Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô: Tiềm năng lớn

Kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam đang có xu hướng tăng dần. Nhiều dự báo cho thấy, 2025 tiếp tục là một năm khởi sắc khi mà xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô hứa hẹn là ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao trong số các nhóm ngành tỷ USD của Việt Nam.

Nhiều dư địa phát triển

Thống kê của Tổng cục Hải quan chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của Việt Nam giữ được nhịp độ tăng trưởng hai con số những năm gần đây. Đây là kết quả của quá trình chuyển dịch sản xuất từ các thị trường lớn như Trung Quốc sang các thị trường nhỏ hơn nhưng có tiềm năng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng đang bắt nhịp với nhu cầu sản xuất quy mô lớn và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ trong 11 tháng của năm 2024, nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,76 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước (12,01 tỷ USD), năm nay kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn giữ đà tăng trưởng dương, tỷ lệ tăng trưởng gần 13%.

Sản xuất lắp ráp linh kiện, phụ tùng ô tô tại Nhà máy Thaco Chu Lai.

Sản xuất lắp ráp linh kiện, phụ tùng ô tô tại Nhà máy Thaco Chu Lai.

Theo chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các DN của Việt Nam có thế mạnh lớn trong sản xuất dây điện cho ô tô và thực tế đang là quốc gia xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mặt hàng này, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 350 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong số đó chiếm trên 60% là các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô (214)… Việt Nam là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều cường quốc sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức… Thông thường, giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam gấp 1,5 - 2 lần giá trị nhập khẩu linh kiện ô tô mà các DN Việt nhập về.

Xét theo thị trường nhập khẩu phụ tùng linh kiện của Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn nhất. Thị trường này chiếm gần 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, kim ngạch đạt 2,46 tỷ USD nhập khẩu linh kiện phụ tùng, chiếm tỷ trọng 22% tổng kim ngạch...

Hiện các trung tâm ô tô lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU và ngay cả Thái Lan cũng đang nhập khẩu dây cáp điện ô tô từ Việt Nam, khẳng định vị thế mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dư địa thị trường để phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu linh kiện đối với các DN Việt là khá tiềm năng nếu như DN biết nắm bắt các cơ hội. Trong tương lai, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ là ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao trong số các nhóm ngành tỉ USD ở Việt Nam.

Cần thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp

Để nâng cao năng lực xuất khẩu linh kiện ô tô, cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ FTA, nhiều ý kiến cho rằng cần liên kết, kết nối các DN với nhau và với các DN lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường. Dù vậy, theo các chuyên gia, năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội lớn đối với nhóm ngành linh kiện, phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.

TS Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho biết, định hướng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2030: Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên cơ sở bảo đảm về mục tiêu, hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội; hướng mục tiêu tới việc tiếp cận và chủ động về công nghệ sản xuất các chi tiết máy; đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh, tăng cường khả năng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, có giá trị xuất khẩu lớn.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) để xuất khẩu các mặt hàng linh phụ kiện ô tô cần thêm những chính sách khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung, DN công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng. Trong đó, việc tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm và tham gia vào chuỗi giá trị với các sản phẩm lợi thế, đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô.

Theo hoạch địch của Bộ Công thương, đến năm 2045, ngành này sẽ tập trung vào sản xuất xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh. Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD. Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có thể vượt mục tiêu này sớm hơn 5 năm, do tốc độ tăng trưởng hai con số của lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng những năm gần đây.

Nam Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xuat-khau-linh-kien-phu-tung-o-to-tiem-nang-lon-10299882.html
Zalo