Xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 140,3 tỷ USD, máy vi tính, linh kiện dẫn đầu
Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam đạt 140,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục dẫn đầu với giá trị 29,3 tỷ USD. Các nhóm ngành khác như dệt may, giày dép và thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 74,31 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước, tương ứng giảm 1,06 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,44 tỷ USD, giảm 2,8% và nhập khẩu đạt 36,87 tỷ USD, giữ nguyên so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% và nhập khẩu đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4 ghi nhận mức thặng dư 570 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế 4 tháng đầu năm, mức thặng dư thương mại chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm mạnh 58,2% so với con số 9,05 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm đạt 184,38 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 99,09 tỷ USD, tăng 11,4% và nhập khẩu đạt 85,29 tỷ USD, tăng 17,1%. Khối doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 92,51 tỷ USD, tăng 19,2%. Xuất khẩu của nhóm này đạt 41,25 tỷ USD, tăng 16,8% và nhập khẩu đạt 51,26 tỷ USD, tăng 21,1%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,41 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 25,1% và chiếm 31% tổng trị giá xuất khẩu. EU (27 nước) đạt 18,44 tỷ USD, tăng 13%. Trung Quốc đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,1%. Thị trường ASEAN đạt 12,42 tỷ USD, tăng 3,2%, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt đạt 8,98 tỷ USD và 8,47 tỷ USD, tăng lần lượt 9% và 12,1%.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,16 tỷ USD, tăng mạnh 26,5% và chiếm tới 39% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Hàn Quốc đứng thứ hai với 18,48 tỷ USD, tăng 9,4%. Tiếp theo là ASEAN với 17,87 tỷ USD, tăng 18,3%; Đài Loan đạt 9,31 tỷ USD, tăng 41%; Hoa Kỳ đạt 5,67 tỷ USD, tăng 25,7%. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Achentina đạt 1,13 tỷ USD, tăng mạnh 40,4%.

Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 tổng xuất khẩu của Việt Nam
Máy vi tính, linh kiện dẫn đầu xuất khẩu
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm có sự biến động rõ rệt. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu cao nhất với 29,26 tỷ USD trong 4 tháng, chiếm 21% tổng trị giá xuất khẩu và tăng tới 36,2% so với cùng kỳ. Các thị trường tiêu thụ chính của nhóm hàng này gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hồng Kông và Hàn Quốc. Ngược lại, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện lại ghi nhận mức giảm 1,9% về trị giá, đạt 17,8 tỷ USD. Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 17,09 tỷ USD, tăng 16,1%; hàng dệt may đạt 11,76 tỷ USD, tăng 12,8%; giày dép các loại đạt 7,6 tỷ USD, tăng 14,5%; đồ chơi, dụng cụ thể thao đạt 1,77 tỷ USD, tăng mạnh 83,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,39 tỷ USD, tăng 9,7%; thủy sản đạt 3,21 tỷ USD, tăng 18,3%.
Xuất khẩu gạo đạt 3,43 triệu tấn trong 4 tháng, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về trị giá do đơn giá xuất khẩu bình quân giảm gần 20%. Gạo chủ yếu được xuất khẩu sang ASEAN và Bờ Biển Ngà.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 42,88 tỷ USD trong 4 tháng, tăng 35,4%, chiếm phần lớn mức tăng nhập khẩu toàn quốc. Các thị trường cung cấp chủ yếu gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Nhập khẩu máy móc, thiết bị đạt 17,58 tỷ USD, tăng 24,3%, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 60%. Mặt hàng sắt thép đạt 3,61 tỷ USD, giảm 7,1%; kim loại thường đạt 4,87 tỷ USD, tăng 33,1%; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm đạt 5,25 tỷ USD, tăng 18,9%.
Nhập khẩu nguyên nhiên liệu (gồm than, dầu thô, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng) trong 4 tháng đầu năm đạt 33,58 triệu tấn, trị giá 8,28 tỷ USD, giảm gần 10% do giá nhập khẩu giảm dù lượng tăng. Trong đó, than đạt 24,44 triệu tấn, tăng 18%; dầu thô đạt 4,95 triệu tấn, tăng 11,6%; khí đốt hóa lỏng đạt gần 1 triệu tấn, giảm nhẹ. Các thị trường cung cấp chính gồm Indonesia, Australia và Kuwait.
Cuối cùng, nhóm hàng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đạt 9,19 tỷ USD trong 4 tháng, tăng 8,4%. Trong đó, vải đạt 4,87 tỷ USD và nguyên phụ liệu đạt 2,34 tỷ USD. Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 64.995 chiếc, tăng mạnh 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường cung cấp chính gồm Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.