Thu 500 triệu USD từ điện ảnh, TP.HCM mong muốn vào mạng lưới sáng tạo của UNESCO

Năm 2024, lĩnh vực điện ảnh của TP.HCM đạt doan thu 500 triệu USD, chiếm khoảng 40% thị trường chiếu phim của Việt Nam. Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, diễn ra sáng 15/2.

Trong báo cáo đề dẫn, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, lĩnh vực điện ảnh tại TP.HCM đang có 935 doanh nghiệp hoạt động, với 9.294 lao động, có doanh thu 500 triệu USD (2024), đóng góp 0,43% GRDP của Thành phố

Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu và 184 không gian sáng tạo là nơi thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có các không gian văn hóa phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng ở các khu dân cư,…

Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ 1 năm 2024 (ảnh: HIFF)

Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ 1 năm 2024 (ảnh: HIFF)

Tuy nhiên, thị trường điện ảnh của Thành phố hiện chiếm 40% cho thấy dung lượng thị trường này ở Việt Nam không quá lớn, do đó cần quảng bá mở rộng thị trường khu vực, quốc tế bằng các sự kiện, hình thức kết nối.

Ông Jérémy Segay, Tùy viên nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, TP.HCM hiện nay vẫn chưa có một tổ chức hoặc văn phòng chuyên hỗ trợ các đoàn làm phim quay phim tại địa phương, chưa có sự liên kết với các đơn vị. Vì vậy, các đoàn phim khu vực hoặc nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc tìm bối cảnh, hiện trường, thủ tục giấy tờ. Ngoài ra, hiện nay thành phố cũng chưa có một phim trường hiện đại với bối cảnh khác biệt.

Ông Jérémy Segay cũng đề xuất thành phố nên có chính sách ưu đãi tài chính cho đoàn làm phim sản xuất trong và ngoài nước.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group (ảnh: N.H)

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch Beta Group (ảnh: N.H)

Còn ông Bùi Quang Minh, chủ tịch Beta Group cho biết, thị trường rạp chiếu phim Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ.
Năm 2024, doanh thu đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó phim Việt chiếm khoảng 2.000 tỷ. Và với tốc độ và doanh số như hiện tại thì tổng doanh số đạt mức 10.000 tỷ sẽ không quá xa.

Một trong những điều ông Minh cho rằng các đơn vị cần quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng phim điện ảnh Việt Nam. Lấy ví dụ thời điểm Tết, phim Việt đặc biệt chiếm ưu thế phòng vé, có những suất chiếu đến khuya vẫn “cháy” vé. Tuy vậy nếu không giữ được chất lượng phim thì khán giá sẽ ngày càng bất mãn.

Với phim trường, ông Minh cho rằng, nếu có phim trường phục vụ phim điện ảnh thì chất lượng đầu tư rất lớn. Để mức đầu tư hợp lí từ góc nhìn nhà đầu từ thì thị trường điện ảnh phim Việt cần phải phát triển hơn nữa:

"Hiện nay con số 2.000 tỷ hay 4.700 tỷ của cả thị trường, thậm chí là 10.000 tỷ thì chưa phải là con số quá lớn so với nhiều nước trong khu vực. Một số nước trong khu vực chỉ cần một bộ phim của họ đã đạt được doanh số như vậy chứ chưa nói đến thị trường trong một năm. Do đó cần có lượng phim sản xuất liên tục, thường xuyên và ngân sách cao để đủ sức để nuôi dưỡng hệ thống trường quay chất lượng cao và duy trì liên tục như vậy", ông Minh nói.

Dự kiến ngân sách TP.HCM dành cho sáng kiến này là 16,72 triệu USD trong 4 năm trong đó có kiến tạo điện ảnh trong học đường, dự án "Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh", Xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh, tổ chức liên hoan phim quốc tế thường niên,…

Khi trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO lĩnh vực điện ảnh, TP.HCM sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để Thành phố sẽ trở thành nơi kết nối điện ảnh Việt Nam với quốc tế, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm vào sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/thu-500-trieu-usd-tu-dien-anh-tphcm-mong-muon-vao-mang-luoi-sang-tao-cua-unesco-post1155017.vov
Zalo