Trung Quốc mạnh tay xử lý cán bộ 'nằm thẳng'

Chính quyền một số nơi tại Trung Quốc trao giải thưởng 'Ốc sên' nhằm khuyến khích công chức làm việc hiệu quả hơn. Nhưng không ít người vẫn chọn 'án binh bất động' để tránh rủi ro.

 Ảnh chụp màn hình video clip tiểu phẩm hài của Trung Quốc về những cán bộ công chức "nằm thẳng", ám chỉ người không có trách nhiệm trong công việc. Ảnh: CCTV.

Ảnh chụp màn hình video clip tiểu phẩm hài của Trung Quốc về những cán bộ công chức "nằm thẳng", ám chỉ người không có trách nhiệm trong công việc. Ảnh: CCTV.

Khi kinh tế chững lại, chính quyền Trung Quốc mong muốn đội ngũ công chức làm việc tích cực hơn. Cán bộ lãnh đạo được kỳ vọng triển khai các dự án mới để thu hút nhà đầu tư. Nhưng nhiều người đang tỏ ra thụ động, thậm chí là trốn tránh hành động vì lo ngại trách nhiệm.

Giải thưởng không ai muốn nhận

Từng có thời gian, quan chức Trung Quốc cạnh tranh để giành giật các dự án hạ tầng hào nhoáng. Nhưng khi nhiều cán bộ đã bị kỷ luật trong thời gian gần đây vì huy động vốn hoặc xúc tiến các dự án chưa được cấp phép, tâm lý chung có vẻ là không làm gì là an toàn nhất.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, chính quyền các địa phương gần đây có sáng kiến trao giải thưởng "Ốc sên" cho nhân viên có hiệu suất làm việc thấp. Video trên mạng xã hội, được cắt từ một chương trình truyền hình của tỉnh Tứ Xuyên, cho thấy một số người mặc áo vest, mặt u ám đứng nhận giấy chứng nhận đóng khung. Hình thức "trao thưởng" này đang được triển khai tại ít nhất ba thành phố, theo People’s Daily.

Theo một bài bình luận, giải thưởng có cái tên châm biếm này sẽ khiến người nhận "đỏ mặt, toát mồ hôi và tỉnh táo hơn". Bài viết cũng nhấn mạnh rằng những công chức chỉ "làm cho có" đã gây thiệt hại đến uy tín của đảng và chính quyền.

Cùng với giải thưởng "Ốc sên", một số địa phương tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt. Tại một quận ở tỉnh Quảng Đông, chính quyền địa phương đã lập cơ sở dữ liệu theo dõi những công chức bị cho là "nằm thẳng", thuật ngữ ám chỉ thái độ làm việc thụ động. Một số nơi còn điều chuyển hoặc chấm dứt hợp đồng đối với công chức không đạt yêu cầu.

Theo số liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2024 đã có 138.000 quan chức bị kỷ luật vì các lý do như "thiếu trách nhiệm", "không hành động" hoặc "giả vờ làm việc". Con số này cao gấp đôi so với năm trước và là nhóm vi phạm nhiều nhất, vượt xa nhóm vi phạm cao thứ hai, lỗi trao hoặc nhận quà tặng không đúng quy định.

"Việc mạnh tay xử lý các cán bộ 'nằm thẳng' thực chất là để bảo vệ tinh thần làm việc của những người có trách nhiệm và chủ động”, Ủy ban này nhấn mạnh.

 Kỳ thi tuyển công chức quốc gia được Trung Quốc tổ chức thường niên, có tính cạnh tranh rất cao Ảnh: Xinhua.

Kỳ thi tuyển công chức quốc gia được Trung Quốc tổ chức thường niên, có tính cạnh tranh rất cao Ảnh: Xinhua.

Nhiều lo ngại từ phía công chức

Việc kêu gọi cán bộ năng động hơn không phải chuyện dễ làm, khi mà chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua đã siết chặt kiểm soát đối với nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, giáo dục cho đến tài chính. Theo New York Times, nhiều quan chức lo ngại việc triển khai các dự án lớn hoặc kêu gọi vốn có thể bị xem là hành động vượt thẩm quyền.

Để trấn an đội ngũ cán bộ, chính quyền trung ương đã phát đi những tín hiệu khuyến khích. Hồi tháng 12/2024, hai ủy ban giám sát các khoản đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cam kết "chấp nhận rủi ro đầu tư ở mức hợp lý", đồng thời xem xét miễn trách nhiệm cán bộ nếu dự án không đạt kỳ vọng. Tại Tứ Xuyên, một quan chức chi sai ngân sách cho dự án xây nhà vệ sinh công cộng đã chỉ bị cảnh cáo vì "không có động cơ vụ lợi".

Nhiều chuyên gia cho rằng những động thái trên chưa thể thuyết phục đội ngũ công chức sẵn sàng chịu rủi ro trở lại vì nền chính trị Trung Quốc rõ ràng đang đi theo xu hướng siết chặt kiểm soát hơn. Một số địa phương đã và đang gặp khó trong việc trả lương cho công chức, trong khi khối lượng công việc của nhiều cán bộ cấp cơ sở ngày càng tăng do chủ trương mở rộng vai trò của nhà nước trong đời sống hàng ngày.

Dù vậy, số lượng thanh niên Trung Quốc đăng ký dự tuyển vào bộ máy nhà nước vẫn đạt mức kỷ lục. Nguyên nhân là tuy áp lực cao, công việc công chức vẫn được xem là ổn định trong bối cảnh kinh tế chưa khởi sắc.

"Đúng là làm công chức bây giờ không còn dễ như 10 năm trước. Nhưng so với các lựa chọn khác, đây vẫn là công việc tốt hơn”, ông Dongshu Liu, giáo sư chính trị Trung Quốc công tác tại Đại học Thành phố Hong Kong, nhận định.

Lạc Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-manh-tay-xu-ly-can-bo-nam-thang-post1533043.html
Zalo