngoại trong những năm tháng ông cống hiến tuổi trẻ, sức lực cho quê hương, đất nước.
Giờ đây, khi mái đầu điểm bạc, bà vẫn chợ búa, cơm nước và là người bạn tri kỷ, tâm giao, cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống với ông.
Nở nụ cười hiền, bà bảo: “Không một lá thư gửi về, bao năm tháng chiến tranh, tôi sống bằng niềm tin và hy vọng. Và rồi, ngày ông trở về, vợ chồng vừa mừng vừa tủi chỉ biết ôm nhau khóc nức nở. Lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc đã cho con người có được sức mạnh phi thường vượt qua mọi khó khăn gian khổ như vậy đấy”.
Trong ánh mắt bà nhìn ông, chúng tôi hiểu rằng, ông luôn là niềm tự hào trong trái tim bà.
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình
74 tuổi đời, 53 năm tuổi Đảng, trải qua biết bao thăng trầm, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông Khiếm cũng luôn nêu gương sáng của một đảng viên gương mẫu, giáo dục con cháu gìn giữ truyền thống cách mạng của gia đình, trở thành những người có ích cho xã hội.
Hướng về bức tường treo kín những tấm bằng khen, giấy khen, nhiều tấm đã nhuốm màu thời gian, ông Khiếm cười bảo: “Treo nhiều bằng khen không phải để khoe mà để nhắc nhở con cháu về những năm tháng chiến tranh hào hùng của đất nước, về truyền thống của gia đình, từ đó mà gìn giữ, phát huy”.
Noi gương cha, người con trai thứ 2 là Thiếu tá Vi Văn Tuấn hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Thiện. Dù trải qua bao vất vả nhưng anh Tuấn chưa bao giờ ân hận về quyết định nghề nghiệp của mình. Thành tích 2 năm liền (2023-2024) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là minh chứng cho những nỗ lực của anh trong suốt thời gian qua.
“So với những hy sinh của cha ông trong kháng chiến thì những khó khăn, vất vả trong thời bình quá đỗi nhỏ bé. Vì vậy, danh hiệu đạt được là món quà mà tôi muốn dành tặng như một lời cảm ơn đối với cha mình. Chính cha là người đã gieo mầm khát vọng và tiếp thêm động lực giúp tôi vững bước trong môi trường đầy thử thách này”-anh Tuấn bày tỏ.
Ông Vi Văn Khiếm tự hào chia sẻ về truyền thống của gia đình. Clip: Vũ Chi
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi vừa qua, Vi Văn Tú (con trai anh Vi Văn Tuấn) tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Văn Hiến.
Trong lá thư tình nguyện, Tú có viết: “Môi trường quân đội là trường học lớn, thuận lợi để mỗi công dân rèn luyện, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, tôi tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội.
Quá trình tại ngũ, bản thân tôi sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước và mọi quy định của đơn vị”.
Để tạo động lực cho Tú, đích thân ông nội thay mặt gia đình ký đơn và dẫn cháu trai lên nộp đơn tại Ban Chỉ huy Quân sự xã.
Chia sẻ về quyết định của mình, Tú cho hay: Được đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam là ước mơ từ nhỏ của em. Sau khi tốt nghiệp THPT, em quyết định thi vào Trường Sĩ quan Chính trị nhưng bị thiếu điểm.
Khi đang theo học nguyện vọng 2 tại Trường Đại học Văn Hiến, được ông nội và ba động viên, em đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Em dự định thực hiện nghĩa vụ rồi tiếp tục thi vào Trường Sĩ quan Chính trị với mong muốn phục vụ lâu dài trong quân đội, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, góp sức bảo vệ Tổ quốc.
“Thật may mắn vì sau đó em đã trúng tuyển. Em sẽ nỗ lực hết mình để hiện thực hóa ước mơ, không phụ sự kỳ vọng của gia đình”-Tú bộc bạch.
***
Chia tay ông Khiếm, tôi nhớ mãi lời nhận xét của ông Phạm Văn Trần Hưng-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ: “Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, không có sự thành công nào không đánh đổi bằng mồ hôi và công sức. Những tấm gương như gia đình ông Khiếm đã góp phần lan tỏa tình yêu nước, lối sống đẹp cũng như khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp hơn”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_425_51479042/eb496c205e6eb730ee7f.jpg)