Tâm điểm thủy sản 2025: Nguồn cung thiếu hụt và cuộc chiến thuế quan

Trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Khởi động năm mới, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản giảm sâu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2024, khi Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1, đã tác động đáng kể đến kết quả xuất khẩu.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, tăng trưởng này chủ yếu nhờ tôm- mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (gần 39%). Cụ thể, xuất khẩu tôm trong tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 300 triệu tấn. Trong khi đó, các mặt hàng trọng điểm như cá tra, cá ngừ, bạc tuộc,…đều sụt giảm mạnh.

Nguồn: VASEP

Nguồn: VASEP

Cá tra Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong tháng đầu năm 2025, dù giá cá tra có sự tăng trưởng mạnh do nguồn cung hạn chế. Mặc dù nhu cầu từ các thị trường như Trung Quốc và EU vẫn ổn định, sự thiếu hụt cá giống và các biến động về thuế quan quốc tế, đặc biệt là các chính sách áp dụng thuế chống bán phá giá, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng của xuất khẩu cá tra trong năm nay.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 1 giảm 25% xuống 123 triệu USD. Theo VASEP, hiện, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốcđang gia tăng năng lực sản xuất và chế biến cá tra. Mặc dù chất lượng sản phẩm của các quốc gia này chưa theo kịp sự nhất quán của Việt Nam, nhưng họ đang thâm nhập vào các phân khúc thị trường cụ thể thông qua các chiến lược cạnh tranh về giá. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với thị phần của Việt Nam, đặc biệt là ở các điểm đến xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước hợp tác vùng Vịnh.

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Nguồn: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ghi nhận sự chênh lệch lớn trong xu hướng tiêu thụ. Trong khi thị trường Trung Quốc và Hong Kong tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng 65%, thị trường Mỹ và EU lại gặp khó khăn với sự suy giảm 16% và 17,6% tương ứng.

Sự suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá hồi.

Trong khi đó, Trung Quốc được xem là “lực đỡ” nhờ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong một video phân tích thị trường thủy sản tháng 1 mới đây, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết nhu cầu các mặt hàng thủy sản tươi sống phục vụ dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng đột biến so với các tháng. Trong đó, cua, tôm, hùm là những sản phẩm cao cấp được người dùng Trung Quốc quan tâm.

Trong đó, riêng tôm hùm chiếm tới 70 triệu USD, tương đương một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này và gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu cua cũng gấp 18 lần cùng kỳ lên 18,5 triệu USD.

“Nhờ tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nên tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 1 tăng mạnh 24%, quyết định mức tăng trưởng 3% của toàn ngành thủy sản”, bà Hằng cho biết.

Thị trường xuất khẩu khó đoán định

Trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra, cá ngừ.

Theo bà Hằng, thương mại thủy sản toàn cầu đang phụ thuộc vào những động thái thuế quan từ thị trường Mỹ. "Mới ba tuần sau khi tổng thống Donald Trump nhậm chức chưa thể đoán định chính sách thuế quan mới của Mỹ chốt ở mức thế nào với các nước và liệu có áp dụng với Việt Nam không. Các chuyên gia nhận định cần 3-6 tháng mới định hình rõ nét bức tranh thị trường trong bối cảnh mới", bà Hằng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết : “Mọi thứ trở nên khó đoán định. Chúng tôi chưa thể đánh giá đước nước nào sẽ bị đánh thuế tiếp theo. Việt Nam xuất siêu sang Mỹ nhưng các nước đối thủ Ấn Độ, Ecuador lại không. Trong khi giá tôm của họ rất rẻ. Nếu Mỹ áp thêm thuế đối với hàng Việt Nam thì rất khó khăn cho ngành tôm.

Mặc dù phân khúc tôm của Việt Nam là hàng chế biến cao cấp nhưng thị phần lại quá nhỏ so với hàng tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Nếu bị áp thuế, người tiêu dùng có thể sẵn sàng chuyển sang dòng tôm giá rẻ hơn”.

Trong thời gian chờ đợi này, đại diện VASEP cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ có thể tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy trong một vài tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh. Điều này dẫn tới chi phí vận tải, Logistics.

Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng thông dụng tôm thẻ chân trắng, cá tra sang Trung Quốc có thể chững lại vì phải cạnh tranh với sản phẩm thủy sản ở thị trường nội địa, khi các doanh nghiệp thủy sản nước này khó khăn trong việc bán hàng tại Mỹ.

Ngoài ra, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn các thị trường khác như EU, ASEAN, không chỉ với các đối thủ như Ấn Độ, ASEAN mà còn với cả Trung Quốc và Canada- những nước mà vừa bị Mỹ áp đặt thuế quan.

Bà Hằng cho rằng các doanh nghiệp thủy sản cần có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu thị trường trong bối cảnh mới. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể tăng thị phần cá tra tại Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, cân đối để có thị trường cạnh tranh tại ASEAN, mở rộng thị trường Trung Đông.

Ông Lực cho biết nhằm giảm bớt tác động khó lường từ thị trường Mỹ,công ty đang lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là mở rộng ở EU. Đồng thời, tiếp tục coi Nhật là thị trường chiến lược.

Nguồn cung thiếu hụt

Ngành thủy sản năm 2025 cũng đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là với cá tra và tôm.

Giá cá tra liên tục tăng từ cuối năm ngoái đến nay, thậm chí chạm mốc kỷ lục vào tháng 1. Theo dữ liệu từ chuyên trang thủy sản Undercurrent News, giá cá tra cỡ 1,2 kg trong tháng đầu năm ở mức 32.625 đồng/kg (1,28 USD/kg), mức cao nhất từ trước đến nay.

Loại cá này thường được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, trong khi các kích cỡ nhỏ hơn chủ yếu được chế biến thành phi lê để xuất khẩu sang EU và Mỹ (Mỹ thường ưu tiên kích cỡ lớn hơn trong dải này).

TheoUndercurrent News, nguyên nhân chính khiến giá cá tra cỡ lớn tăng mạnh là do nguồn cung hạn chế. Tính đến cuối tháng 12, lượng cá tra cỡ 800g-1 kg chỉ chiếm 37% tổng sản lượng cá nuôi, giảm 1% so với tháng 11. Sự suy giảm này là do thời tiết lạnh và mưa kéo dài khiến cá ăn ít hơn và tăng trưởng chậm lại.

“Việc nguồn cung cá tra bị hạn chế, kết hợp với sự biến động trong các thị trường tiêu thụ, có thể dẫn đến sự gia tăng giá trị xuất khẩu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguyên liệu thô và sự thay đổi trong chính sách thuế quan có thể tạo ra một môi trường khó khăn cho ngành cá tra trong thời gian tới” VASEP nhận định.

Ngành tôm cũng đang đối mặt với thách thức tương tự. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha với sản lượng đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023.

Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1.290 nghìn tấn, tăng 2% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, VASEP cho biết năm 2024, ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự biến động của thị trường, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, thậm chí có giai đoạn “chạm đáy” so với các năm trước, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao”.

Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực ĐBSCL.

Không chỉ khó khăn về giá, diễn biến môi trường và thời tiết bất lợi cũng như dịch bệnh vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với vụ tôm năm vừa qua.

"Ngành tôm năm 2024 vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu hụt", VASEP cho biết.

Theo Chủ tịch Sao Ta, tình hình nuôi tôm rất khó do dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng nề đến sản lượng. Người nuôi sẽ thua lỗ vì giá thành rất cao. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nguồn cung ứng thấp nên giá nguyên liệu đầu vào cao, gây khó trong việc cạnh tranh. Năm nay tình hình cung ứng nguyên liệu sẽ thiếu hụt.

Ông chia sẻ thêm, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có đơn hàng nhưng nguồn nguyên liệu không nhiều và giá còn cao, sức cạnh tranh thấp nên không dám nhiều.

“Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1 tăng trưởng là do hàng tồn kho từ năm ngoái giao cho những hợp đồng cũ. Nhưng từ tháng 2, xuất khẩu có thể giảm do không còn hàng”, ông nhận định.

Với mặt hàng cá ngừ, những nút thắt trongNghị định số 37/2024/NĐ-CP khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đáp ứng nguồn cung cho xuất khẩu.

Theo VASEP,quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác (biện pháp quản lý) chưa phù hợp đối với các loài hải sản, trong đó có cá ngừ vằn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của ngư dân và doanh nghiệp, gia tăng thêm các gánh nặng kinh tế cho chuỗi sản xuất liên quan.

Nhiều lô nguyên liệu của ngư dân khai thác ở các tỉnh liên quan đến quy định này trong thời gian qua đang ở trạng thái treo và ách tắc, nằm trong kho và không thể xuất khẩu được khi các cảng cá.

Nhiều đơn hàng, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu sang các thị trường, doanh nghiệp đã phải bỏ lỡ. Một số hợp đồng đã ký thì khách hàng đang yêu cầu dừng hoặc phạt hợp đồng.

Theo VASEP, để nâng cao sản lượng cá tra vào năm 2025, Việt Nam cần phải chú trọng vào nhiều mặt, bao gồm các chương trình nhân giống để lựa chọn và cải thiện chất lượng cá tra bố mẹ tập trung vào các đặc điểm như khả năng chịu mặn và kháng bệnh, nhằm cung cấp cá bột khỏe mạnh có thể thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật của chúng.

Đối với lĩnh vực nuôi tôm, cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng. Kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.

Với cá ngừ, VASEP kỳ vọng Chính phủ sớm có Nghị định sửa đổi bổ sung một số Nghị định trong lĩnh vực thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất khẩu sang khối thị trường EU.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tam-diem-thuy-san-2025-nguon-cung-thieu-hut-va-cuoc-chien-thue-quan.html
Zalo