Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc
Cục Bản quyền tác giả tổ chức sắp tổ chức chương trình đối thoại đặc biệt, nhằm thúc đẩy công nghiệp âm nhạc, khơi thông tiềm năng bản quyền, đầu tư và sáng tạo, hướng tới đưa sản phẩm âm nhạc Việt vươn tầm quốc tế.

Thu hút đầu tư nước ngoài từ các sản phẩm âm nhạc
Thực hiện Quyết định số 887/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc tổ chức chuỗi hoạt động tuyên truyền Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025, ngày 20/4/2025, Cục Bản quyền tác giả tổ chức “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” tại TPHCM.
Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người. Các sự kiện âm nhạc tạo ra không gian vui chơi, giải trí cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, việc tổ chức sự kiện âm nhạc quy mô lớn còn mang lại lợi ích kinh tế, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều ngành nghề như du lịch, quảng cáo, ẩm thực, sản phẩm quà tặng, truyền thông…
Sự kiện là cơ hội để đại diện các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, trao đổi, chia sẻ với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc về những nội dung có liên quan như:
Kết quả đạt được và sự đóng góp của công nghiệp âm nhạc đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội nói chung, đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng;
Vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục xin cấp phép cho các hoạt động biểu diễn âm nhạc quy mô lớn; Những vấn đề liên quan đến tải chính, mức thuế, phí mà các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đang gặp phải.
Nhu cầu về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy động phát triển các ngành công nghiệp âm nhạc; Nhu cầu về nguồn nhân lực để thúc đẩy động phát triển nền âm nhạc Việt Nam.
Thương mại hóa sản phẩm liên quan đến âm nhạc; xây dựng thương hiệu; Bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc để phát triển công nghiệp văn hóa; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp âm nhạc.
Thu hút đầu tư nước ngoài từ các sản phẩm âm nhạc. Hợp tác công tư nhằm thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc; Liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong lĩnh vực âm nhạc; Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam thông qua các sản phẩm âm nhạc…
Tham gia buổi Đối thoại có đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt sự hiện diện của một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc trong thời gian vừa qua.
Chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc” nhằm nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài; phương hướng phát triển; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện âm nhạc;
Định hướng phát triển các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới;
Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý các cấp ở trong nước và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở Việt Nam và nước ngoài.
Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ
Cùng với Chương trình “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”, hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2025 và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc với Chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” (tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM) nhằm tôn vinh sáng tạo âm nhạc cũng như lan tỏa thông điệp TPHCM là thành phố sáng tạo nghệ thuật.
Tại Sự kiện, sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, khách mời có tên tuổi trong nghề để chia sẻ về cách thức họ vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ; chương trình nghệ thuật biểu diễn ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả; biểu diễn các ca khúc mới viết về TPHCM, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025);
Đồng thời, tương tác với khán giả, chia sẻ quan điểm, câu chuyện thực tế liên quan đến nhận thức và thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi những giải pháp cụ thể, khả thi để mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chung tay hành động hiệu quả trong việc bảo vệ quyền tác giả và cuối chương trình là hoạt động vinh danh những nghệ sĩ, nhạc sĩ đã có những đóng góp cho bản quyền âm nhạc, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ về âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc và tặng quà cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo số liệu thống kế của WIPO về quy mô và tác động kinh tế của ngành công nghiệp sáng tạo (CCls) trên toàn cầu cho thấy lĩnh vực này tạo ra khoảng 2.250 tỷ USD mỗi năm, đóng góp vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động trên toàn thế giới. Năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1.400 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Đáng chú ý, tổng thu nhập của các nhà sáng tạo toàn cầu tăng 7,6% vào năm 2023, thiết lập kỷ lục mới.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện, kinh tế sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, với âm nhạc, nghệ thuật cũng được xem là một ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu.