Xuất khẩu sang Mỹ: 'Cửa' có sáng trong năm 2025?

Năm 2025, dù có thể tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.

Doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều phương án để thích ứng với thay đổi của thị trường.

Doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều phương án để thích ứng với thay đổi của thị trường.

Nhiều thách thức mới

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2023. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 125-130 tỷ USD. Cụ thể, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc - thiết bị, điện tử, nông - lâm - thủy sản được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của nước này, Việt Nam đứng trước nguy cơ có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện.

Nếu không có chính sách đối ứng cân bằng trong nhập khẩu, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ nằm trong “tầm ngắm”.

Điều đáng lo ngại là, thuế suất mới sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…). Do đó, nhiệm vụ trước mắt là cần lưu tâm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, dù cơ bản điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mỗi nước mang tính bổ trợ và không cạnh tranh trực tiếp.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, song doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2025.

“Chính phủ Mỹ dưới thời Trump tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra”, đại diện VASEP nhận định.

Theo các doanh nghiệp, việc Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng không chỉ tới nền kinh tế Mỹ, mà còn lan rộng ra toàn cầu. Những quyết định này có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát…

Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần D’Furni thông tin, thị trường Mỹ đóng vai trò rất quan trọng, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của D’Furni, với sản phẩm chính là các dòng sản phẩm nội thất cho các dự án khách sạn, văn phòng.

Vì vậy, nếu Chính phủ Việt Nam không có chính sách đối ứng cân bằng trong nhập khẩu, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ nằm trong “tầm ngắm”. Ngoài ra, các cuộc điều tra nguồn gốc để chống lẩn tránh thuế sẽ diễn ra nhiều hơn, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thập nhận định.

Nỗ lực khai thác hết cơ hội

Tuy nhiên, với việc Donald Trump tái đắc cử Tổng thống, các chính sách thương mại của Mỹ có thể có nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ hội sẽ đến từ việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.

“Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Dù có phần thận trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt tự tin khẳng định, sản phẩm từ Việt Nam đủ chất lượng và đủ năng lực cạnh tranh. Do đó, dù có thêm hàng rào thuế quan, phi thuế quan hay căng thẳng tỷ giá, doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu vẫn sẽ đi lên và nỗ lực khai thác hết cơ hội.

Theo ông Vũ Tiến Thập, D’Furni đang có kế hoạch mở rộng nhà máy tại TP.HCM. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ, nhân sự, mở rộng thêm một vài dây chuyền sản xuất… để làm chủ các công đoạn quan trọng, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tại D’Furni Chi nhánh Mỹ, đồng thời mở rộng thị trường Australia, Nhật Bản…, nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn tới.

Có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để thích ứng với việc thay đổi chính sách thương mại, thuế quan nhập khẩu từ chính phủ Mỹ. Trong số đó, doanh nghiệp ưu tiên các hợp tác trao đổi thương mại hai chiều, góp phần giảm bớt sự chênh lệch trong cán cân thương mại, hướng tới hài hòa lợi ích lâu dài cho cả Việt Nam và Mỹ.

Để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị doanh nghiệp trong nước nên phối hợp với nhà nhập khẩu, phân phối tại Mỹ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro, nhất là giai đoạn đầu tiếp cận thị trường.

Với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, doanh nghiệp nên cân nhắc liên kết, đầu tư kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại các cảng với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-sang-my-cua-co-sang-trong-nam-2025-d242307.html
Zalo