Điểm danh loạt Dự án du lịch tâm linh nghìn tỷ của Tập đoàn Xuân Trường
Tên tuổi của đại gia Nguyễn Văn Trường gắn liền với hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh nghìn tỷ, trải dài khắp các tỉnh thành phía Bắc. Những công trình như Khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc hay sắp tới là Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long không chỉ đồ sộ về quy mô mà còn góp phần định hình diện mạo du lịch tâm linh Việt Nam.
Tập đoàn Xuân Trường – chủ đầu tư của những khu du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam – đã góp mặt tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân với các doanh nghiệp tư nhân lớn sáng ngày 10/2/2025. Cùng với những tên tuổi hàng đầu như Vingroup, Sun Group, Thaco, Hòa Phát, Xuân Trường là một trong số hơn 20 doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Xuân Trường – ông Nguyễn Xuân Trường – nhấn mạnh vai trò của ý tưởng, mục tiêu và cơ chế minh bạch trong việc triển khai các dự án lớn. Ông chia sẻ về sự phát triển vượt bậc của Ninh Bình khi trở thành trung tâm du lịch quốc gia, minh chứng cho việc doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra những công trình văn hóa tầm cỡ nếu được trao cơ chế phù hợp.
Với hàng loạt dự án du lịch tâm linh quy mô lớn như Tràng An – chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) hay đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Xuân Trường đang định hình lại bản đồ du lịch tâm linh của Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Xuân Trường thành lập tháng 3/1993, trụ sở chính đặt tại số 16, đường Xuân Thành, phường Tân Thành, TP.Hoa Lư, Ninh Bình. Chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Trường (SN 1964). Tại thời điểm tháng 12/2020, Doanh nghiệp Xuân Trường có vốn điều lệ đạt 1.500 tỷ đồng.
Hồ Núi Cốc – “Siêu dự án” du lịch tâm linh tại Thái Nguyên
Khu du lịch Hồ Núi Cốc, với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, là một trong những dự án tham vọng nhất của Công ty Xây dựng Xuân Trường. Công trình được khởi công từ tháng 2/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. Dự án trải dài trên địa bàn 10 xã, thị trấn thuộc TP Thái Nguyên, TX Phổ Yên và huyện Đại Từ, với tổng diện tích 18.940ha (trong đó riêng Hồ Núi Cốc chiếm 2.500ha).
![Hồ Núi Cốc – “Siêu dự án” du lịch tâm linh tại Thái Nguyên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_618_51449865/95928d3ab874512a0865.jpg)
Hồ Núi Cốc – “Siêu dự án” du lịch tâm linh tại Thái Nguyên
Các hạng mục chính bao gồm: Khu tâm linh với Chùa Tháp cao 150m; Khu dịch vụ, vui chơi giải trí với khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra, hai cổng chính của khu du lịch cũng đang được quy hoạch để kết nối thuận tiện với cao tốc và tỉnh lộ.
Chùa Bái Đính – Kỷ lục kiến trúc tâm linh tại Ninh Bình
Từ năm 2006, ông Xuân Trường đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào Khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây không chỉ là công trình tâm linh mà còn là một tuyệt tác kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Chùa Bái Đính được xây dựng từ các vật liệu địa phương như đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng. Điểm độc đáo nhất chính là mái chùa cong vút như đuôi chim phượng, khác biệt hoàn toàn so với kiến trúc thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết chạm khắc đều được thực hiện bởi các nghệ nhân từ các làng nghề danh tiếng như đúc đồng Ý Yên, chế tác đá Ninh Vân, mộc Phú Lộc, thêu Ninh Hải.
![Chùa Bái Đính – Kỷ lục kiến trúc tâm linh tại Ninh Bình](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_618_51449865/d285c82dfd63143d4d72.jpg)
Chùa Bái Đính – Kỷ lục kiến trúc tâm linh tại Ninh Bình
Ngôi chùa này hiện nắm giữ nhiều kỷ lục đáng nể như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; Chuông đồng lớn nhất Việt Nam (36 tấn)
500 tượng La Hán bằng đá xanh nguyên khối; Giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; 100 cây bồ đề chiết từ cây bồ đề Ấn Độ
Với diện tích 539ha, đây là khu chùa lớn nhất Việt Nam. Từ năm 2014, chùa Bái Đính đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép.
Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam): “Vịnh Hạ Long trên cạn” của du lịch tâm linh
Năm 2006, tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Công trình này do Công ty Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư, hướng đến mục tiêu trở thành khu du lịch tâm linh – sinh thái – nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc.
![Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam): “Vịnh Hạ Long trên cạn” của du lịch tâm linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_618_51449865/8ed1a8799d3774692d26.jpg)
Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam): “Vịnh Hạ Long trên cạn” của du lịch tâm linh
Với diện tích 5.100ha, khu du lịch được quy hoạch thành nhiều phân khu như: Lòng hồ Tam Chúc – cảnh quan tuyệt đẹp với núi non trùng điệp soi bóng trên mặt nước, được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”; Khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, với các hạng mục ấn tượng như: Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm; Cổng Tam Quan kết hợp 3 tòa tháp cao 100 – 150m; Pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (nặng 200 tấn); Khu trung tâm đón tiếp và nghỉ dưỡng; Sân golf 36 lỗ, khu bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử
Không chỉ tập trung vào các hạng mục công trình, ông Xuân Trường còn mạnh tay chi hơn 14,3 tỷ đồng để đấu giá một khối đá thiên thạch Mặt Trăng tại Mỹ, mang về Việt Nam để tạc tượng đặt tại chùa Tam Chúc.
Khu du lịch tâm linh đảo Cái Tráp (Hải Phòng) – Biểu tượng Phật giáo trên biển
Tại Hải Phòng, ông Xuân Trường tiếp tục đầu tư 9.800 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, với thời gian triển khai từ 2015 – 2025.
Dự án này có quy mô 450ha, bao gồm: Khu tâm linh (88,7ha) với tượng Phật Thích Ca cao 150m; Khu dịch vụ đón tiếp (108ha) với khách sạn 5 sao, casino, sân golf
Ngoài ra, tại Hải Dương, Xuân Trường cũng đề xuất dự án Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án sẽ cải tạo một khu vực 15km², xây dựng ba tòa tháp Tam Tôn nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.
Khu vực này vốn là căn cứ hậu cần quan trọng của Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên – Mông. Tuy nhiên, hiện trạng di tích đã xuống cấp và chưa được khai thác hiệu quả.