Đồng bằng sông Cửu Long: Huy động đầu tư để phát triển bền vững

'Thiếu đầu tư và đầu tư kém hiệu quả khiến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tụt hậu' là một thông điệp quan trọng trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024*.

Đồng bằng cống hiến

Kinh tế ĐBSCL năm 2024 tiếp tục khởi sắc. Chỉ số công nghiệp tăng trưởng 12,2%, gấp rưỡi bình quân cả nước. Tổng mức thương mại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng còn ấn tượng hơn, đạt 14,5%, gấp 1,7 lần. Hai ngành không phải là thế mạnh của ĐBSCL đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 7,3% của vùng, cao hơn GDP quốc gia (7,09%). Điều này hàm ý rằng đồng bằng có cơ hội bắt kịp cả nước nếu duy trì nhịp độ tăng trưởng cao hơn nữa trong dài hạn.

Không gian cải thiện năng suất của đồng bằng còn rất lớn. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Không gian cải thiện năng suất của đồng bằng còn rất lớn. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Tăng trưởng phụ thuộc vào cải thiện năng suất. Năng suất của đồng bằng hiện tương đương 2/3 mức chung. Điều đáng lo ngại là năng suất nông nghiệp, thế mạnh của ĐBSCL đã bị khu vực Đồng bằng sông Hồng bám sát. Năng suất thấp khiến ĐBSCL tụt hậu. Tuy nhiên, không gian cải thiện năng suất của đồng bằng còn rất lớn, TS Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - nhìn từ khía cạnh tích cực.

Do tỷ lệ di cư thuần cao, ĐBSCL là khu vực có tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước. Lực lượng lao động này gánh vác nhiệm vụ an ninh lương thực thông qua quy hoạch đất lúa, chiếm 41,2% diện tích cả nước, tương đương 47,% diện tích đất nông nghiệp của đồng bằng. Cho phép chuyển đổi một phần đất lúa sang mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn thúc đẩy tăng trưởng năng suất.

Gợi ý chính sách này không mới, hoàn toàn nằm trong tầm tay của lãnh đạo quốc gia. Bị hạn chế về nhiều mặt nhưng vựa nông sản quốc gia những năm qua đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại. Năm 2024, 17 triệu dân ĐBSCL xuất khẩu 28 tỉ USD, xuất siêu 14 tỉ USD, tương đương 58% cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn chưa được đầu tư tương xứng.

Bị hạn chế về nhiều mặt nhưng vựa nông sản quốc gia những năm qua đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại. Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Bị hạn chế về nhiều mặt nhưng vựa nông sản quốc gia những năm qua đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại. Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Chắt chiu nguồn lực

Đầu tư toàn xã hội của ĐBSCL đứng thứ 4/6 vùng kinh tế từ 2010 trở lại đây. Đầu tư công đóng vai trò nền tảng, bởi hiệu quả của nguồn lực ngân sách là cơ sở để thu hút đầu tư tư nhân. Tổng vốn đầu tư cho các dự án thuộc nhóm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021-2025 là hơn 531 ngàn tỉ đồng, tức hơn 100 ngàn tỉ đồng/năm, tương đương 1/3 vốn đầu tư toàn xã hội hằng năm của vùng giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2026-2030 gần 900 ngàn tỉ đồng.

Theo quy hoạch tích hợp, chỉ khoảng 21% tổng vốn đầu tư dự kiến đến từ nguồn vốn ngân sách, nghĩa là phần còn lại huy động từ nguồn khác, chủ yếu từ đầu tư tư nhân.

Nông nghiệp là thế mạnh nổi trội, đóng góp 31% GRDP của vùng nhưng đóng góp thực tế lớn hơn bởi sản phẩm nông nghiệp là đầu vào của công nghệ chế biến - chế tạo và dịch vụ, thúc đẩy hai khu vực này phát triển. Năm 2023, tổng vốn đầu tư ngành nông nghiệp tại ĐBSCL là 36 ngàn tỉ đồng trong đó ngân sách chi 15 ngàn tỉ đồng. Nguồn lực ngân sách khiêm tốn đòi hỏi phân bổ hợp lý. Đáng tiếc là danh mục dự án cấp vùng (theo quy hoạch) thiếu hạng mục dự án nghiên cứu giống. Bất cập nghiêm trọng này tồn đọng đã nhiều năm. Cái thiếu thứ hai là hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, vốn là điều kiện then chốt để ĐBSCL chuyển đổi số, nâng cao năng suất.

Hệ số ICOR (đo mức độ đầu tư cần thiết để tạo thêm một đơn vị tăng trưởng) giai đoạn 2001-2013 của đồng bằng là 3,1. Mười năm trở lại đây hiệu quả đầu tư còn kém hơn khi ICOR tăng lên 3,6 theo một nghiên cứu của TS Bùi Trinh từng có nhiều năm làm việc tại Tổng cục Thống kê.

Vẻ đẹp hoàng hôn trên ‘cánh đồng điện gió’ ở Bạc Liêu. Ảnh: Vietnam+

Vẻ đẹp hoàng hôn trên ‘cánh đồng điện gió’ ở Bạc Liêu. Ảnh: Vietnam+

Bên cạnh nông nghiệp, đồng bằng còn nổi trội về năng lượng. Đầu tư vào năng lượng tăng vọt năm 2019, lập đỉnh năm 2021 và suy giảm theo đà chung của cả nước trong 2022-2023. Mặc dù vậy, ĐBSCL vẫn vững vàng vị trí thứ 3 trong 6 vùng kinh tế. Về cơ cấu, giai đoạn đầu nguồn vốn chủ yếu đến từ khu vực nhà nước, tiếp đến là FDI và lớn nhất là tư nhân trong nước.

Đáng chú ý là đa số đầu tư mới chảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điện gió, điện mặt trời hiện chiếm 17% tổng công suất điện của vùng, bên cạnh tiềm năng rất lớn về điện sinh khối, điện rác chưa tận dụng. Năng lượng tái tạo kết hợp với công nghiệp xanh là hướng đi thay đổi diện mạo của đồng bằng. Theo nhóm nghiên cứu, tiêu chuẩn thế giới có thể có những bước lùi chỉ là tạm thời nhưng về dài hạn, phát triển xanh và bền vững là quy luật tất yếu của nhân loại.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Trong bối cảnh vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng giảm do Việt Nam đang tiến gần đến nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao, đầu tư công hạn chế, ĐBSCL cần chính sách thu hút đầu từ khu vực ngoài nhà nước gồm FDI và đặc biệt là đầu tư tư nhân.

Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập của người dân ĐBSCL đến từ nông nghiệp năm 2022 giảm còn 29% so với 67% năm 2010, đồng thời số lao động có thu nhập từ tiền lương trong 10 năm qua đã tăng từ 31% lên 66%. Điều này hàm ý rằng người dân đồng bằng đã tìm được cơ hội kinh tế ngoài nông nghiệp, ổn định hơn, và chịu tác động trực tiếp ít hơn từ biến đổi khí hậu. Thực chất là tái cấu trúc kinh tế ở mức độ sâu nhất.

Dẫu quan trọng nhưng FDI vẫn là ngoại lực. Đầu tư tư nhân mới là nội lực của nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát 153 doanh nghiệp (chọn mẫu có tính đại diện) hoạt động ở ĐBSCL về dự định đầu tư mở rộng so với quy mô tài sản hiện tại trong 5 năm tới. Kết quả ghi nhận 32% doanh nghiệp không có ý định đầu tư mở rộng; 11,1% chuyển hướng sang những địa bàn khác như Đông Nam bộ; và 56,9% ý định đầu tư mở rộng ở ĐBSCL.

Mặc dù ĐBSCL kém hấp dẫn nhưng gần 60% trong mẫu nghiên cứu có mong muốn đầu tư mở rộng ở vùng châu thổ là thông điệp quan trọng. Mức độ đầu tư trong nhóm này cũng có sự phân hóa: 68% đầu tư mở rộng ở mức dưới 25% so với quy mô hiện tại; 20% dự định đầu tư mở rộng từ 25% đến 50%; 6% trên 50% đến 75%; 1% trên 75% đến 100% và 6% trên 100% quy mô hiện tại.

Lĩnh vực đầu tư mở rộng dự án mới chỉ chiếm 12,6% cho thấy tâm lý thận trọng. Đáng mừng là đa phần tập trung vào hoạt động đầu tư nâng cấp, thay thế máy móc thiết bị và phần mềm quản lý (cùng 26,4%); nghiên cứu phát triển (33,3%); hướng đến cải thiện năng suất. Lực lượng kinh tế trụ cột này đang bị kiềm hãm tiềm năng phát triển.

Cảng Quốc tế Long An được Dongtam Group đầu tư số tiền hơn 500 triệu USD (gồm: hạ tầng kỹ thuật bài bản, công trình kho, bãi lên đến 1 triệu m2, các phương tiện vận tải hùng hậu...).

Sau 5 - 6 năm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), hiện nay CPI của ĐBSCL (ngoại trừ Long An đứng hạng 3 năm 2024) đã rơi xuống nhóm trung bình. Đành rằng CPI không phải “cây đũa thần”. Môi trường kinh doanh tốt chưa bảo đảm thu hút đầu tư. Nhưng vùng trũng mà môi trường kinh doanh lại kém thân thiện thì… trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá trách nhiệm của các sở, ngành.

Mặt khác, thay vì chờ đợi chuyển biến từ trung ương, chính quyền địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư vào hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu và hạ tầng số. Đây là điều kiện cơ bản để chuyển đổi số toàn diện, nâng cao năng suất.

Đồng bằng không thiếu tiềm năng. Đồng bằng thiếu đầu tư và đầu tư hiệu quả.

Khuê Anh

____________________

*Ấn phẩm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dong-bang-song-cuu-long-huy-dong-dau-tu-de-phat-trien-ben-vung-48323.html
Zalo