'Mắt rừng' và nỗi trở trăn đồng nội
'Mắt rừng' (NXB Đà Nẵng, 2024) gồm 14 truyện ngắn được tác giả Nguyễn Thành chọn lọc
"Mắt rừng" (NXB Đà Nẵng, 2024) gồm 14 truyện ngắn được tác giả Nguyễn Thành chọn lọc lại từ rất nhiều truyện của anh đã in trên các báo, tạp chí văn nghệ lâu nay: Mắt rừng, Lũ ống, Đất nóng, Giếng làng, Vườn cũ, Xuống núi, Mưa trưa lưng đồi… Tâm ý của tác giả đã nêu rõ cuối sách "Níu giữ bài học từ tuổi thơ" như lời tựa đầu sách Đinh Lê Vũ đã tinh tế khẳng định đây là truyện của "Những dấu hỏi từ ký ức".
Nhưng dĩ nhiên không chỉ có vậy. Nếu chỉ để "níu giữ" chừng đó những nỗi niềm, chắc thể loại tản văn hay bút ký, ký sự sẽ phù hợp và dễ dàng để tác giả chuyển tải thông điệp nghệ thuật nặng tính trữ tình của mình hơn. Còn Nguyễn Thành đã cố tình dày công thể hiện qua truyện ngắn. Và anh đã thành công ở hầu hết các truyện trong tập sách.
Tôi nghĩ đến cái kết huyền ảo, quái dị và chắc chắn không phải là điềm lành cho đôi vợ chồng son rất đẹp đôi Quang - Hương, những con người có tri thức, có trình độ, trách nhiệm với công việc mình làm và những ước mơ thơ mộng về cuộc sống, nhưng chỉ trong một phút phải quyết đoán "xả lũ thủy điện" trong một tình thế cấp bách có thể gây ra tai họa cho bao người mà người cha trẻ phải nhìn thấy từ đôi mắt tròn xoe của đứa con trai mới sinh trong cơn lũ: "từ trong đôi mắt đen láy ấy, hai dòng nước vàng đục rỉ ra không ngừng, chảy tràn lên tấm khăn bông" để điếng người nghĩ đến hậu quả từ quyết định của mình: "Một dòng thác cuồn cuộn những vạt núi trơ trọi lao xuống ầm ầm, không dứt" (Mắt rừng).
Trong một hoàn cảnh đặc biệt, chỉ cần một hành động sai lầm dù là bị bắt buộc, người tốt vẫn phải gặt lấy quy luật nhân quả, vẫn phải trả giá cho cái nghiệp của mình, huống chi là hàng loạt lỗi lầm mình cố tình liều lĩnh tạo nghiệp cho cuộc sống, như cái kết bi thảm cho nhân vật Châu gan dạ từ nhỏ, lao mình vào nghề đãi vàng để rồi cuối cùng vùi thây trong một trận lũ quét cùng những người thợ (Lũ ống).
Hoặc sự trả giá bằng sinh mạng người khác có ràng buộc vô hình sâu nặng cùng mình vì những toan tính ích kỷ của ông Năm khi ông dứt khoát cho rào chiếc giếng nhà mình vốn đang được cả xóm dùng (Giếng làng)… Sự trả giá nặng nề đó, có khi lại đến từ phía những "thâm u huyền bí của núi rừng" như câu chuyện trúng độc kỳ lạ khó tin từ "con cá niêng cụ" của Alăng Như dẫn đến bi kịch lạc lối giữa núi rừng thăm thẳm của người cha khi lặn lội đi cúng tế rừng giải hạn cho con (Đường về)…
Các truyện ngắn khác, dưới bề mặt những câu chữ nhẹ nhàng, có khi thơ mộng, cũng là để chuyển tải những thông điệp không kém phần quặn thắt của tác giả. Đọc thật chậm và đôi khi phải đọc nhiều lần mỗi truyện ngắn trong "Mắt rừng", tôi cảm nhận được những thông điệp tâm huyết mà hình như tác giả đã dành cả phần lớn đời mình để trải nghiệm, suy nghĩ và muốn gửi gắm qua những tác phẩm đầu tay; cho nên, tôi nghĩ đó không phải chỉ là "một cuốn sách của ký ức", chỉ muốn cảnh báo người đọc về những hỗn độn của ký ức cuộc sống, suy nghĩ để kiến tạo một ký ức sống đẹp đẽ hơn cho con cháu.
Nó còn muốn nói nhiều điều lắm, và có lẽ điều đáng suy ngẫm nhất vẫn là thân phận con người bé nhỏ trong cuộc sống quá đỗi ồn ào sôi động này…