Ký ức cựu phóng viên thường trú của Hungary: Việt Nam là tương lai

Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam là một khúc ca hùng tráng với giai điệu trang nghiêm, mạnh mẽ, lời ca kiên cường, thể hiện tinh thần độc lập, ái quốc và sức mạnh đầy tự tin. Đây chính là bài ca mà nhiều người bạn Việt của tôi đã hát tại Trung tâm Hội nghị Lurdy Ház, Budapest, nơi diễn ra sự kiện đón Tết cổ truyền vừa qua với sự tham gia của gần hai nghìn người.

Phóng viên Dunai Péter (giữa) trong một cuộc trao đổi tù binh vào mùa Đông năm 1982 tại biên giới Việt - Trung. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên Dunai Péter (giữa) trong một cuộc trao đổi tù binh vào mùa Đông năm 1982 tại biên giới Việt - Trung. (Ảnh: NVCC)

Tại đây, tôi có dịp trò chuyện cùng đồng nghiệp cũ - ông Bakos Ferenc - một dịch giả xuất sắc, am hiểu tiếng Việt ở trình độ bậc thầy, người mà tôi quen biết từ ít nhất nửa thế kỷ nay từ giai đoạn còn ở Việt Nam. Ông ký tặng các bản dịch ra tiếng Hungary tác phẩm của hai nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam.

Hành trình gắn bó

Tôi đã “phải lòng” Việt Nam như thế nào và tại sao mảnh đất này lại trở thành quê hương thứ hai của tôi?

Trước hết, Hà Nội là nơi tôi nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú nước ngoài đầu tiên trong đời. Lúc đó, tôi đã ngoài 30 tuổi, từng có hơn 10 năm làm việc “trực chiến kiểu culi” tại mục Tin quốc tế của tờ báo Đảng, cơ quan Trung ương mang tên Tự do Nhân dân (Népszabadság). Khi ấy, tôi nhận đề nghị sang Việt Nam công tác và được yêu cầu phải ở lại Việt Nam trong ba năm. Các đồng nghiệp trước đây của tôi chỉ ở một năm, tôi là người đầu tiên được cử sang Việt Nam với thời hạn ba năm.

Tôi không hối tiếc về quyết định đó, mặc dù công việc không hề dễ dàng. Nhưng tôi còn trẻ, tràn đầy năng lượng, đôi khi tôi còn cảm thấy ngượng khi chứng kiến người dân Việt Nam trong hoàn cảnh rất khó khăn, tôi thì có đủ mọi thứ mà họ không có.

Thời ấy, vào đầu những năm 1980, Việt Nam khan hiếm thực phẩm và thuốc men, người dân gầy gò vì thiếu dinh dưỡng sau chiến tranh. Hôm nay, thật vui khi nhìn thấy người Việt có cuộc sống no đủ, trẻ em khỏe mạnh - nhưng để có được điều đó, họ đã làm việc vô cùng cực nhọc.

Ký ức tác nghiệp

Ở Hà Nội, so với người dân địa phương, tôi có một cuộc sống rất đầy đủ. Tôi sống trong một căn hộ hai phòng tại khách sạn Thống Nhất (một tòa nhà được xây từ thời Pháp thuộc, nay đã bị phá dỡ) và văn phòng làm việc nằm ngay ở tầng dưới.

Tôi được tòa báo tại Budapest cấp xe hơi phục vụ công tác và làm việc cùng ông Trần Đình Kiêm – cựu du học sinh, cựu cán bộ ngoại giao, cộng tác viên nhật báo Tự do Nhân dân, tác giả của nhiều giáo trình tiếng Hungary, trong đó công phu và giá trị nhất là các bộ Từ điển Hung - Việt, Việt - Hung. Ông đã giúp tôi rất nhiều với vai trò phiên dịch và trợ lý cá nhân, góp phần quan trọng vào sự thành công của nhiệm vụ này.

Tôi viết bài và gửi tin về tòa soạn bằng những chiếc máy điện báo quân sự cũ của Mỹ, trong tiếng ồn của chiếc máy điều hòa cũ kỹ nhưng vẫn hoạt động.

Tôi đã đi rất nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Vào thời điểm đó, vùng nông thôn và công cuộc tái thiết là những điều hấp dẫn nhất đối với tôi.

Các cuộc cải cách toàn diện và chính sách kinh tế mới vẫn chưa bắt đầu, thời kỳ Đổi mới vẫn chưa đến. Tuy nhiên, đã có thể cảm nhận rõ ràng rằng, nông dân - vốn dĩ làm việc vất vả quá sức người - đang dần được khuyến khích canh tác trên phần đất sản xuất của riêng mình.

Một phần quan trọng trong hoạt động của một phóng viên nước ngoài ở Hà Nội là tôi đã có nhiều chuyến tác nghiệp đến khu vực biên giới Trung - Việt, nơi mà đầu những năm 1980 vẫn còn xảy ra một số cuộc đụng độ vũ trang lớn nhỏ. Tại cửa khẩu Hữu Nghị khi đó hầu như bị gài mìn khắp nơi, hay trên con đường quốc lộ nối liền hai nước xuyên qua rừng rậm, mặt đường vẫn bị cày xới bởi đạn cối, những cuộc trao đổi tù binh vẫn còn diễn ra…

Ông Dunai Péter cùng vợ trong chương trình Tết Nguyên đán 2025 của người Việt tại Hungary năm 2025. (Ảnh: NVCC)

Ông Dunai Péter cùng vợ trong chương trình Tết Nguyên đán 2025 của người Việt tại Hungary năm 2025. (Ảnh: NVCC)

Ấn tượng sâu sắc

Ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia lớn mạnh trong khu vực với hơn 100 triệu dân và sở hữu lực lượng quân đội hùng hậu. Những thành tựu của Việt Nam càng trở nên ấn tượng hơn nếu xét đến bối cảnh lịch sử của đất nước - một thời kỳ kéo dài từ Thế chiến thứ II, gần như liên tục chìm trong chiến tranh cho đến năm 1975 khi đánh bại Mỹ, Việt Nam mới có thể thống nhất hoàn toàn.

Quân đội Việt Nam sau đó vẫn phải tiếp tục giúp Campuchia chiến đấu chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, xung đột biên giới Việt - Trung vào năm 1979. Thậm chí, vào đầu những năm 1980, khi tôi đang làm phóng viên tại Việt Nam, nhiều cây cầu quan trọng trên tuyến đường quốc lộ huyết mạch số 1 từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được khôi phục sau các trận ném bom của không quân Mỹ. Chiếc xe Zhiguli 1200 do báo Tự do Nhân dân cấp cho tôi nhiều lần phải được đưa lên thùng xe tải để vượt qua những con sông sâu từ 1,5 đến 2 mét, cắt ngang tuyến đường quốc lộ này.

Tôi đã đi rất nhiều nơi trên khắp Việt Nam, và những trải nghiệm khó quên ấy cùng nhiều kỷ niệm khác đã được tôi ghi lại trong cuốn sách Một trăm nghìn cây số ở Việt Nam (Százezer kilométer Vietnámban), xuất bản năm 1985.

Việt Nam từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, liên tục phải chịu đựng các cuộc tấn công từ bên ngoài, vậy mà có thể đứng dậy mạnh mẽ. Ngày nay, nếu quay lại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, có lẽ tôi sẽ không thể nhận ra những con phố, trung tâm thương mại của hai thành phố này.

Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc nhất chính là sự linh hoạt và tài ngoại giao khéo léo của người Việt Nam.

Việt Nam luôn cố gắng duy trì quan hệ cân bằng giữa phương Đông và phương Tây, tìm kiếm những điểm liên kết và các mối quan hệ đối tác. Với Mỹ, Việt Nam hiện nay đã thiết lập các hiệp định kinh tế toàn diện và nước này đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tương tự, Bắc Kinh cũng là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hà Nội.

Việt Nam ngày nay

Ngày nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ấn tượng. Theo trang vietnam-briefing.com, bất chấp những thiệt hại do bão Yagi gây ra, nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái vẫn tăng trưởng trên 7% – một trong những mức tăng cao nhất thế giới. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP năm qua đạt 37,6%, trong khi lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, đóng góp 42,4% vào GDP.

GDP bình quân đầu người (tính theo giá trị thực) năm ngoái đã tăng rất đáng kể, thêm 377 USD và đạt mức 4.700 USD/ người. Lạm phát năm 2024 được kiểm soát ở mức 3,6%. Hoạt động xuất nhập khẩu – động lực chính của nền kinh tế Việt Nam – tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước.

Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu gạo đạt 9 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu cà phê mang về 5,5 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu rau quả cũng đạt thành tích ấn tượng, với doanh thu lên tới 7,2 tỷ USD trong năm qua.

Năm ngoái, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 27% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc cũng đóng góp một lượng vốn đáng kể, chiếm 18,5%. Các nhà đầu tư tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế CEBR (Anh quốc), trong năm năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, gần 6% mỗi năm.

Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Italy và Đức đều đang có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Ngành công nghiệp xe hơi, dù chỉ mới bắt đầu từ giữa thập niên 1990, hiện tại vẫn chủ yếu là lắp ráp. Tuy nhiên, không còn xa nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến những thương hiệu ô tô “Made in Vietnam” thay thế các hãng như Toyota, Mitsubishi, giống như cách mà Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc đã làm.

Và tôi tin chắc rằng trong tương lai, chúng ta sẽ được thấy thêm nhiều sản phẩm và phương tiện chất lượng cao đến từ Việt Nam, từ những bạn hữu tuy xa về địa lý nhưng lại rất gần gũi về tinh thần với Hungary!

(Budapest, tháng 1/2025)

* Dunai Péter, một tên tuổi lớn của nền báo chí Hungary, từng là phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Hungary MTI và nhật báo chính luận lớn nhất của nước này Tự do Nhân dân tại Việt Nam thời kỳ 1981-1984.

Dunai Péter *

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-uc-cuu-phong-vien-thuong-tru-cua-hungary-viet-nam-la-tuong-lai-304186.html
Zalo