Xúc động những hình ảnh về thầy cô giáo trong mắt học sinh
Ngày 1/12, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình Gala 'Những hạt nắng vàng - trao giải cuộc thi Thầy cô trong mắt em năm 2024'.
Chương trình được phát live stream trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam, fanpage VTV7 Đài Truyền hình Việt Nam và được kết nối với các điểm cầu: Trường THPT chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn; Trường THCS thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; Trường THCS-THPT Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.
Với chủ đề "Thầy cô của tương lai", đây là năm thứ 5 cuộc thi Thầy cô trong mắt em được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đối với thầy cô giáo - những người đã dìu dắt, dạy dỗ và nâng bước các em trên con đường chinh phục tri thức.
Năm 2024, có 48 đơn vị công đoàn các tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục tổ chức phát động cuộc thi với hơn 3500 tác phẩm dự thi, 879 tác phẩm gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các tác phẩm đều có chất lượng, phản ánh đa dạng, phong phú, có lối dẫn truyện hấp dẫn với những hình ảnh chân thực, sử dụng những kỹ xảo và hiệu ứng giàu tính nghệ thuật.
Sau các vòng thi, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng ban giám khảo đã chọn ra 117 tác phẩm vào vòng chung khảo; 85 tác phẩm được đăng trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Có 53 tác phẩm được giới thiệu trong gala "Những hạt nắng vàng" và trao giải cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm 2024.
Bày tỏ xúc động đến dự lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao sáng kiến, ý tưởng của Công đoàn giáo dục Việt Nam với cuộc thi Thầy cô trong mắt em, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn về sự đồng hành của VTV7 Đài truyền hình Việt Nam, các nhà tài trợ, Ban giám khảo.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn là truyền thống của dân tộc. Trong dịp 20/11, đã có nhiều hoạt động, nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đội ngũ nhà giáo. Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" tiếp tục khẳng định sự tôn vinh đó không chỉ ở ngoài xã hội mà chính trong ngành.
"Có lẽ sự ghi nhận, tình cảm mong chờ nhất của mỗi thầy cô đó chính là các em, là học sinh. Bởi các em là sản phẩm của những năm tháng vất vả của các thầy cô, trong chỉ trong mỗi tiết dạy, trong các năm học tại trường mà cả trong cuộc đời. Hình ảnh thầy cô trong mắt em không chỉ trong cuộc thi này, chỉ trong hành trình học mà hình ảnh thầy cô sẽ làm mãi mãi trong suốt cuộc đời. Điều này khẳng định chiều sâu, sự nhân văn của cuộc thi", thứ trưởng nói.
Chủ đề năm nay là “Thầy giáo, cô giáo của tương lai” gắn liền với quan điểm, chiến lược của ngành giáo dục trong thời đại này. Khi bùng nổ về công nghệ thông tin, việc truyền tải kiến thức không chỉ đóng khung trong mỗi bài giảng ở lớp học, ở ghế nhà trường, ở mỗi bài giảng mà thầy cô còn đóng vai trò là người dẫn dắt phát triển những phương pháp tự học, tự sáng tạo, định hướng, hướng dẫn, khơi dậy khát vọng, chiếm lĩnh tri thức ở học sinh, sinh viên.
Với thông điệp đầy ý nghĩa và sự thành công của cuộc thi trong 5 năm vừa qua, Thứ trưởng mong muốn cuộc thi tiếp tục được lan tỏa rộng rãi để xã hội hiểu được những sự hi sinh thầm lặng của các thầy cô và cũng thấy được tình cảm mà các em dành cho thầy cô, ảnh hưởng của các thầy cô với cuộc sống của các em, dẫn dắt các em có những ước mơ hoài bão để các em sau này trở thành người có ích cho cộng đồng cho xã hội.
Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Thầy cô trong mắt em năm 2024, Ban tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba và 28 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Ban tổ chức cũng đã trao giải cho tác phẩm có cách thể hiện phong phú và tác phẩm có nhiều lượt tương tác nhất.
Các đơn vị công đoàn được tặng bằng khen có thành tích tổ chức tốt cuộc thi là Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Giang, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương.
Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm "Người mẹ trong tim tôi" của tác giả Dầm Văn Thinh - học sinh PTDTNT THCS&THPT Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Trong tác phẩm, Dầm Văn Thinh kể về hoàn cảnh mồ côi với rất nhiều khó khăn. Lúc đó, em gặp cô giáo Phan Thị Út, Phó hiệu trưởng nhà trường. Cô quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, hỗ trợ em học các môn học khó. Cô còn nhận em làm con nuôi, san sẻ nhiều tình cảm, yêu thương...