Quy đổi thang điểm chung có hợp lý?
Những điểm mới của dự thảo Thông tư tuyển sinh đại học (ĐH) 2025, trong đó có quy định điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo đang là nội dung được chú ý.
Lâu nay, các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ đã khiến thí sinh bị giảm đi cơ hội được bình đẳng trong xét tuyển. Thừa nhận điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đã đến lúc nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập nói trên.
Tuy nhiên, phân tích một cách thấu đáo các chuyên gia cho rằng việc quy đổi điểm xét tuyển ở tất cả các phương thức về một thang điểm là không hợp lý. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Khái niệm “xét tuyển sớm” cần phải định nghĩa tường minh trong quy chế để phân biệt giữa kết quả xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tuyển bằng các kỳ thi độc lập vì tỷ lệ trúng tuyển, chỉ tiêu và cách thức là khác nhau. Cụ thể, hiện có nhiều phương thức xét tuyển, nhiều kỳ thi được sử dụng kết quả để tuyển sinh như thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia, bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa, các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế như SAT, thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Mỗi kỳ thi cấu trúc, định dạng đề thi hoàn toàn khác nhau, là những hệ tọa độ khác nhau cho nên không thể quy về một điểm.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một học sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với các em đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi đánh giá của các ĐH là hoàn toàn khác biệt. Trong kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, đạt 110/150 điểm đã là rất khó, rất xuất sắc trong khi kỳ thi tốt nghiệp, đạt 29/30 điểm là bình thường.
Cùng với đó, dự thảo quy định cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích. Về điều này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, cho rằng nên bỏ vì không có cơ sở khoa học để yêu cầu thí sinh phải đạt điểm tối đa khi chuyển đổi. Việc này gây khó khăn và bất công khi xét tuyển sinh viên quốc tế bằng kết quả học tập tại nước sở tại hoặc kết quả SAT, ACT.
TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, dự thảo Thông tư quy định điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển được quy đổi về một thang chung sẽ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các phương thức và tổ hợp môn xét tuyển, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh ứng tuyển theo các phương thức và tổ hợp môn khác nhau.Tuy nhiên, việc các phương thức, tổ hợp đều quy về một thang điểm, công tác tuyển sinh của các trường có nhiều thay đổi. Các cơ sở đào tạo có nhiều phương thức và tổ hợp môn xét tuyển khác nhau, sẽ phải nghiên cứu kỹ phương án quy đổi về một thang chung sao cho hợp lý và cho phép họ tuyển sinh được những thí sinh thực sự có năng lực, qua đó nâng cao được chất lượng đầu vào.
Đại diện Trường ĐH Thương mại cho rằng dự kiến điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể gây khó khăn cho các trường. Bởi mỗi trường có một cách tính cho những mục tiêu khác nhau.
Các cơ sở đào tạo cho hay, việc dự kiến điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển được quy đổi tương đương về một thang điểm chung có thể gây khó khăn cho các trường. Trong khi những năm qua bài thi THPT chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là tốt nghiệp THPT. Độ phân hóa ở mức khác hẳn và không thể quy đổi một cách máy móc. Việc chuyển đổi này chỉ được thực hiện một cách công bằng khi có sự tương đồng, hoặc tương đương của ma trận đề thi. Theo đó, chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức; có thể tương đương hoặc tỷ lệ với nhau bằng một hệ số nhất định (theo độ khó, độ phân hóa trình độ thí sinh).