Ý kiến tâm huyết của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ gửi tới Quốc hội

Với lực lượng 2,2 triệu trí thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tin tưởng những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của trí thức khoa học và công nghệ đối với những vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Sáng 9/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV chủ trì.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sắp tới dự kiến sẽ diễn ra sớm hơn so với thông lệ. Với khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, Quốc hội sẽ ưu tiên xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét sửa đổi 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị Quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương; xem xét, thông qua 11 dự án, dự thảo và nội dung quan trọng khác, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất quan điểm: Việc ra đời Nghị quyết 57-NQ/TW thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Với vai trò là Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trình cho biết: An toàn và vệ sinh lao động đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Việc áp dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Do đó, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trình kiến nghị: Cần hoàn thiện khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; cập nhật, sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Xây dựng các quy định cụ thể về ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong giám sát và bảo vệ sức khỏe người lao động. Tăng cường giám sát và nâng cao chế tài xử phạt nghiêm minh đối với doanh nghiệp vi phạm.

Góp ý về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội nhấn mạnh: Cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo hứng khởi và niềm tin cho doanh nghiệp vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là giải pháp tạo động lực thể chế quan trọng để mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, bền vững trong Kỷ nguyên vươn mình.

Nhấn mạnh vai trò cán bộ trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề xuất: Cần gắn tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa chức danh và xác định vị trí việc làm theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí ở từng cấp, từ trung ương đến cơ sở; từng loại hình.

Tuyển dụng và đào tạo bổ nhiệm, luân chuyển, điều động đánh giá cán bộ theo hướng thực chất “việc tìm người”; coi trọng người có năng lực nổi trội, sáng tạo và trách nhiệm công vụ cao; coi trọng chất lượng tham mưu, đề xuất và năng lực điều phối, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng kết luận hội thảo.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng kết luận hội thảo.

Ngoài ra, các ý kiến tập trung vào một số nội dung: Hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn thiện thể chế pháp luật. Nhất là, việc áp thuế đối ứng lên tới 46% của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam và những hành động rất nhanh của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thể hiện trí tuệ, tâm huyết, sự am hiểu sâu sắc và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trước những vấn đề lớn, quan trọng và những chủ trương, phát triển của đất nước trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

KIM OANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/y-kien-tam-huyet-cua-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-cong-nghe-gui-toi-quoc-hoi-post871134.html
Zalo