Ý nghĩa của Ấn đền trần trong tâm thức người Việt
Lễ hội khai ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần.
![Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (tức 12/2/2025).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_207_51446884/df45b65d82136b4d3202.jpg)
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng (tức 12/2/2025).
Ý nghĩa của ấn Đền Trần
Lễ khai ấn đền Trần hàng năm đều diễn ra giữa đêm ngày 14 và mở đầu cho ngày Rằm tháng Giêng, ở tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa).
Phủ Thiên Trường xưa là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long.
Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui chiến lược về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân.
Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.
Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này, tại nền phủ Thiên Trường, nhân dân Nam Định đã xây dựng Khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa thờ 14 vị vua Trần cùng các quan văn, võ.
Đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Bốn chữ được khắc trên ấn "Tích phúc vô cương" nhằm mang ý nghĩa giáo dục con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt. Phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững.
Qua nhiều năm, lễ khai ấn đền Trần Nam Định vẫn được người dân duy trì và phát triển, trở thành một trong những nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người Việt được gìn giữ lâu đời.
Cách treo ấn Đền Trần đúng cách
Theo một số chuyên gia phong thủy, ấn đền Trần có thể dán trên tường, sau lưng ngồi làm việc, còn nếu muốn để tăng tài lộc dán ở chính Tây, để thăng quan tiến chức dán ở chính Bắc, để tăng cường sức khỏe dán ở hướng Đông Nam. Không nên đặt ấn lên bàn thờ tổ tiên vì không đúng lễ nghĩa, không hợp văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, hoàn toàn có thể dán ấn trên tường hoặc cho ấn vào đóng trong khung ảnh, treo lên tường, càng gần vị trí làm việc càng tốt.
Với người vô thần hoặc không quá câu nệ về phong thủy nên treo ấn gần vị trí làm việc. Đặt tại cơ quan hoặc phòng làm việc riêng ở nhà đều được. Nên hướng ấn vào mình, hoặc hướng vào tủ sách, hay hướng ra cửa đều được.
Không gấp ấn để trên bàn, càng không nên gấp gọn để vào ví; Tránh để ấn trên ôtô, vì có đây là nơi trường khí âm dễ gây ra sự cố khi đi lại.
Điểm mới tại lễ khai ấn Đền Trần năm 2025
Thông tin từ Ban tổ chức, từ 5h sáng 12/2 (15 tháng Giêng), Ban tổ chức sẽ phát ấn lộc cho nhân dân và du khách tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày và Đền Trùng Hoa thuộc khu di tích.
Bà Trần Thị Kim Dung, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết, nét mới của Lễ hội năm nay được mở rộng về quy mô và thời gian tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ, Lễ rước Nước, Tế Cá, Lễ khai ấn, triển lãm sinh vật cảnh, triển lãm "Thành Nam - Những mốc son lịch sử", Trưng bày tư liệu hình ảnh về dòng chảy lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Thành Nam xưa - TP Nam Định nay. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ livestream nghi lễ khai ấn phát trên màn hình lớn để người dân không vào được khu vực làm lễ có thể theo dõi.
Sau 3 năm không tổ chức do dịch bệnh COVID-19, từ năm 2023, Lễ hội khai ấn Đền Trần đã được tổ chức trở lại. Hằng năm, lượng khách đổ về Đền dự lễ khai ấn rất đông.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, an toàn cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội, UBND TP Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần đã thành lập các Tiểu ban và phân công nhiệm vụ cụ thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… trước, trong và sau lễ hội.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân trong tỉnh nói chung luôn nâng cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp.
Không chỉ trong mỗi dịp du Xuân và lễ hội truyền thống, Di tích lịch sử, văn hóa này luôn là điểm đến quan trọng trên hành trình để các thế hệ hôm nay hiểu hơn về hào khí Đông A, một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách.