Kỳ vọng Việt Nam và Mỹ tìm được giải pháp tối ưu, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng tới mục tiêu giảm thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa của hai nước về 0 đem đến nhiều kỳ vọng với cộng đồng doanh nghiệp.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:

Mang đến kỳ vọng về khả năng giảm thuế của Mỹ

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự quan tâm và trọng thị cao của Việt Nam đối với vấn đề này. Đây là một động thái quan trọng của cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Đây cũng là cách xử lý linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với xu hướng chung của thế giới trước chính sách thuế mới của Mỹ. Việt Nam không chọn cách "rắn" như một số nước mà thực hiện xu hướng "mềm" hơn, đề nghị tạm dừng và đàm phán để tìm giải pháp hài hòa cho cả hai bên. Đây là cách ứng xử phù hợp với vị thế và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.

Cuộc điện đàm tạo kỳ vọng về khả năng điều chỉnh, giảm thuế của Mỹ nếu Việt Nam và các đối tác thương lượng có những cam kết “có đi có lại” đem đến lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt là Mỹ. Điều này sẽ mang lại sự yên tâm và tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng.

Cuộc điện đàm được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề tốt cho chuyến thăm sắp tới của lãnh đạo Việt Nam sang Mỹ, qua đó có thể đàm phán cụ thể hơn về các vấn đề liên quan, cải thiện mối quan hệ giữa hai bên trong xu hướng đang tốt đẹp hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Quốc Phương:

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Quốc Phương:

Bước tiến lớn về ngoại giao

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp điện đàm tới Tổng thống Mỹ về việc giảm thuế về 0, chỉ sau chưa đầy 48 giờ kể từ khi Mỹ áp thuế, cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của lãnh đạo cấp cao nhất nước ta.

Điều này cũng thể hiện sự linh hoạt và tính chủ động, một bước tiến lớn trong chính sách của Việt Nam, phù hợp với cách điều hành hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump, để tìm ra tiếng nói chung.

Điều này cũng thể hiện sự coi trọng mối quan hệ và nỗ lực ngoại giao của Việt Nam với Mỹ. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị giảm thuế về 0 với hàng hóa xuất – nhập khẩu của hai bên, chỉ sau Israel, cho thấy sự uyển chuyển của lãnh đạo nước ta.

Tuy nhiên, phía Mỹ còn đưa ra nhiều yêu cầu khác, nhất là liên quan tới chính sách phi thuế quan, do đó tới đây chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, nếu muốn Mỹ hạ thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Đó là việc cam kết mua hàng hóa từ Mỹ trong ngắn hạn và dài hạn, qua đó cân bằng kim ngạch thương mại hai nước. Hàng hóa Việt Nam cần nhập khẩu là các sản phẩm khoa học, công nghệ, các nhóm hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao…

Trong lúc này, chúng ta cần phải cân bằng giữa các yêu cầu của Mỹ và lợi ích quốc gia, đồng thời tìm cách đạt được thỏa thuận tốt nhất. Theo tôi, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh và khả năng chịu đựng hơn nữa của doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nghiên cứu viên, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và công nghệ Hàn Quốc – ASEAN (Hàn Quốc), Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc:

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nghiên cứu viên, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và công nghệ Hàn Quốc – ASEAN (Hàn Quốc), Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc:

Xây dựng một trật tự thương mại cân bằng và bền vững

Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh này, phản ứng của Việt Nam không chỉ thể hiện tính kịp thời về mặt chính sách, mà còn thể hiện bản lĩnh “ngoại giao cây tre” – mềm dẻo nhưng kiên cường.

Từ Hàn Quốc, chúng tôi theo dõi thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4-4, cho thấy đây là minh chứng của tinh thần đối thoại cởi mở và thiện chí hợp tác.

Hai bên đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, phù hợp với lợi ích chung.

Việt Nam đã có động thái linh hoạt, phản ứng nhanh khi đề xuất đưa mức thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa từ Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ áp dụng chính sách tương tự. Điều này phản ánh tư duy win-win (cùng thắng), thể hiện cam kết xây dựng một trật tự thương mại cân bằng và bền vững. Chính phủ Việt Nam đã hành động đồng bộ khi Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tạm hoãn thuế trong 1-3 tháng để đàm phán.

Qua đây, Việt Nam cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, như CPTPP, EVFTA, RCEP. Những bước đi này không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường.

Tất cả những hành động này thể hiện bản lĩnh của một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng đối thoại bình đẳng và hướng tới một trật tự thương mại công bằng trong thời đại toàn cầu hóa đầy biến động.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng:

Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng:

Khích lệ niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm thực hiện ngay cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trumpcho thấy động thái rất tích cực, thể hiện sự chủ động và hợp tác của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ trên tinh thần hài hòa lợi ích, có tình có lý, hợp tác cao nhất.

Điều này tạo niềm tin và khích lệ cho cộng đồng doanh nghiệp. Tôi được biết, trên mạng xã hội Tổng thống Mỹ có đánh giá cao việc lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã chủ động và tiên phong trong việc giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.

Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chúng tôi đã sớm chủ động phối hợp với đại điện các hiệp hội doanh nghiệp rau quả của Mỹ để cung cấp thông tin, số liệu tình hình xuất, nhập khẩu rau quả, trong đó nhiều mặt hàng trái cây từ Mỹ đang nhập siêu vào Việt Nam, nhằm có tiếng nói tới chính quyền Mỹ và hỗ trợ cho quá trình đàm phán của Chính phủ Việt Nam.

Tôi cũng hy vọng thời gian tới nếu chưa thể giảm thuế ngay với tất cả các ngành thì có thể thực hiện đàm phán với từng ngành. Ngay cả trong trường hợp Mỹ tạm dừng áp thuế với hàng hóa Việt Nam cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn này.

Với tinh thần hợp tác, cùng có lợi, tôi tin tưởng Việt Nam và Mỹ sẽ tìm được những giải pháp tối ưu, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Tiến sỹ Mạc Quốc Anh:

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Tiến sỹ Mạc Quốc Anh:

Doanh nghiệp không dừng lại ở việc “chờ” cơ hội

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tối 4-4 tuy ngắn gọn nhưng là tín hiệu tích cực, cho thấy lãnh đạo hai nước đã sẵn sàng trao đổi những vấn đề cốt lõi liên quan đến hợp tác kinh tế và thương mại.

Nhiều doanh nghiệp đã đón nhận thông tin về cuộc điện đàm với sự thận trọng xen lẫn hy vọng. Họ mong rằng, trong cuộc trao đổi, phía Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tháo gỡ rào cản thương mại và tạo ra hành lang thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm chiến lược của các cường quốc, vai trò của Việt Nam ngày càng được đề cao. Về phía Hiệp hội, chúng tôi lạc quan rằng mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế tình hình kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất định, như lạm phát, lãi suất cao, xung đột địa chính trị, cũng như khả năng Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.

Sự bền vững và minh bạch của chuỗi cung ứng cũng sẽ là yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía Mỹ. Vì thế, để nắm bắt cơ hội, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc “chờ” các cơ hội đến từ hợp tác cấp cao, mà cần chủ động tự hoàn thiện mô hình quản trị, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội một lần nữa khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, làm cầu nối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, liên tục cung cấp thông tin và giải pháp, qua đó góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm mạnh mẽ từ cả hai phía, cùng những động lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường Mỹ sẽ sớm được củng cố theo hướng bền vững, minh bạch, và đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Nhóm phóng viên thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-vong-viet-nam-va-my-tim-duoc-giai-phap-toi-uu-gop-phan-thuc-day-quan-he-kinh-te-thuong-mai-698012.html
Zalo