Kỳ vọng mức thuế đối ứng thấp nhất với nông sản Việt

Nông sản Việt không cạnh tranh trực tiếp với nông sản của Hoa Kỳ, hơn nữa thị phần nông sản Việt tại Hoa Kỳ vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt có niềm tin trong các vòng đàm phán sắp tới giữa hai Chính phủ Việt Nam – Hoa Kỳ, các sản phẩm nông sản sẽ được xem xét với mức thuế đối ứng thấp nhất.

Phân loại nhân hạt điều tại nhà máy của Công ty TNHH Nguyên Thông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phân loại nhân hạt điều tại nhà máy của Công ty TNHH Nguyên Thông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng tưởng xuất khẩu nhanh nhất của ngành nông nghiệp vài năm trở lại đây, rau quả Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khiến các doanh nghiệp rất bất ngờ.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhóm rau quả đang nghiêng về phía Hoa Kỳ. Theo đó, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ 360 triệu USD nhưng nhập từ Hoa Kỳ tới 540 triệu USD. Xét về thị phần, hiện nay rau quả nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả hàng năm của Hoa Kỳ. Trong khi đó, sản phẩm của Hoa Kỳ đang chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy tác động của mặt hàng rau quả Việt Nam lên thị trường Hoa Kỳ không đáng kể. Trong khi đó, rau quả Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, các chủng loại rau quả Việt Nam và Hoa Kỳ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Trong khi Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ các loại rau quả nhiệt đới thì ngược lại sản phẩm của Hoa Kỳ chủ yếu là ôn đới. Tiềm năng và dư địa để hai bên tiếp tục thúc đẩy thương mại nhóm sản phẩm này vẫn còn lớn. Mặc dù đến ngày 9/4 mới biết mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng, nhưng ngành rau quả vẫn hy vọng mức thuế đối ứng nếu có sẽ thấp hơn những mặt hàng có thâm hụt thương mại lớn.

Hạt điều là một trong những loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ khá lớn và cũng là mặt hàng có ưu thế xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam. Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng Giám đốc Công ty Long Sơn, cho biết, doanh nghiệp rất lo lắng và bị động bởi thông báo của phía Hoa Kỳ quá bất ngờ. Năm 2024, khi xuất khẩu điều lần đầu vượt qua mốc 4 tỷ USD, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 20% thị phần. Trong bối cảnh này, nếu Hoa Kỳ đánh thuế đối ứng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến - xuất khẩu của ngành điều.

Sau khi nhận thông tin về chính sách thuế đối ứng, các doanh nghiệp điều đã liên hệ với khách hàng tại Hoa Kỳ, thông báo về kế hoạch giao hàng để xem phản ứng của họ. Tuy nhiên câu trả lời của khách hàng đến hiện tại vẫn chưa rõ ràng, một số nhà nhập khẩu đặt điều kiện nếu doanh nghiệp Việt Nam mở tờ khai hải quan, đưa hàng lên tàu trước ngày 9/4 thì có thể giao. Một số khách khác cần thêm thời gian để có thông tin cụ thể hơn mới đưa ra quyết định.

Theo ông Vũ Thái Sơn, cả bên bán và bên mua đều phải chờ thêm, nghe ngóng thông tin nhưng thị trường điều nhân và điều thô đều đã phản ứng theo hướng giảm giá. Nếu bị áp thuế đối ứng cao, doanh nghiệp xuất khẩu điều cũng không thể ngay lập tức chuyển hướng đi thị trường khác bởi hầu hết doanh nghiệp chế biến điều đều có quy mô vừa mà nhỏ. Hoa Kỳ không chỉ có quy mô thị trường lớn mà các yêu cầu về chất lượng cũng rất phù hợp với năng lực chế biến điều nhân của Việt Nam.

"Với kinh nghiệm làm việc với các đối tác Hoa Kỳ nhiều năm, tôi được biết tại quốc gia này, hạt điều được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu cùng với thịt gà và trứng; thuế nhập khẩu, thuế bán lẻ hạt điều đều đang ở mức 0%. Thêm vào đó, mục tiêu của Tổng thống Donald Trump khi đánh thuế đối ứng là nhằm giảm thâm hụt thương mại nhưng vẫn muốn kiểm soát lạm phát, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, ngành điều sẽ có lợi thế nhất định, nếu bị áp thuế đối ứng cũng sẽ thấp hơn nhiều so với mức thuế chung", ông Vũ Thái Sơn bày tỏ lạc quan.

Song, để đáp ứng mục tiêu "có đi có lại" của chính quyền Hoa Kỳ, ông Vũ Thái Sơn đề xuất, trong quá trình đàm phán tới đây Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng một cách khéo léo bằng việc giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại hạt của Hoa Kỳ như hạnh nhân, hạt dẻ cười,… Trước có, các loại hạt này có thuế nhập khẩu là 15%, đến tháng 3 vừa qua đã giảm xuống 5%, bây giờ có thể về 0%. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng các loại hạt này tại Việt Nam không nhiều, cũng không ảnh hưởng trực tiếp ngành hạt điều.

Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, việc đưa ra mức thuế đối ứng cao có thể là một cách mà chính quyền Trump tạo áp lực để các quốc gia nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, đưa ra lộ trình rõ ràng trong việc cân bằng thương mại với Hoa Kỳ.

Trong tình thế gấp rút như hiện nay, đàm phán là chìa khóa then chốt tháo gỡ thách thức. Với mục tiêu hướng tới hài hòa lợi ích của hai quốc gia, Việt Nam phải có giải pháp song hành, thể hiện thiện chí cả trên bàn đàm phán và trên thực tế. Chẳng hạn như miễn thuế, giảm thuế tối huệ quốc đối với một số mặt hàng của Hoa Kỳ. Thuế tối huệ quốc trung bình hiện nay từ 9,4 - 9,7%, chúng ta có thể giảm thêm. Một số mặt hàng khác như nông sản, các sản phẩm ôn đới của Hoa Kỳ có nhiều dư địa để cắt giảm thêm thuế vì nó không hoàn toàn cạnh tranh với nông sản Việt Nam. Ngoài ra có những sản phẩm có giá cao của Hoa Kỳ chỉ phục vụ một phân khúc khách hàng nhất định.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, việc giảm thuế các mặt hàng của Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính sách; cho thấy tinh thần hợp tác, nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm chênh lệch cán cân thương mại. Một vấn đề khác mà chính quyền Trump lo ngại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là nguồn gốc xuất xứ và chuyển tải hàng hóa. Do đó, quá trình đám phán tới đây, Chính phủ Việt Nam cần thể hiện rõ thiện chí minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ và dữ liệu thương mại. Đàm phán thuế đối ứng gắn với lộ trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ với mục tiêu đưa quan hệ thương mại, đầu tư lên một tầm cao, cân bằng, bền vững hơn theo quan điểm và nhận thức mới của chính quyền hai nước.

"Song song với việc đàm phán để giải quyết vấn đề trước mắt, chúng ta phải có chiến lược ứng phó lâu dài với các hình thức khác nhau. Đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu, tăng mua sản phẩm của Hoa Kỳ để nâng cấp công nghệ là sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Không chỉ tạo nên thế cân bằng hơn trong thương mại với Hoa Kỳ, đây còn là cơ hội, động lực để Việt Nam nâng cấp, loại bỏ dần các công nghệ cũ, lạc hậu. Xa hơn, khi trình độ công nghệ của Việt Nam cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn sẽ dễ dàng tiếp cận các thị trường khác, giảm sự phụ thuộc vào một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện điều này phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ", Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu giải pháp.

Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ky-vong-muc-thue-doi-ung-thap-nhat-voi-nong-san-viet-20250405152854851.htm
Zalo