Nâng tầm chính sách, tháo gỡ khó khăn
HNN.VN - Trong giai đoạn 'vừa phục hồi, vừa chuyển đổi' như hiện nay, mọi chính sách đưa ra cần có dự báo rõ ràng, đảm bảo tính khả thi, minh bạch và ổn định. Sự thay đổi 'liên tục nhưng ngắn hạn' khiến bộ máy thực thi rơi vào cảnh bị động.

UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế, ông Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận ở tổ 7 gồm các đoàn: Huế, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kiên Giang. Ảnh: Đoàn ĐBQH TP. Huế cung cấp
Chiều 21/5, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về một loạt dự án luật và nghị quyết quan trọng, trong đó có các nghị quyết liên quan đến nhà ở xã hội (NOXH), khu thương mại tự do, chính sách tài khóa.
Tại tổ thảo luận Đoàn ĐBQH TP. Huế (tổ 7), các đại biểu đã có nhiều ý kiến đáng chú ý, không chỉ phản ánh thực trạng từ địa phương mà còn chạm đến các vấn đề cốt lõi trong hoạch định chính sách vĩ mô.
Khơi thông dòng chảy nhà ở xã hội
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, nhu cầu về NOXH ngày càng cấp thiết, nhất là tại các đô thị loại I như Huế. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế lại gặp nhiều ách tắc, đặc biệt ở khâu tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và quỹ đất sạch.
“Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn là kênh vốn chính nhưng điều kiện giải ngân còn phức tạp, thời gian kéo dài. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư NOXH lại không mặn mà vì biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao”, ông Nam nói.
Từ đó, ông Nam đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần thiết kế cơ chế rõ ràng, cụ thể, khả thi hơn về tiếp cận vốn, đồng thời có chính sách “chủ động dắt vốn” vào lĩnh vực NOXH thay vì chỉ kêu gọi.
Bên cạnh vốn, vướng mắc về đất đai cũng là điểm nghẽn trầm trọng. “Không có đất sạch, không thể có NOXH. Cần có chính sách thực tế để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận quỹ đất. Nếu có cơ chế tốt về đất và vốn, chúng ta hoàn toàn có thể tăng chỉ tiêu phát triển NOXH, đúng định hướng mà Chính phủ và Thủ tướng đặt ra”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Trường Lưu, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo nghị quyết phát triển NOXH, nhất là các quy định cởi mở hơn về quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật.
“Tôi thấy quy định cho phép phê duyệt dự án nếu phù hợp với quy hoạch phân khu là hợp lý, không cần thêm quy hoạch chi tiết. Điều này sẽ rút ngắn thời gian và tránh thủ tục chồng chéo” ông Lưu nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng cảnh báo nếu không quy định cụ thể các nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, hình thức thuê đất, thời hạn sử dụng đất… thì khi triển khai thực tế, địa phương sẽ dễ rơi vào cảnh lúng túng, bị động.
Về mở rộng đối tượng được hưởng chính sách NOXH, ông Lưu cho rằng quy định mới cho phép người lao động có nhà ở nhưng làm việc cách xa trên 30km cũng có thể mua NOXH là rất đúng đắn. “Điều này giúp sắp xếp dân cư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chỗ ở thực tế, nhất là với công nhân, người lao động di cư,” ông Lê Trường Lưu nhận định.
Thuế VAT không thể “bật-tắt” như công tắc điện
Đề cập đến dự thảo Nghị quyết giảm thuế VAT, đại biểu Nguyễn Hải Nam bày tỏ sự đồng thuận với chính sách giảm thuế từ 10% xuống 8% trong giai đoạn từ 1/7/2024 đến 31/12/2026. Tuy nhiên, ông lưu ý, chính sách thuế không nên thay đổi “đứt quãng”.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam bày tỏ sự đồng thuận với chính sách giảm thuế từ 10% xuống 8% trong giai đoạn từ 1/7/2024 đến 31/12/2026. Ảnh: Đoàn ĐBQH TP. Huế cung cấp
“Tại các kỳ họp trước, tôi và nhiều đại biểu đã lo ngại về chính sách chỉ kéo dài 6 tháng, gây khó khăn cho doanh nghiệp và bộ phận kế toán khi cứ phải ‘bật – tắt’ trong thời gian ngắn”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, mặc dù có lo ngại về hụt thu ngân sách, thực tế cho thấy nguồn thu vẫn vượt dự toán. Do đó, việc kéo dài chính sách giảm thuế là hợp lý và cần được duy trì ổn định, có tính chiến lược hơn thay vì “vay mượn” nghị quyết ngắn hạn lặp đi lặp lại.
Ở góc độ hội nhập quốc tế, ông Nam chỉ ra rằng chính sách thuế hợp lý, minh bạch sẽ là lợi thế trong các cuộc đàm phán về thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax). “Mỹ đang áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Nếu họ thấy ta đánh thuế dưới ngưỡng đó thì có thể đánh bù. Trong khi tổng thuế doanh nghiệp ở ta, gồm cả VAT, chỉ khoảng 9,6%”, đại biểu Nguyễn Hải Nam cảnh báo.
Phân tích sâu hơn về tác động của chính sách giảm thuế VAT, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, đây là công cụ hữu hiệu giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng hấp dẫn đầu tư, cả nội địa và FDI; góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tổng cầu nội địa, một trong ba trụ cột chính của chính sách kích cầu; tạo hiệu ứng lan tỏa, đồng bộ khác với việc đầu tư dồn vào một vài ngành hay địa phương; góp phần tạo thuận lợi khi Việt Nam đàm phán các hiệp định thương mại hoặc cơ chế thuế quốc tế mới.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế VAT theo hướng ổn định, minh bạch, có chu kỳ rõ ràng”, ông nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế cho rằng Nghị quyết thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng là vấn đề lớn, cần được xem xét từ nhiều chiều. Ảnh: Đoàn ĐBQH TP. Huế cung cấp
Làm rõ mô hình quản lý khu thương mại tự do
Ngoài các vấn đề về thuế và NOXH, đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng bày tỏ băn khoăn về suất đầu tư dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đang được tính trung bình 350 tỉ đồng/km, cao hơn nhiều tuyến đường có địa hình tương tự. Ông đề nghị phải rà soát lại suất đầu tư, tránh “thổi giá” đầu tư công, gây lãng phí và tạo tiền lệ xấu.
Về dự thảo Nghị quyết thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế cho rằng đây là vấn đề lớn, cần được xem xét từ nhiều chiều, không chỉ kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội và hội nhập quốc tế.
“Chúng ta đang tạo lập một môi trường tự do cho cả trong nước và quốc tế. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng cơ chế quản lý rủi ro, và cơ chế một cửa tại đây phải được thiết kế khác biệt so với ‘một cửa’ hành chính truyền thống,” bà Sửu nói.
Về sử dụng đất trong khu thương mại tự do, dự thảo cho phép “không phụ thuộc quy hoạch sử dụng đất hiện hành”, bà Sửu đặt câu hỏi: “Không lệ thuộc vào quy hoạch thì lệ thuộc vào đâu? Ai chịu trách nhiệm? Quy trình thế nào?” – và đề nghị phải làm rõ để tránh khoảng trống pháp lý.
Bà cũng đề xuất Chính phủ cần xác lập rõ tiêu chí để mở rộng chính sách khu thương mại tự do đến các địa phương khác trong tương lai, tránh tình trạng “xin-cho” không công bằng khi đang có chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.