Đưa đậu tương thành cây chủ lực

BHG - Vụ Xuân năm nay, huyện Hoàng Su Phì gieo trồng 1.500 ha cây đậu tương. Xác định đậu tương là cây công nghiệp chủ lực góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân, những năm gần đây huyện Hoàng Su Phì đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân tập trung phát triển cây đậu tương.

Cây đậu tương giống mới được trồng chủ yếu trên chân ruộng một vụ không chủ động nước và đất đồi thấp. Sau nhiều năm triển khai mô hình trồng đậu tương giống mới tại xã Chiến Phố, Tân Tiến, Pố Lồ, Thàng Tín… đã giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn loại bỏ những loại cây giống kém chất lượng, đưa những loại cây có năng suất, chất lượng vào sản xuất.

Cây đậu tương được người dân xã Tân Tiến gieo trồng từ năm 2002, ban đầu chỉ có một vài hộ trồng thử, cả xã mới chỉ trồng được 2 đến 3 ha. Sau một vài vụ nhận thấy hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đối với đồng đất nơi đây, vậy là người dân đua nhau trồng, giờ đây cùng với trồng cây lúa, cây ngô, chăn nuôi... thì đậu tương trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Tân Tiến.

Giống đậu tương DT84 được đưa vào gieo trồng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Giống đậu tương DT84 được đưa vào gieo trồng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Để phát triển đậu tương trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ngay từ đầu năm Đảng ủy, UBND xã Tân Tiến đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch gắn kết cả 3 vụ trong năm để bố trí mùa vụ hợp lý, bảo đảm cho việc gieo trồng. Từ đó, việc chỉ đạo sản xuất được tập trung và sát sao đến từng hộ gia đình, từng thửa ruộng, cánh đồng. Do vậy, về cơ bản, diện tích đậu tương của xã luôn được bảo vệ tốt, người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Chiến Phố là xã có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của huyện Hoàng Su Phì. Những năm gần đây, cây đậu tương được nông dân xã Chiến Phố phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước đây, cây đậu tương được đưa vào trồng tại xã nhưng chủ yếu là giống địa phương, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đến nay, được Nhà nước cung cấp giống đậu tương mới DT84 và hỗ trợ vật tư, phân bón, đồng thời được hướng dẫn khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích ngày càng tăng.

Đồng chí Tải Thị Riu, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố cho biết: “Cùng với cây lúa, cây ngô thì giờ đây cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của xã. Nếu đem so sánh với gieo trồng cây lúa cạn hay cây ngô thì cây đậu tương cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần, bình quân 1 ha đậu tương có thể đem lại cho bà con từ 15 đến 20 triệu đồng, giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả”.

Sản phẩm Bột mầm đậu nành được chế biến từ đậu tương.

Sản phẩm Bột mầm đậu nành được chế biến từ đậu tương.

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa vào thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa, huyện Hoàng Su Phì đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch tạo vùng chuyên canh. Trong đó, Dự án Bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao kết hợp mở rộng vùng sản xuất đậu tương giống mới gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bà con nông dân.

Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT Hoàng Su Phì cho biết: Những năm qua, huyện đã có những chính sách phát triển cây đậu tương như: Hỗ trợ giống, phân bón và xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân; quy hoạch vùng sản xuất giống đậu tương DT84 tại chỗ để hỗ trợ những hộ, vùng chưa chủ động giống, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Hiệu quả của cây đậu tương trong thời gian qua đã mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chủ trương trồng và phát triển đậu tương ở Hoàng Su Phì đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho năng suất cao, góp phần làm thay đổi nhận thức canh tác, phương thức sản xuất của bà con nông dân. Là một trong những giải pháp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới.

Thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cây đậu tương. Hỗ trợ bà con kỹ thuật, nông cụ, phương tiện để họ có điều kiện bảo quản tốt hơn sản phẩm sau thu hoạch, từ đó làm tăng hiệu quả, thu nhập. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, giúp họ tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất đậu tương mới... Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao giá trị hàng hóa từ cây đậu tương cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202502/dua-dau-tuong-thanh-cay-chu-luc-4712c10/
Zalo