10 vấn đề, sự kiện kinh tế thế giới năm 2024

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 dù còn nhiều bất định, song cũng có những điểm sáng tích cực. Dưới đây là 10 vấn đề, sự kiện kinh tế tài chính toàn cầu nổi bật theo bình chọn của Thời báo Ngân hàng.

1. Giá vàng ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại

Cuối năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định, nhiều tổ chức nhận định, giá vàng trong năm 2024 có thể dễ dàng phá đỉnh 2023 (đạt mức 2.135 USD/ounce vào ngày 4/12/2023) và tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới. Quả thực năm 2024 đã chứng kiến giá vàng tăng mạnh, đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào ngày 31/10. Theo dữ liệu từ Kitco, giá vàng giao ngay chạm mức 2.790,15 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm đó, trong khi giá vàng tương lai đạt mức 2.789,40 USD/ounce.

Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, diễn biến giá vàng thời gian tới là rất khó đoán định do nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính trị cho tới kinh tế, xã hội. Trên thực tế, lịch sử cũng đã cho thấy không ít lần giá vàng không tuân theo quy luật nào và nó cũng đã nhiều lần biến động trái với dự báo của giới chuyên gia. Bởi vậy việc đầu tư vào vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu và có năng lực phân tích thị trường.

2. Kinh tế toàn cầu thể hiện khả năng phục hồi

Kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều năm đối mặt với các cú sốc tiêu cực, kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại vào năm vừa qua với lạm phát hạ nhiệt, nhiều NHTW lớn nới lỏng chính sách tiền tệ, và nhu cầu toàn cầu tăng giúp củng cố hoạt động thương mại và đầu tư. Về tăng trưởng kinh tế, các dự báo cho thấy nền kinh tế toàn cầu về tổng thể đã thể hiện khả năng phục hồi. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng ở mức 3,1%; WB dự báo ở mức 2,7%...

Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2024 cũng cho thấy tăng trưởng khá chênh lệch giữa các khu vực và các nền kinh tế lớn. Theo OECD, tăng trưởng GDP của Mỹ dự báo ở mức 2,8%; Khu vực Eurozone ở mức 1,3%; Trung Quốc ở mức 4,7%... Các dự báo cũng cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ khá tích cực, với sự chững lại ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, nhưng được bù đắp bởi triển vọng tăng trưởng đồng đều và mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế còn lại.

3. Lạm phát: Chặng cuối gập ghềnh

Lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm tốc trong năm 2024. Tuy nhiên, trái với các mức giảm mạnh tính bằng “lần” ghi nhận ở nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2023, đà giảm tốc của lạm phát đã chậm lại đáng kể trong năm vừa qua. Ví dụ tại Mỹ, CPI tháng 11/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng CPI tháng 11/2024 cũng không giảm nhiều khi vẫn tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tương tự, CPI khu vực Eurozone tháng 11/2023 tăng 2,4% nhưng tháng 11/2024 vẫn tăng 2,3% (so với cùng kỳ năm trước)…

Tất cả cho thấy chặng cuối trong lộ trình “chiến đấu” với lạm phát cao và đưa lạm phát trở về mức mục tiêu mà nhiều NHTW lớn đặt ra còn nhiều khó khăn, gập ghềnh. Theo nhận định từ nhiều tổ chức, mặc dù xu hướng giảm tốc lạm phát trong năm 2025 sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng diễn biến và mức độ cải thiện vẫn khó dự đoán. Bối cảnh kinh tế toàn cầu còn đối mặt nhiều thách thức, nhất là căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh thương mại gia tăng, cũng như khả năng áp đặt thuế quan cao hơn vẫn gây ra nhiều rủi ro lạm phát trong ngắn hạn.

4. Nhiều NHTW lớn giảm lãi suất

Dù việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã không diễn ra sớm trong nửa đầu năm 2024 như dự báo, nhưng với áp lực lạm phát giảm bớt đáng kể, nhiều NHTW lớn đã bắt đầu lộ trình giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024. Trong năm 2024, Fed đã có 3 lần giảm lãi suất liên tiếp kể từ tháng 9, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống mức 4,25 - 4,5%. Tuy nhiên bước sang năm 2025, nếu kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump được thực hiện như cam kết, có thể gây ra một đợt tăng lạm phát trở lại. Điều này có thể khiến Fed giảm tần suất, tạm dừng hoặc thậm chí đảo ngược việc cắt giảm lãi suất. Trong bản cập nhật dự báo tình hình kinh tế đưa ra sau cuộc họp, Fed đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 lên mức 2,1%; tỷ lệ lạm phát trung bình vào cuối năm 2025 được nâng lên mức 2,5%. Fed dự kiến chỉ tiến hành 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2025, đưa phạm vi lãi suất chuẩn về mức 3,75 - 4,0%.

Với khu vực Eurozone, ECB đã có 4 lần giảm lãi suất trong bối cảnh CPI giảm tích cực nhưng tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều. Sau 4 lần giảm, lãi suất cơ bản, hoạt động tái cấp vốn chính và biên độ lãi suất cho vay của ECB hiện được ấn định ở mức lần lượt là 3%, 3,15% và 3,4%. Với dự kiến tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ thấp đi do tình hình bất ổn chính trị tại nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực những tháng gần đây và nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại, các nhà giao dịch trên thị trường hiện dự báo đến cuối quý III/2025, ECB sẽ thực hiện thêm 5 lần cắt giảm lãi suất 0,25% nữa, đưa lãi suất cơ bản về mức 1,75%.

5. Năm “siêu bầu cử

“2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử”; “Năm 2024 - năm siêu bầu cử”; “Năm thế giới đi bầu cử”… Đây là nhan đề của nhiều bài viết trên các tạp chí uy tín như The Economist, Foreign Policy hay Statista để nói về năm 2024 - năm có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu, tổ chức các cuộc bầu cử. Kết quả bầu cử, đặc biệt tại các nước lớn, chắc chắn tác động tới tình hình chính trị và kinh tế thế giới, tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt không chỉ tới cán cân địa - chính trị, mà còn tác động không nhỏ đến quan hệ kinh tế, thương mại toàn cầu.

Trong đó, đáng chú ý nhất là bầu cử Tổng thống Mỹ. Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện những đề xuất chính sách mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt là các chính sách về thuế quan, tác động đối với kinh tế thế giới, các thị trường toàn cầu được dự báo sẽ khá sâu rộng. IMF mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng, chiến tranh thương mại, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn thất lớn cho kinh tế thế giới, nhất là tại châu Á, khu vực chiếm 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

6. COP29 thông qua Thỏa thuận tài chính khí hậu

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng 11 tại Baku, Azerbaijan đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là thông qua Thỏa thuận tài chính khí hậu mang tên “Mục tiêu tài chính Baku”. Theo thỏa thuận này, các nước phát triển cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035 cho các nước đang phát triển, đặc biệt cân nhắc đến việc hỗ trợ các nước kém phát triển nhất trong ứng phó biến đổi khí hậu. Con số này tăng 50 tỷ USD so với bản dự thảo thỏa thuận trình hội nghị và tăng gấp 3 lần từ mức 100 tỷ USD hiện tại. Mục tiêu tài chính Baku là bước tiếp theo trong nỗ lực huy động nguồn vốn trị giá 1,3 nghìn tỷ USD cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đánh dấu một bước quan trọng trong việc đưa ra các phương tiện để thực hiện con đường hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

7. Trí tuệ nhân tạo (AI) thay đổi nền kinh tế toàn cầu

Năm 2024, dấu ấn mạnh mẽ nhất của AI là tác động đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo Grand View Research, riêng ngành công nghiệp AI đã đạt mức 279,2 tỷ USD và dự báo vào năm 2030 sẽ đạt 1.800 tỷ USD. Nếu năm 2023, AI đã bùng nổ nhưng mới chủ yếu ở giai đoạn thử nghiệm và nổi trội trong một vài lĩnh vực như giáo dục, giải trí, truyền thông… thì đến năm 2024, AI đã đóng vai trò như một lực lượng chuyển đổi với nền kinh tế toàn cầu khi được tích hợp sâu hơn vào nhiều lĩnh vực.

AI được ứng dụng mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp, tạo ra sự đổi mới lớn trong sản xuất và dịch vụ. Với một số ngành liên quan đến y tế, công nghệ hay dịch vụ tài chính, AI đã góp phần tăng năng suất tới 40%. Theo nhiều nhận định, AI (đặc biệt là AI tạo sinh) sẽ tiếp tục là công nghệ được nhắc đến nhiều nhất vào năm 2025, mang lại những tác động lớn hơn đến kinh tế toàn cầu. Trong đó, thị trường lao động chắc chắn là một lĩnh vực bị tác động mạnh. Gia tăng áp dụng AI trong các ngành công nghiệp tạo ra các làn sóng đổi mới nhưng cũng gây lo ngại về việc mất việc làm và bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên, AI cũng tạo ra các cơ hội việc làm mới. Theo dự báo cho năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, AI có thể loại bỏ khoảng 85 triệu việc làm khỏi thị trường lao động nhưng cũng góp phần tạo ra 97 triệu việc làm mới. Tuy nhiên, để có được sự chuyển đổi mà về tổng thể số việc làm mới vẫn lớn hơn số bị loại bỏ như vậy, đòi hỏi lực lượng lao động phải được đào tạo lại và nâng cao kỹ năng.

8. Giá dầu liên tục đảo chiều

Nếu chỉ nhìn vào giá dầu thô khởi đầu năm (giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 77,04 USD/thùng ngày 1/1/2024) và những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 sẽ không thấy nhiều sự khác biệt (giá dầu thô Brent dao động quanh 73 USD/thùng; giá dầu WTI ở mức khoảng 70 USD/thùng). Tuy nhiên, biến động trong năm qua vẫn rất đáng chú ý khi giá dầu liên tục đảo chiều lên xuống và rất nhiều phiên ghi nhận sự quay đầu tăng - giảm rất mạnh ngay trong phiên. Trong khi nguồn cung ổn định và nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng chậm là những yếu tố giúp cho giá dầu tương đối ổn định thì căng thẳng địa chính trị và diễn biến xung đột tại Trung Đông là nguyên nhân chính thúc đẩy biến động. Điển hình tuần đầu tháng 4, sau khi Iran thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này có thể lan rộng ra toàn khu vực, gây gián đoạn nguồn cung dầu thế giới. Chỉ trong vòng một tuần, giá dầu thô đã có đến 5 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4, giá dầu WTI ở mức 87 USD/thùng; giá dầu Brent 91,17 USD/thùng. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng một năm qua.

9. BRICS mở rộng

Năm 2024 chứng kiến lần mở rộng mang tính bước ngoặt của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), với việc kết nạp thêm Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bên cạnh đó, quy chế “quốc gia đối tác” cũng đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 vào tháng 10/2024 tại Kazan, Nga. Theo đó Nga - quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của nhóm, cho biết có 13 quốc gia mới có thể trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS sau quy chế mới này.

Nhóm BRICS hiện nay đã vượt Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cả về nhân khẩu học (chiếm gần 46% dân số thế giới, so với mức 8,8% của G7) và quy mô GDP (khi chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, so với mức 30% của G7). Mặc dù việc tạo ra một đồng tiền chung của BRICS dường như không khả thi nhưng khối này đã thảo luận về BRICS Clear - sáng kiến do Nga đề xuất - trong nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái tài chính độc lập, giảm phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính do phương Tây thống trị.

10. Các nước đang phát triển chật vật trả nợ nước ngoài

Theo báo cáo Nợ Quốc tế công bố ngày 3/12/2024 của WB, các quốc gia đang phát triển đã chi 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023 để trả nợ nước ngoài. Số liệu này phản ánh những áp lực tài chính ngày càng gia tăng sau khi nhiều quốc gia phải vay thêm nợ để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, chỉ riêng khoản thanh toán lãi đã lên tới hơn 400 tỷ USD do lãi suất tăng vọt và đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ. Và giống như hầu hết các cú sốc khác, các quốc gia nghèo nhất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nền kinh tế thu nhập thấp đủ điều kiện tham gia Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA - một tổ chức bộ phận của WB, chuyên hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp) đã chi 96 tỷ USD để trả nợ. Trung bình, các quốc gia IDA phải dành gần 6% doanh thu xuất khẩu của họ để thanh toán khoản lãi suất phải trả cho các chủ nợ - một mức chưa từng thấy trong hơn 25 năm qua. Với một số quốc gia, khoản thanh toán đó lên tới 38% doanh thu xuất khẩu.

Hồng Quân

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/10-van-de-su-kien-kinh-te-the-gioi-nam-2024-160111.html
Zalo