Bắc Giang: chuẩn bị chu đáo cho chương trình khai mạc Lễ hội Y Sơn
Chỉ còn một ngày nữa sẽ diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội truyền thống Y Sơn (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Đến nay, các công tác chuẩn bị và đảm bảo an ninh cho lễ hội đã được hoàn tất chu đáo, sẵn sàng.
![Khu vực chùa Y Sơn. Ảnh: Thúy Hồng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_11_51449842/879e1d362878c1269869.jpg)
Khu vực chùa Y Sơn. Ảnh: Thúy Hồng.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đền Y Sơn (hay còn gọi là đền IA) thuộc thôn Thù Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ngôi đền thờ Đức thánh Hùng Linh Công - người có công dẹp giặc Ân cứu nước, được Nhân dân trong vùng ngưỡng vọng, thờ phụng từ lâu đời, là điểm du lịch văn hóa tâm linh.
Theo cuốn Ngọc phả quốc lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bỉnh soạn vào năm 1572 hiện còn lưu lại tại đền Y Sơn, Hùng Linh Công là cháu ruột Hùng Vương thứ VI đã có công đánh tan giặc Ân xâm lược.
Để bày tỏ lòng biết ơn Đức thánh Hùng Linh Công và song thân của Ngài, hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng, Nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội. Theo lệ, cứ 3 năm lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn trong 3 ngày 15, 16, 17 tháng Giêng với nhiều phong tục, nghi lễ độc đáo, mang nét riêng đặc trưng chỉ có ở Y Sơn như: lễ rước kiệu truyền thống từ đền Y Sơn sang chùa Y Sơn, lễ “cuốn quân tập trận”; lễ “kéo chữ”; lễ tướng quản (rước voi)…
Hiện nay, tại đền Y Sơn còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong của các triều đại từ Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn; ngai thờ, bài vị, lư hương, quạt nan bằng ngà voi, hoành phi, câu đối cổ… Đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp uqốc gia vào ngày 21/3/1994.
Ngày 8/6/2015, Lễ hội Y Sơn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Y Sơn tại xã Hòa Sơn có nhiều di tích linh thiêng như: đền Hạ, đền Thượng, Giếng Tiên và chùa Y Sơn.
Cũng chính tại nơi đây, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là ngày 22/2/1940 (tức ngày 15 tháng Giêng) - nhân dịp lễ hội, đồng chí Lê Hoàng - Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã diễn thuyết tuyên truyền cách mạng tại chùa Y Sơn. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Nhân dân xã Hòa Sơn nói riêng và Nhân dân huyện Hiệp Hòa luôn gìn giữ phát huy giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Y sơn.
![Việc đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là công tác PCCC tại lễ hội được chú trọng. Ảnh: Thúy Hồng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_11_51449842/f01c53b466fa8fa4d6eb.jpg)
Việc đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là công tác PCCC tại lễ hội được chú trọng. Ảnh: Thúy Hồng
Công tác chuẩn bị cho lễ hội được thực hiện kĩ lưỡng
Năm nay, Lễ hội Y Sơn tiếp tục được tổ chức theo truyền thống từ ngày 11/2-13/2/2025 (tức ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Theo nội dung chương trình, từ 6 giờ 45 phút đến 9 giờ ngày 12/2/2025 sẽ diễn ra phần nghi lễ rước kiệu truyền thống.
Từ 9 giờ đến 10 giờ ngày 12/2/2025 sẽ diễn ra lễ khai mạc Lễ hội tại chùa Y Sơn.
Từ 13 giờ 30 phút ngày 12/2 đến 17 giờ ngày 13/2/2025 sẽ diễn ra các nghi lễ cổ truyền, trong đó có một số chương trình đặc sắc như: giải vật cổ truyền; giải bóng chuyền hơi, các trò chơi dân gian...
Liên quan đến công tác chuẩn bị, đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội năm nay, ông Hoàng Xuân Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết UBND xã đã chỉ đạo lực lượng Công an xã xây dựng phương án, kế hoạch để đảm bảo an toàn cho lễ hội, trong đó có việc thành lập tiểu ban an ninh với hơn 50 người, ngoài ra còn có 2 tổ tự quản do các cựu chiến binh làm nòng cốt.
Ngoài ra, công tác phòng chống cháy nổ cũng được các lực lượng chức năng xã Hòa Sơn hết sức quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác phòng cháy với khu vực rừng Y Sơn ở xung quanh nơi diễn ra lễ hội và khu vực đền, chùa Y Sơn.
Theo ông Hoàng Xuân Thật, để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, ngoài việc thường xuyên đi tuần, lực lượng chức năng cũng bố trí nhiều chốt trực ở gần khu vực mặt bằng rừng để hướng dẫn, tuyên truyền, cảnh báo, giúp nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội.
Để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ trong khu vực đền, chùa, người dân đến vào trong chỉ làm lễ, việc đốt hương thẻ ở các nơi thờ cúng trong nhà cũng sẽ bị hạn chế.
Bên cạnh đó, các đường dây điện trước kia nhỏ, bé, xuống cấp, có thể dẫn đến cháy nổ trong khu vực đền, chùa đã được thay thế toàn bộ, khắc phục. Lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra các bể chứa nước trên đỉnh núi, nhiều bình cứu hỏa, sẵn sàng để phục vụ cho lễ hội.
Cũng theo ông Thật, lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu các chủ hàng ăn, uống cam kết đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra vấn đề “chặt chém”.