Đòn bẩy cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã góp phần thay đổi diện mạo vùng ĐBDTTS và miền núi, đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo.

Theo ông Võ Nam Thắng - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, hiện nay, Khánh Hòa có hơn 82.000 người DTTS, chiếm gần 6% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglai chiếm hơn 77%; cư trú tập trung ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, Ban Cán sự UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 33 quyết định, 10 kế hoạch và rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, tỉnh đã ban hành những nghị quyết đặc thù cho phép các địa phương sử dụng ngân sách và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ trực tiếp cho Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 09, chương trình đã huy động được nguồn lực rất lớn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình đạt hơn 790 tỷ đồng, trong đó 85% từ nguồn ngân sách trung ương.

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo năm 2025.

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo năm 2025.

Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng ĐBDTTS và miền núi trên toàn tỉnh. Đến nay, thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,14 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm bình quân 7,2%/năm; đã xóa được hơn 1.130 căn nhà tạm, nhà dột nát; 171 công trình dân sinh được xây dựng, nâng cấp. Đáng chú ý, hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài. Các công trình y tế, trường học, nhà văn hóa được sửa chữa, nâng cấp; hơn 27 trạm y tế được đầu tư mới hoặc nâng cấp; tỷ lệ học sinh DTTS tiểu học đến lớp đạt 100%, THCS đạt 99,3%, mẫu giáo 5 tuổi gần như tuyệt đối.

Đặc biệt, chương trình đã góp phần giúp 2 huyện miền núi thay da đổi thịt, thoát khỏi huyện nghèo. Khánh Sơn từng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 47% vào năm 2021. Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và sự vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm nhanh. Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, đến cuối năm 2024, huyện chỉ còn hơn 1.620 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,17%. Với sự quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến cuối năm 2024, huyện Khánh Vĩnh còn 1.632 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,77% (giảm được 3.199 hộ nghèo so với thời điểm cuối năm 2021). Hai huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2025.

Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về tư duy phát triển của người dân miền núi. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân đã tự chủ vươn lên, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển mô hình sản xuất mới, từng bước thoát nghèo bền vững. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP, vùng trồng VietGAP, mô hình trang trại, hợp tác xã kiểu mới... đang dần hình thành và mở rộng. Đến nay, các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh đã xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng trồng sầu riêng ở Khánh Sơn 2.924ha, vùng trồng bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh khoảng 600ha. Huyện Khánh Vĩnh có 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao trở lên; huyện Khánh Sơn có 34 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, đã có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ ĐBDTTS sản xuất giỏi có thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm, nhất là mô hình trồng sầu riêng ở Khánh Sơn.

Ông Võ Nam Thắng cho biết thêm, từ nguồn đầu tư rất lớn và hiệu quả của Trung ương, tỉnh và địa phương, đến nay, đời sống kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, nhất là các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã có bước phát triển rõ rệt. Chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở, hỗ trợ phát triển sinh kế giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; quốc phòng - an ninh được giữ vững; niềm tin của nhân dân nói chung, ĐBDTTS nói riêng đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường, củng cố. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện đạt 100% mục tiêu Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy đề ra.

Tổng kết giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa đang có cơ hội lớn để xây dựng vùng miền núi phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc. Nghị quyết số 09 không chỉ giúp hai huyện miền núi thoát nghèo mà còn tạo đà phát triển dài hạn, hình thành những vùng động lực mới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển toàn diện tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

MÃ PHƯƠNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202505/don-baycho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thoat-ngheo-e785988/
Zalo