Nhiều trường đại học sai phạm trong công tác tuyển sinh
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận nhiều trường đại học sai phạm do tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đáng chú ý, có trường tuyển vượt hơn 500% chỉ tiêu cho phép.
Hàng loạt trường đại học tuyển sinh sai quy định
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kết luận thanh tra số 34/KL-TTr về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam (trụ sở chính tại Hà Nội, cơ sở tại TP. Thủ Đức, TP. HCM).
Theo kết luận thanh tra, việc tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ đối với hoạt động tuyển sinh trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đều có những vi phạm, sai sót.
Cụ thể đối với trình độ đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định: Năm 2022: hình thức liên thông chính quy từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành Công tác xã hội là 50 chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu theo quy định 26 (vượt 24 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 92,3%); liên thông hình thức vừa học vừa làm ngành Luật là 63 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 11, vượt 52 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 472,7%); ngành Công tác xã hội 50 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 8, vượt 42 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 525%).
Năm 2023, liên thông chính quy ngành Luật 40 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 34, vượt 6 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 17,6%); ngành Công tác xã hội 42 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 37, vượt 5, tỷ lệ vượt 13,5%); liên thông hình thức vừa học vừa làm ngành Luật 60 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 11, vượt 49 chỉ tiêu, tỷ lệ vượt 445,5%); ngành Công tác xã hội 20 chỉ tiêu (chỉ tiêu theo quy định 12, vượt 8 chỉ tiêu - tỷ lệ vượt 66,7%).
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn yêu cầu Học viên dừng tuyển sinh, đào tạo các trình độ của giáo dục đại học tại Cơ sở TP. HCM. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam về các hành vi nêu trên. Đồng thời Chánh thanh tra Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Bộ GD&ĐT cũng vừa công khai Kết luận số 32/KL-TTr sau khi tiến hành thanh tra đối với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Kết quả thanh tra ở kỳ tuyển sinh năm 2021 và năm 2022, nhiều ngành, nhóm ngành tuyển vượt chỉ tiêu 5,4%-18% (quy định hiện hành chỉ cho tuyển vượt chỉ tiêu tối đa 3%).
Cụ thể, năm 2021, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, Trường tuyển vượt 5,4% chỉ tiêu công bố với khối ngành V (số trúng tuyển 1471/1395 chỉ tiêu). Năm 2022, tuyển sinh chính quy, Trường tuyển vượt chỉ tiêu các lĩnh vực: Khoa học xã hội và Hành vi (227/200, vượt 13,0% chỉ tiêu công bố); Báo chí và Thông tin (34/30 vượt 13%); Pháp luật (59/50, vượt 18%).
Năm 2022, Trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo vừa học, vừa làm của 14 ngành với tổng 580 chỉ tiêu. Trong đó, lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xác định 385/780 chiếm 49% (theo quy định là 30%). Số trúng tuyển nhập học là 243 chiếm 31% chỉ tiêu theo lĩnh vực (theo quy định là 30%).
Tương tự, tại Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận, trường tổ chức tuyển sinh trình độ đại học năm 2021 khối ngành III tuyển vượt 26,1%; khối ngành V tuyển vượt 11,1%; khối ngành VII tuyển vượt 11,4% so với chỉ tiêu công bố.
Trường tổ chức tuyển sinh trình độ đại học năm 2022 lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý tuyển vượt 13,5%; lĩnh vực Toán và Thống kê tuyển vượt 23,3%; lĩnh vực Máy tính & CNTT tuyển vượt 22,5%; lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật tuyển vượt 18,8% chỉ tiêu đã công bố.
Về biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng, đoàn Thanh tra đã kiến nghị, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường về hành vi vi phạm tuyển sinh vượt chỉ tiêu một số ngành, nhóm ngành, lĩnh vực trình độ đại học năm 2021, 2022.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng công bố kết luận hàng loạt sai phạm của Trường ĐH Trưng Vương, tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2020-2022. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2022, trường này tuyển vượt chỉ tiêu cao gấp hàng trăm lần so với quy định. Năm 2020, khối ngành Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật, hệ vừa làm vừa học tuyển gần 750 sinh viên, trong khi chỉ có 100 chỉ tiêu, vượt 647%. Tới năm 2022, lĩnh vực sức khỏe (hệ vừa làm vừa học) tuyển hơn 500 sinh viên, trong khi chỉ có 64 chỉ tiêu, vượt 737%.
Trường đại học tuyển sinh vượt số lượng bị xử phạt thế nào?
Theo Điều 10 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh như sau: Nếu trường đại học tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% thì có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Nếu tuyển vượt từ 10% đến dưới 15% thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
Nếu tuyển vượt từ 15% đến dưới 20% thì có thể bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; Nếu tuyển vượt từ 20% trở lên thì có thể bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; Thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Nêu quan điểm về việc các trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, mặc dù các hình thức xử phạt trong tuyển sinh đã có nhưng dường như các trường đang coi thường kỷ cương.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, hệ quả của việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra không bảo đảm và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế đất nước. "Có thêm người học thì nhà trường sẽ có thêm học phí nhưng phải tương ứng với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để đào tạo ra sản phẩm đầu ra chất lượng. Giáo dục con người phải có kỷ cương, trật tự. Khi trường đại học vượt quá kỷ cương thì uy tín của trường đó sẽ bị giảm và người học sẽ quay lưng".
Để xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, quan trọng nhất là chế tài, nếu chế tài không đúng mức, không đủ sức răn đe thì các trường sẽ coi thường, không sợ. "Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này hiện nay còn nhẹ. Bộ GD&ĐT cần xem xét lại chế tài, làm mạnh tay để ngăn chặn những sai phạm. Thậm chí, nếu tuyển sinh vượt mức bất kể cao hay thấp thì cắt chức hiệu trưởng. Bên cạnh đó cần tăng mức phạt hành chính. Đánh nặng vào chức vụ và kinh tế, tôi cho rằng các trường sẽ không dám nhờn luật".