Xuất khẩu quý I là tiền đề để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu cả năm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng tốt trong quý I/2025, tạo tiền đề để toàn ngành hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD của cả năm.

Tăng trưởng trong khó khăn

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng hóa nông nghiệp nói riêng đứng trước nhiều áp lực, thách thức trong bối cảnh tình hình quốc tế liên tục biến động. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì và phát triển xuất khẩu nông sản. “Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là đạt 64-65 tỷ USD xuất khẩu, phấn đấu 70 tỷ USD, và chúng ta tương đối yên tâm do có tiền đề quý 1 này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I đạt hơn 15,7 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại toàn ngành ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD.

Trong cơ cấu xuất khẩu, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có những mặt hàng nông sản tăng về sản lượng nhưng giảm về giá trị; có những mặt hàng giảm về sản lượng nhưng tăng giá trị; đặc biệt có những mặt hàng tăng cả về giá trị và sản lượng.

Ví dụ với mặt hàng gạo, quý I/2025 xuất khẩu đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong khi đó với mặt hàng cà phê, quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu 509,5 nghìn tấn và thu về 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng tăng 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng tới 71,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025

Kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025

Mềm dẻo, bình tĩnh ứng phó với các thay đổi

Trong thời gian tới, tình hình thế giới dự kiến còn nhiều biến động. Để đối phó với những thay đổi này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, mềm dẻo, trong đó có việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng đã làm việc với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực và tìm ra các giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa giá trị các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam.

“Ví dụ với một số nông sản Mỹ nhập vào Việt Nam, khối lượng không quá lớn, chúng ta sẽ chủ động cân đối lại thuế nhập khẩu để sản lượng nông sản Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn, đảm bảo hài hòa kim ngạch hai chiều, hài hòa lợi ích của cả hai quốc gia”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ - nhóm hàng nông nghiệp được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sắc thuế mới của Mỹ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các thành viên trong hiệp hội đều xác định tinh thần "không bi lụy, than khóc" và "phải can trường". Bên cạnh việc chờ Chính phủ đứng ra đàm phán để Mỹ xem xét giảm bớt rào cản thương mại, ông Hoài nhìn nhận biến động lần này là cơ hội để doanh nghiệp gỗ nhìn lại những thị trường tiềm năng, dường như đang bị "bỏ quên" như Nhật Bản (hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu viên nén, dăm gỗ sang quốc gia này), hay Trung Quốc (dăm gỗ).

“Nếu tích cực liên kết với đối tác từ những quốc gia này, ngành gỗ có thể tạo thêm dư địa”, ông Hoài đánh giá.

Về lâu dài, đại diện Hiệp hội gỗ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sang Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và Việt Nam có nhiều cơ hội, bởi nhu cầu về sản phẩm gỗ tại Mỹ rất lớn, ví như tủ gỗ Việt Nam chiếm hơn 30% thị trường Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ miễn thuế với một số mặt hàng đạt tỷ lệ nhất định về nội địa hóa, hoặc có nguyên liệu xuất xứ từ Mỹ. Nên theo ông, các doanh nghiệp có thể cân đối khả năng, nhập nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, chế biến, rồi xuất khẩu ngược lại, để hưởng ưu đãi về thuế.

Cùng chung thái độ bình tĩnh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp không nên quá hoang mang vì chưa chắc Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ. Có khả năng họ sẽ lựa chọn những mặt hàng đang xuất siêu hoặc nghi ngờ có xuất xứ nguyên liệu từ nước thứ ba như hàng điện tử, thép, nhôm, năng lượng tái tạo, dệt may, giày dép,…

Với mặt hàng rau quả, nhóm ngành mà Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên có thể ngành hoa quả sẽ không bị áp mức thuế 46%. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.

Tuy nhiên, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, ông Nguyên khuyên các doanh nghiệp rau quả phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất, đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xuat-khau-quy-i-la-tien-de-de-nganh-nong-nghiep-hoan-thanh-muc-tieu-ca-nam-d262460.html
Zalo