'Yêu Hà Nội', một nỗi khắc khoải nhớ thương
'Yêu Hà Nội' nói riêng và thơ Thái Thăng Long nói chung ngập tràn những hình ảnh thương yêu của Hà Nội. Hà Nội của một nỗi nhớ thương, Hà Nội của một miền hoài niệm cháy bỏng và da diết. Hà Nội ở trong thẳm sâu của những tâm hồn xa xứ nhưng đau đáu hướng về đất mẹ trong một tình yêu thương da diết, khôn nguôi. Hà Nội ấy vương vào hồn nhạc của Phú Quang (một người bạn thân của nhà thơ và cùng ly hương trên đất phương Nam) để làm thành những tác phẩm rung động lòng người biết bao thế hệ, sống mãi với thời gian.
Có một đêm Đông, trên dòng Hậu Giang, ở thành phố Cần Thơ, tôi từng được nghe một chị đã ngoài sáu mươi tuổi, giới thiệu gốc người Hà Nội mưu sinh ở Phương Nam đã hơn bốn chục năm nhưng lòng không nguôi nhớ về cố hương. Khi biết trên du thuyền đêm đó có rất nhiều người Hà Nội, chị đã xin hát tặng mọi người ca khúc “Mơ về nơi xa lắm” của nhạc sĩ Phú Quang để thay cho lời muốn nói.
Nghe hát, tôi đã nhận ra, dường như, chị không chỉ thể hiện ca khúc bằng một niềm đam mê âm nhạc mà còn bằng cả nỗi lòng của một người con tha hương đang mơ về một ngày trở lại:
“Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may…”
Lặng nghe chị hát, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến bài thơ “Yêu Hà Nội” của nhà thơ Thái Thăng Long. Chợt nghĩ, so với bài hát của Phú Quang, bài thơ của Thái Thăng Long chưa được nhiều người biết đến. Và chắc hẳn có nhiều người hát “Mơ về nơi xa lắm” nhưng không biết bài hát ấy được sinh ra từ bài thơ “Yêu Hà Nội”. Không biết chính hồn cốt trong bài thơ “Yêu Hà Nội” của Thái Thăng Long đã chạm đến huyệt thần kinh nhạy cảm nhất và làm rung động trái tim đang tha phương của nhạc sĩ Phú Quang để ông không khỏi rưng rưng mà góp thêm một ca khúc cho đời về Hà Nội: “Mơ về nơi xa lắm”. Cái hồn thơ của Thái Thăng Long đã gợi nên nỗi nhớ khắc khoải, da diết trong bài hát của nhạc sĩ Phú Quang ấy như sau:
YÊU HÀ NỘI
Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm
Có một Hà Nội ngây ngất nắng
Có một Hà Nội run run heo may
Có một Hà Nội hoa đào tươi hồng rạng rỡ
Có một Hà Nội ngàn năm dấu ngựa
Có một Hà Nội Bích Câu, Quốc Tử Giám... Thiêng liêng
Có một Hà Nội lặng lẽ chiều Tây Hồ sương khói
Có một Hà Nội lá sấu rắc vàng đường Điện Biên
Có một Hà Nội vắng em
Vắng em bên anh tinh quái
Có một Hà Nội lạnh giá đường Giảng Võ
Có một Hà Nội làng hoa Ngọc Hà và em đứng đó
Chầm chậm trở về trong mỗi giấc mơ
Chầm chậm đến với những câu thơ
Chầm chậm đời mình cho ngày xuân tới
Và anh
Tình yêu Hà Nội lại theo về...
Nghe bài hát và đọc bài thơ ta sẽ thấy Phú Quang không phổ nhạc hết tất cả những câu thơ của Thái Thăng Long. Phú Quang chỉ mượn tứ thơ và lựa chọn một ít câu thơ có những hình ảnh đồng điệu với cảm xúc của mình về Hà Nội để tấu lên thành một khúc ca với những giai điệu tha thiết, trầm buồn, lắng đọng trong một nỗi nhớ cháy bỏng, day dứt, khôn nguôi về một bầu trời cố hương nơi phương Bắc.
Trở lại với bài thơ “Yêu Hà Nội” của Thái Thăng Long ta sẽ thấy có một Hà Nội hiện lên rõ ràng hơn, đầy đủ hơn. Từ tiết trời, thiên nhiên, đặc điểm của vùng đất kinh kỳ đến lịch sử, văn hóa của từng ngõ phố… Hết thảy những ký ức cứ tràn về và hiện lên trong nỗi nhớ nhung của một mối tình đôi lứa vừa nồng nàn vừa có vẻ e ấp ngại ngùng. Tất cả cứ chất chứa và trở về trước mắt của nhân vật trữ tình xưng “ta” một cách hư ảo, xa thẳm và làm cho nỗi lòng người đọc, nhất là kẻ đang tha hương không khỏi bồn chồn, khắc khoải, nhớ mong.
Đọc bài thơ “Yêu Hà Nội” người ta dễ nhận ra một điều, nếu như các hình ảnh: “ngây ngất nắng”, “run run heo may”, “hoa đào tươi hồng rạng rỡ”, “ngàn năm dấu ngựa”, “Bích Câu, Quốc Tử Giám... Thiêng liêng”, “chiều Tây Hồ sương khói”, “lá sấu rắc vàng đường Điện Biên”, “lạnh giá đường Giảng Võ”, “làng hoa Ngọc Hà và em đứng đó” giống như một lời gọi hồn đất Thăng Long trong lòng kẻ xa xứ thì điệp ngữ “có một Hà Nội” làm hiện nguyên hình cái tâm trạng khắc khoải của một tình yêu da diết không một phút nguôi quên. Người ta cũng nhận ra, Thái Thăng Long thân ở phương Nam nhưng hồn ông lại ở Hà Nội.
Những hình ảnh thân yêu của Hà Nội lúc nào cũng ăm ắp trong trái tim ông, chỉ chờ có cơ hội là tuôn trào như thác đổ. Đó là Hà Nội của tiết trời cuối Đông đầu xuân. Đó là Hà Nội của kinh thành ngàn năm văn hiến, hào hoa và linh thiêng. Đó là Hà Nội của những mùa hoa, của những chiều Tây Hồ bảng lảng khói sương hay những con phố dệt lá vàng rơi, đẹp đến nao lòng.
Hà Nội cứ như thế mà tràn về trong lòng người ly hương. Nó về chầm chậm “trong mỗi giấc mơ” như những thước phim quay chậm để cho thi nhân cất lên thành “những câu thơ” khắc khoải, nhớ mong. Nó đến chầm chậm và đi cũng chầm chậm để mà kéo dài những “ngày xuân” trong giấc mơ xa; để cho trong anh “Tình yêu Hà Nội lại theo về...”. Đến đây, người ta cũng có thể thấy, những hình ảnh của Hà Nội trong giấc mơ hiện về dồn dập bao nhiêu thì hẳn là khi bừng tỉnh, lòng người lại càng day dứt, xót xa bấy nhiêu bởi nỗi niềm thân phận ly hương.
Bài thơ “Yêu Hà Nội” sử dụng hai điệp ngữ “có một Hà Nội” và “chầm chậm” để diễn tả những sắc thái tâm trạng trong nỗi nhớ. Nếu điệp ngữ “có một Hà Nội” như dằn xuống để nhấn mạnh, gọi tên từng kỷ niệm và tái hiện từng “ngóc ngách” của phố phường yêu dấu trong nỗi nhớ đau đáu của nhà thơ thì điệp ngữ “chầm chậm” có vẻ như buông lơi để nhấn mạnh cái cảm giác sung sướng khi được sống lại với những chân trời xưa cũ trong một giấc chiêm bao. Kỷ niệm một thời và sắc màu của đất kinh kỳ ngàn năm ngày xưa hiện lên và bồng bềnh trong giấc mơ xa lại càng làm cho người ta nhớ nhung và yêu thương gấp bội.
Nếu ai đã đọc thơ Thái Thăng Long thì hẳn sẽ nhận ra ông yêu Hà Nội đến vô cùng. Tình yêu ấy ông không hề giấu giếm hay che đậy. Ngay ở trong bài thơ này cái tên bài thơ cũng đã thể hiện rất rõ cái tâm trạng da diết ấy. Có lẽ, cũng bởi yêu như thế mà trong tâm trí của nhà thơ lúc nào cũng: “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm”. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi, Hà Nội là nơi Thái Thăng Long sinh ra và lớn lên. Bởi thế, khi phải sống xa Hà Nội, ông không nhung nhớ và day dứt thì mới là điều đáng lạ. Ông “yêu Hà Nội với bao vẻ đẹp và sự thăng trầm dâu bể”.
Cái tình yêu ấy ở Thái Thăng Long không phải chỉ được thể hiện chất chứa trong một bài thơ “Yêu Hà Nội” này mà còn được phủ khắp trong cõi thơ ông. Không biết gia tài thơ của ông có được bao nhiêu nhưng cách đây hơn chục năm có người làm thống kê và thấy Thái Thăng Long có tới hơn năm trăm bài thơ viết về Hà Nội.
Đó là một Hà Nội của những rêu phong, cổ kính: “Gió Tây Hồ thổi buốt mái rêu phong” (Chiều phủ Tây Hồ), “Một vết đạn găm tường cổ trăm năm” (Ô Quan Chưởng). Đó là Hà Nội của những trò chơi trẻ nhỏ, của những chuyến tàu điện rập rình trên phố, của những tiếng guốc kêu đêm…: “Phố xưa/ Ta tìm những ô ăn quan năm ấy/ Ta tìm gương mặt bé con của em/ Vụt lớn sau chiến tranh/ Ta tìm màu rêu chầm chậm/ Ngân ngân tiếng guốc/ Lọc cọc xe qua/ Tiếng tàu điện rập rình” (Về lại phố xưa).
Đó là những gốc bàng hay những chiếc lá vàng rơi: “Hồn phố rưng rưng/ Trơ khấc gốc cây bàng” (Hồn phố), “Vài chiếc lá vàng bay giữa cơn mơ...” (Ô Quan Chưởng). Đó là dòng sông Hồng cát trắng, lau khô với cánh chim bay trong chiều giá lạnh … “Sông vẫn đây/ Cát trắng, lau khô/ Thuyền vẫn đây/ Cánh chim chiều giá lạnh/ Cánh chim chiều yêu mây trời da diết/ Như người yêu ta/ Như ta lại yêu người/ Sông Hồng thì thầm cảm xúc khôn nguôi” (Sông Hồng mùa cạn)
Đó là Hà Nội của một miền ký ức không thể phôi pha, bâng khuâng, đau đáu, sâu lắng, đằm thắm, nồng nàn, da diết, day dứt... Một tình yêu Hà Nội như thế bảo sao ông chẳng chọn cho mình cái bút danh của kinh thành một nghìn năm tuổi: Thái Thăng Long (tên thật của nhà thơ là Thái Gia Trí, ông là một người trai Hà Nội - quận Ba Đình đã rời Thủ đô cầm súng vào chiến trường Nam Bộ và trở thành một chiến sĩ đặc công đánh đuổi kẻ thù. Khi đất nước thống nhất, ông đã lưu lại trời Nam để học tập và công tác).
Thế đấy, “Yêu Hà Nội” nói riêng và thơ Thái Thăng Long nói chung ngập tràn những hình ảnh thương yêu của Hà Nội. Hà Nội của một nỗi nhớ thương, Hà Nội của một miền hoài niệm cháy bỏng và da diết. Hà Nội ở trong thẳm sâu của những tâm hồn xa xứ nhưng đau đáu hướng về đất mẹ trong một tình yêu thương da diết, khôn nguôi. Hà Nội ấy vương vào hồn nhạc của Phú Quang (một người bạn thân của nhà thơ và cùng ly hương trên đất phương Nam) để làm thành những tác phẩm rung động lòng người biết bao thế hệ, sống mãi với thời gian.