Nhà văn Đỗ Tiến Thụy 'về nhà'

Khi tôi và nhà thơ Hương Đình 'mở tiệc' chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở 'về nhà', anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trước khi đi học, anh chơi thân với mấy anh em văn chương Gia Lai là tôi, nhà thơ Hương Đình, nhà văn Phạm Đức Long… Đại tá-nhà văn Đỗ Văn Nhâm khi ấy là Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) cũng thích gặp anh. Vì vậy, anh thường “nghĩ” ra lý do để điện cho Sư đoàn 10 đề nghị cử Đỗ Tiến Thụy xuống Quân đoàn nhận nhiệm vụ.

Kon Tum cách Pleiku 48 cây số. Lâu lâu lại thấy một anh lính gầy như cây sậy, lêu đêu như cây sào phóng chiếc xe máy biển đỏ, đầu đội mũ bảo hiểm kín mít (hồi ấy chưa bắt buộc đội mũ như bây giờ) xông vào phòng tôi.

 Nhà văn Đỗ Tiến Thụy (người đeo máy ảnh) thời còn là Thượng úy với bà con Tây Nguyên. Ảnh: V.C.H

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy (người đeo máy ảnh) thời còn là Thượng úy với bà con Tây Nguyên. Ảnh: V.C.H

Ở Sư đoàn 10 thời ấy, Đỗ Tiến Thụy đã qua nhiều vị trí công tác. Sau huấn luyện tân binh, anh đi học và làm nhân viên tài chính. Nhưng rồi thấy gò bó, anh lại xin đi học lái xe. Anh đã lái tất cả các loại xe có trong biên chế của quân đội thời ấy. Xe quân sự chủ yếu chở cán bộ đi diễn tập, khảo sát địa hình, chở vũ khí đạn dược, đón tân binh từ ga Diêu Trì lên đơn vị và đưa chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trở về quê, chở bộ đội lên các buôn làng làm công tác dân vận...

Đỗ Tiến Thụy bộc bạch: 10 năm lái xe ở Tây Nguyên là quãng thời gian anh được thâm nhập thực tế tự nhiên nhất, nhiều nhất, kỹ càng nhất. Hiện thực ngồn ngộn tự ngấm vào anh, thôi thúc anh viết ra, để rồi được điều lên đội chiếu phim lưu động, vừa lái xe, vừa thuyết minh phim.

Đấy là hồ sơ chi tiết của Đỗ Tiến Thụy mà mãi sau này tôi mới biết. Chứ ngày đầu gặp, Đỗ Tiến Thụy là một chuyến du khảo xuyên Việt. Một đêm giao lưu khá hoành tráng ở Công viên Đồng Xanh (Pleiku). Rượu cần và nguyên một con bê trên bếp than rừng rực. Tan cuộc, tôi mời một số đàn anh gồm Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Trung Quốc, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên... về nhà.

Tôi gọi thêm Hữu Kim, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Kon Tum. Hai tuần rượu mới thấy Kim điện lại: Ta rủ một chú em đến, nhưng chú ấy ngại. Hỏi ai. Bảo Đỗ Tiến Thụy. Cái tên quen quen. Đầu dây bên kia nói tiếp: Thụy ở Sư 10. Tôi bảo chuyển máy rồi mời Thụy rất chân thành sau khi nhắc tên một truyện ngắn của anh. Khi tới thì Đỗ Tiến Thụy quần lính xăn móng lợn, chảy máu mắt cá chân. Hữu Kim thì trầy tay. Thì ra, cả 2 bị ngã xe ôm khi xuống cái ngõ trơn nhẫy nhà tôi. Hôm ấy, chúng tôi “ngồi” tới 3 giờ sáng. Mọi người nói và uống, Thụy chỉ ngồi nhìn và nghe.

Tôi là người đọc Đỗ Tiến Thụy khá kỹ. Phải tới 2/3 sáng tác của anh là về Tây Nguyên. Hai tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” và “Con chim Joong bay từ A đến Z” có cấu trúc 50% không gian Tây Nguyên và 50% đồng bằng. Các truyện ngắn lấy bối cảnh Tây Nguyên thì nhiều: “Người trong núi”, “Vị thần trên nóc nhà rông”, “Tiếng t’rưng làng Rấp”, “Dưới mái nhà rông”, “Nàng tiên núi xứ mộc hoa”, “Đêm roong chiêng”, “Chim Phí gọi trong đêm”, “Gió vẫn thổi qua mùa khô”, “Người đàn bà đợi mưa”… Và hàng chục bút ký về Tây Nguyên như: “Ở nơi rừng thẳm”, “Người M’Nông ở Buôn Đôn”...

Có lần tôi nói với Đỗ Tiến Thụy: Đọc văn chú mệt quá, nhưng đã trót đọc thì không bỏ được. Ấy là nỗi ám ảnh, là sức hút, là sự quyết liệt, sự ép mình tận cùng để từng câu từng chữ nó phải bật máu ra phải hân hoan lên phải đè chặt xuống... tạo dấu ấn riêng của tác giả, làm nên tác giả.

Về Tạp chí Văn nghệ Quân đội 10 năm, Đỗ Tiến Thụy đưa vợ con ra Bắc, nhưng không phải Hà Nội mà là quê anh. Mỗi lần tôi ra là Đỗ Tiến Thụy lại túm lấy và khoe ầm lên rằng đồng hương Tây Nguyên của tôi đây, rồi lôi đi chỗ này chỗ khác. Lần ấy, Đỗ Tiến Thụy lôi tuột tôi cùng mấy bạn văn về quê. Anh hỏi các bác thích ăn gì. Tôi là người ưa hoài niệm nên nói ngay, làm nồi ốc chuối đậu nhé, nghe nói quê chú món này ngon mọi nhẽ.

Đỗ Tiến Thụy mời mẹ, một bà cụ điển hình Bắc Bộ thời xưa còn sót lại với răng đen khăn vấn, nhai trầu bỏm bẻm và ông anh cả tới tiếp khách chứ “em chưa đủ tầm”. Rồi Thụy điều vợ chồng đứa cháu đang làm đầu bếp ở Hà Nội về làm tới... 8 món ốc, anh xoa tay hể hả, mấy khi bác ra.

Mở nút lá chuối chai sành, Đỗ Tiến Thụy giới thiệu đầy khiêm tốn rằng quê em nghèo, các bác dùng tạm loại rượu được cất từ loại nếp cấy trên cánh đồng Tốt Động, địa danh sáng chói trong Đại cáo Bình Ngô, cũng là nơi sinh ra thần đồng Đặng Ma La, người đỗ Thám hoa trong kỳ thi đình năm 1247 khi 13 tuổi, vì thế nó có vị đằm sâu lịch sử và ngát hương văn hiến.

Tên cánh đồng Tốt Động đã được lấy làm tên hành chính xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bây giờ, chứ quê Đỗ Tiến Thụy vốn là làng Bùi, thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Có một chuyện ít người biết, đó là trên báo thi thoảng xuất hiện bài của tác giả Hai Tây, đó là một trong vài bút danh của Đỗ Tiến Thụy. Tôi đã chất vấn về cái bút danh này, Thụy bảo em có 2 quê, 1 là Hà Tây, 2 là Tây Nguyên, lấy mỗi quê một chữ thành Hai Tây, giản dị thế thôi.

Hai miền quê, 2 vùng sáng tác, thế nên với Đỗ Tiến Thụy, mỗi lần trở lại Tây Nguyên là một lần về nhà. Lần “về nhà” này, Đỗ Tiến Thụy mời tôi tham gia đoàn công tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế. Tôi ra sân bay đón. Vẫn cái dáng lòng khòng cao quá khổ, dáng đi nửa hiên ngang nửa nhường nhịn, cái cười nửa giễu nhại nửa nghiêm túc, nhưng mắt thì sáng lên khi nhìn những cảnh sắc Tây Nguyên rờ rỡ trước mắt.

Tối ấy, chúng tôi quây quần. Hương Đình bận dạy, nhắn ngồi chỗ nào lát phóng tới, nhưng rồi không thực hiện được, tiếc hùi hụi, nhưng cũng kịp một cú livestream điện thoại. Phạm Đức Long xác định sẽ... không uống nên lái xe chở tôi. Và, chúng tôi say. Đỗ Tiến Thụy ôm đàn đệm cho bạn bè hát. Toàn bài về Tây Nguyên. Đỗ Tiến Thụy bảo: “Về nhà” lần này em muốn giới thiệu với các nhà văn trong đoàn 2 món ẩm thực riêng có của Tây Nguyên, đó là phở khô và gỏi lá.

Sau chuyến đi ròng rã 1 tuần, tôi đã dẫn đoàn tới quán phở Hồng. Còn gỏi lá, cái quán tôi hay đãi khách ở đường Cách Mạng Tháng Tám đã đổi chủ, bán thứ khác. Quán “Nhà tôi” của ông Quỳnh Hội nghe nói cũng không còn món này. Thế là, chúng tôi phải hành quân lên Kon Tum và phát hiện, nó không rưng rưng ngon như thời đầu nữa, thế mà tôi thấy Đỗ Tiến Thụy như một con người khác, anh nâng niu từng chiếc lá rừng (trồng trong vườn), hít hà hồ hởi khoe với mọi người.

 Đỗ Tiến Thụy và tác giả tháng 11-2024. Ảnh: V.C.H

Đỗ Tiến Thụy và tác giả tháng 11-2024. Ảnh: V.C.H

Sau bữa, chúng tôi tới thăm ngôi làng của Đỗ Tiến Thụy thời là Trung úy. Đứng trước ngôi nhà cấp 4 đơn sơ giờ đã đứng tên chủ mới, Đỗ Tiến Thụy bần thần. Không bần thần sao được khi mà nơi đây đã trở thành máu thịt của anh.

Năm 1987, Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên sau khi biên giới phía Bắc tạm yên. Để ổn định địa bàn, Bộ Quốc phòng có chủ trương lập những làng quân nhân: Đak Đoa, Đồng Bằng (Gia Lai), Đăk Bla (Kon Tum). Và những người lính được lệnh đưa gia đình từ quê vào, ai chưa có gia đình thì vận động lập gia đình với người địa phương. Và, Đỗ Tiến Thụy lấy vợ, được cấp đất, làm nhà, sinh 2 đứa con trai trở thành công dân Tây Nguyên hơn 2 chục năm trời.

Sáng chia tay để anh bay ra Hà Nội, ngồi nhâm nhi ly cà phê, Đỗ Tiến Thụy tuyên bố chắc nịch: “Uống cà phê ở Pleiku là... ngon nhất”. Nghe thế thì... biết thế, vì tôi cũng... nghĩ thế!

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-van-do-tien-thuy-ve-nha-post305585.html
Zalo