Sức ép khiến thế hệ Z Mỹ không còn muốn đọc sách?
Theo The Atlantic, có một hiện tượng đáng báo động đã xuất hiện trong vài năm qua tại Mỹ: Nhiều sinh viên đến trường đại học khi không chuẩn bị tinh thần để đọc sách.
Theo The Atlantic, các giáo sư đến từ các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đều kể chung một câu chuyện. Gần đây, một giáo sư tại Đại học Columbia cũng cho biết sinh viên của ông cảm thấy choáng ngợp khi nghĩ đến việc phải đọc nhiều cuốn sách trong một học kỳ. Hay một giáo sư tại Đại học Virginia nói rằng sinh viên của ông đã im lặng khi phải đối mặt với những ý tưởng mà họ không hiểu.
Những con số đáng báo động
Trong khi việc những chuyên gia văn hóa hay thế hệ lớn tuổi chỉ trích khả năng đọc viết của người trẻ tuổi là điều đã diễn ra từ nhiều thế kỷ trước, thì trong thập kỷ qua, có vẻ như hiện tượng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các giáo sư đều cho biết họ đã thấy sự thay đổi theo thế hệ trong cách sinh viên tương tác với văn học.
Theo số liệu từ chương trình khảo sát Đánh giá Tương lai, năm 1976, gần 40% học sinh lớp 12 ở Mỹ đọc ít nhất 6 cuốn sách/năm để giải trí. Đến năm 2021-2022, con số này đã giảm xuống còn 13%. Trong khi đó, số người không đọc một cuốn sách nào để giải trí đã tăng lên, từ chỉ 11,5% vào năm 1976 lên 41% vào năm 2021-2022.
Xét trong khuôn khổ lớp học, trong một lớp học trung học gồm 30 thanh thiếu niên, vào năm 1976, có 11 em đọc 6 cuốn sách trở lên và chỉ có khoảng 3 em không đọc một cuốn sách nào để giải trí. Trong những năm gần đây, con số học sinh đọc 6 cuốn sách trở lên chỉ còn 4 em và số học sinh không đọc sách đã tăng lên 12, gấp bốn lần.
Tình hình còn đáng báo động hơn khi xét đến sinh viên. Số lượng sinh viên có khuynh hướng phát triển học thuật hiện không đọc gì cả là khoảng 35%. Trước đây, rất hiếm khi một học sinh lớp 12 dự định học lên cao học mà không đọc gì để giải trí. Con số đó chỉ khoảng 7% vào cuối những năm 1970. Cho đến năm 2009-2010, con số này là khoảng 15%. Và đến năm 2021-2022, con số đó đã tăng gấp đôi. Ngày nay, trong một lớp gồm 30 sinh viên đều hướng tới chương trình đại học, có tới 10 người không đọc một cuốn sách nào trong năm ngoái.
Sức ép đè nặng lên người trẻ
Trong khi nhiều người nói tới sức hấp dẫn của điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội, thì dường như nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng ngày càng ít dạy về sách. Một sinh viên theo học tại Columbia nhưng chỉ đọc thơ, các trích đoạn và bài báo ở trường.
Ngoài những nguyên nhân khách quan này, có một nguyên nhân chủ quan đáng để chú ý, đó là sự thay đổi suy nghĩ của giới trẻ. Các giáo sư không nghĩ rằng sinh viên của họ lười biếng, nhưng điều họ chú ý là họ đã bị sốc trước việc sinh viên đại học ngày nay quá bận rộn và nhiều nỗi lo lắng. Họ cũng thấy lịch trình của sinh viên dày đặc các hoạt động, nhưng ít liên quan đến phát triển bản thân, trong khi đó liên quan nhiều hơn đến tìm hiểu việc làm trong tương lai.
James Shapiro, một giáo sư tiếng Anh tại Columbia, đã chia sẻ rằng: "Họ cần làm quá nhiều thứ và họ khó có thể tập trung hoàn toàn vào các tác phẩm văn học có thể mất đến 20 giờ để tiếp thu".
Năm 1971, 37% sinh viên cho biết mục tiêu chính của những năm học đại học là trở nên giàu có về mặt tài chính và 73% trả lời là phát triển một triết lý sống có ý nghĩa. Đến năm 2015, những con số đó đã gần như đảo ngược. 82% sinh viên cho biết họ cần phải sử dụng khoảng thời gian đại học để trở nên giàu có về mặt tài chính, trong khi chỉ 47% cho biết họ muốn phát triển một triết lý sống có ý nghĩa.
Joseph Howley, một giáo sư về văn học cổ điển tại Columbia, đã chia sẻ rằng nhiều chuyên gia và phụ huynh đều nhấn mạnh vào các khóa học tiền chuyên nghiệp và hạ thấp tầm quan trọng của nghiên cứu nhân văn. Trong bối cảnh này, việc dành hàng giờ để đọc một cuốn tiểu thuyết có vẻ không hiệu quả.