Ý nghĩa cuộc gặp của ông Tập với các 'ông trùm' công nghệ Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tham dự một sự kiện quy tụ những doanh nhân công nghệ hàng đầu, trong đó có tỷ phú Jack Ma…

Ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp với doanh nhân công nghệ ngày 17/2 - Ảnh: CCTV

Ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp với doanh nhân công nghệ ngày 17/2 - Ảnh: CCTV

Cuộc gặp mặt hiếm hoi giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và các doanh nhân công nghệ hàng đầu đất nước diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách phục hồi nền kinh tế tư nhân và hồi sinh tăng trưởng kinh tế.

Cuộc gặp được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, địa điểm cũng từng diễn ra một sự kiện tương tự vào năm 2018, khi Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng lực lượng kinh tế tư nhân của đất nước có “triển vọng lớn” để tạo ra của cải và cơ hội.

“Năng lực quản lý và quy mô thị trường của Trung Quốc mang lại cho chúng ta lợi thế lâu dài trong việc phát triển các ngành công nghiệp mới. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân chứng tỏ tài năng của mình”, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Tập tại sự kiện.

Vị trí danh dự tại cuộc gặp này được dành cho lãnh đạo của các công ty xe điện và con chip hàng đầu Trung Quốc gồm Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei và Wang Chuanfu, CEO công ty BYD.

Ông Pony Ma - CEO tập đoàn Tencent, ông Lei Jun - CEO của tâp đoàn công nghệ Xiaomi, Wang Xingxing - người sáng lập nhà sản xuất robot Unitree, Robin Zeng - CEO công ty xe điện CATL, Wang Xing - CEO nền tảng giao đồ ăn Meituan... cũng có tham dự sự kiện.

Quang cảnh cuộc gặp - Ảnh: Xinhua

Quang cảnh cuộc gặp - Ảnh: Xinhua

Theo hai nguồn tin thân cận của hãng tin Reuters, ông Liang Wenfeng, người sáng lập startup DeepSeek, cũng tham dự cuộc gặp trên. DeepSeek thời qua nổi đình đám với ứng dụng trí tuệ nhân tạo giá rẻ gây chấn động giới công nghệ toàn cầu.

Một trong những doanh nhân gây chú ý lớn nhất tại sự kiện này là Jack Ma, người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba và từng gặp sự cố vạ miệng vì chỉ trích bộ máy quản lý nhà nước vào năm 2020. Sự cố này khiến thương vụ niêm yết của công ty công nghệ tài chính Ant Group - công ty con của Alibaba - bị đình chỉ vào năm 2020. Sau đó, đế chế kinh doanh xoay quanh Alibaba cũng như ngành công nghệ Trung Quốc nói chung chịu sự giám sát nghiêm ngặt từ Bắc Kinh.

Sau vụ việc trên, ông Ma rút khỏi các vị trí điều hành tập đoàn và gần biến mất khỏi truyền thông. Theo các nhà phân tích, sự xuất hiện của ông tại sự kiện trên củng cố thêm niềm tin về sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với lĩnh vực tư nhân thời gian tới.

Tỷ phú Jack Ma tại sự kiện - Ảnh cắt từ video của CCTV

Tỷ phú Jack Ma tại sự kiện - Ảnh cắt từ video của CCTV

“Mục đích của Bắc Kinh với cuộc gặp mặt trên là nhằm gửi tới khu vực tư nhân thông điệp rằng ‘chúng tôi muốn hỗ trợ doanh nghiệp và chúng tôi cần doanh nghiệp thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và tiêu dùng”, giáo sư tài chính Zhang Xiaoyan thuộc Đại học Thanh Hoa nhận xét.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp mặt này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ sau chiến dịch siết chặt kiểm soát vào 4 năm trước, phản ánh mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế ì ạch và căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung.

Cuộc gặp hiếm hoi của ông Tập với các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực kinh tế tư nhân để giúp Trung Quốc có chỗ đứng trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

“Cuộc gặp giống như một sự thừa nhận ngầm rằng Chính phủ Trung Quốc cần doanh nghiệp tư nhân để cạnh tranh về công nghệ với Mỹ”, ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu vĩ mô Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Hồng Kông, nhận xét. “Nếu muốn cạnh tranh với Mỹ, Bắc Kinh không có lựa chọn nào ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân”.

Theo các dữ liệu chính thức, doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 50% thu thuế của ngân sách nhà nước, hơn 60% GDP và 70% quá trình đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.

Sự đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt áp lực lớn từ chính sách thương mại của Mỹ, tiêu dùng trong nước suy yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/y-nghia-cuoc-gap-cua-ong-tap-voi-cac-ong-trum-cong-nghe-trung-quoc.htm
Zalo