Xuân về bản Sán Chay
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về bản Huổi Thanh 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để chứng kiến cuộc sống của người Sán Chay nơi đây đang dần thay da đổi thịt.
Từ một địa phương nghèo, các hộ gia đình Sán Chay phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh mà giờ đây bản làng nhỏ giữa thâm sơn này đã chuyển mình mạnh mẽ. Những thửa ruộng màu mỡ, những nương sắn xanh rì cùng những ngôi nhà sàn khang trang đang tỏa khói bếp thơm mùi gạo mới. Và đặc biệt là nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt những người Sán Chay đang hối hả, tấp nập chuẩn bị đón mùa xuân mới đầy ấm áp và niềm vui.
Con đường vào bản Huổi Thanh 1, cách trung tâm xã Nậm Kè khoảng mười hai cây số giờ đây đã khác xưa nhiều. Thay vì con đường mòn ngoằn ngoèo, “nắng bụi mưa lầy”, phần lớn đường vào bản đã được bê tông hóa, phần nhỏ còn lại cũng được mở rộng hơn xưa, uốn lượn mềm mại theo sườn núi. Dù vẫn còn vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, con đường vào Huổi Thanh 1 đã thuận tiện, giúp việc di chuyển của người dân trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Đón chúng tôi ngay từ đầu bản, anh Đặng Văn Néng, Trưởng bản Huổi Thanh 1 hồ hởi như đón người thân lâu ngày trở lại. Pha ấm trà nóng hổi, anh Néng nhiệt tình chia sẻ: “Bản Huổi Thanh 1 hiện tại có 98 hộ với 546 nhân khẩu. Trong bản có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là người Sán Chay 38 hộ, dân tộc Dao có 38 hộ và dân tộc Mông 22 hộ. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 40% nhưng người Sán Chay mình thì tỉ lệ hộ nghèo ít hơn, đa số là hộ cận nghèo thôi…”
Khi chúng tôi hỏi lịch sử gây dựng nên bản Huổi Thanh 1, anh Đặng Văn Nén khẽ nhấp ngụm trà, nhìn về phía xa như nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất miền biên viễn. Chuyện là người Sán Chay ở Huổi Thanh 1 vốn gốc gác phía Đông Bắc, cụ thể hơn là ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng di cư sang đây. Trước gia đình đông con, nhà nào cũng 6 - 7 anh em, ruộng nương ít, làm ăn khó khăn nên cuộc mưu sinh bộn bề vất vả. Thế rồi nhận được tin từ một số người thân báo về là bên Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ, nay là khu vực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - PV) làm ăn dễ hơn ở quê nên ông bà mới quyết định chuyển sang. Lúc đầu mới lên thì ở bên khu vực nay là bản Huổi Lụ 2, xã Pá Mỳ nhưng đường dốc quá, đi lại khó khăn nên mọi người lại men theo suối Nậm Nhé sang bên Huổi Thanh 1 vào năm 2003. Bấy giờ bản chưa thành hình, mới chỉ có một vài hộ người Sán Chay và người Dao cùng sinh sống. Về sau anh em người Mông mới chuyển đến ở cùng…
Đến với vùng đất mới, cuộc sống của người Sán Chay cũng chưa thể ổn định ngay mà phải đối diện với nhiều gian khó. Chẳng riêng gì họ, ai di cư khi đến nơi ở mới đều phải bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Người Sán Chay ở đây cũng vậy! Hành trang của họ ban đầu chỉ là những bộ quần áo mặc thường ngày. Rồi bắt đầu dựng nhà, phát đồi cỏ gianh làm nương trồng lúa. Vất vả, nhọc nhằn nhưng đến bữa vẫn chỉ được lưng cơm chưa ấm bụng. Họ lại lên rừng tìm củ mài, rau dại để qua tháng đoạn ngày với niềm tin cuộc sống mới sẽ dần ổn định hơn.
Anh Đặng Văn Néng nhớ lại: “Chưa cần nói đến cái cực nhọc, vất vả để mưu sinh, trước đây con cái hay đau ốm, trạm y tế, bệnh viện ở xa việc thắm khám rất nhiều khó khăn. Cũng vì khó khăn, thiếu thốn nên cũng chỉ khi có việc cần mời thầy mo làm lý, rồi cả gia đình mới được thưởng thức mùi vị miếng thịt gà…”
Giờ đây cuộc sống của người Sán Chay ở bản Huổi Thanh 1 đã “thay da, đổi thịt” rất nhiều. Sau nhiều năm được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, ngành, người Sán Chay nói riêng, người dân bản Huổi Thanh 1 nói chung đã biết canh tác, làm nhiều ngành, nghề hơn, kinh tế từ đó cũng được cải thiện. Anh Đặng Văn Néng nói như khoe: “Mấy năm trở lại đây, đời sống người Sán Chay mình đổi thay nhiều rồi. Bà con biết làm lúa nước, sản lượng cao hơn nhiều so với làm nương nên cái đói gần như đã bị đẩy lùi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình dự án, như: Chương trình 30a, Chương trình 167, làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, Đề án 1719… Tính đến thời điểm hiện tại, nhà cửa ở bản được cải thiện rõ rệt, nhà dột nát giảm 80%, nhà tranh vách nứa không còn nữa. Trong bản đã có nhưng ngôi nhà sàn 5 gian rộng rãi, khang trang. Trước đây, bà con cũng chưa biết làm ăn, giờ không làm nương lúa nữa, diện tích đó dùng để trồng sắn, trồng cây quế, keo, dổi… Hiện nay, trong bản có khoảng gần 100ha trồng sắn, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy trên địa bàn. Nhiều hộ gia đình nhờ đó mà có mức thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm, có hộ còn được gần 70 triệu đồng từ trồng sắn”.
Như để minh chứng cho lời nói, Trưởng bản Đặng Văn Néng dẫn chúng tôi một vòng quanh bản. Quả thực, giữa điệp trùng núi rừng, những ngôi nhà sàn bề thế với màu nâu của gỗ, màu đỏ của mái tôn như một nét chấm phá về cuộc sống mới đầy tươi sáng của người dân Sán Chay nơi đây. Chỉ vào một ngôi nhà sàn, anh Đặng Văn Néng nói: “Đây là nhà ông Đặng Văn Bay có 8 nhân khẩu cũng là người Sán Chay mình. Trước đây gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo. Thế nhưng giờ gia đình ông thoát nghèo rồi; riêng làm lúa nước, một năm thu về đến 100 bao thóc. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng cây dổi, quế và có cả nương sắn nữa. Áng chừng một năm thu nhập không dưới 100 triệu đâu. Chẳng thế mà ông Bay dựng cái nhà sàn to lắm, dễ có đến 80m2 mặt sàn chứ ít đâu!”.
Cuộc sống mới dần no ấm, đủ đầy nên ngày lễ, ngày tết của người dân Sán Chay ở Huổi Thanh 1 cũng rộn ràng, khí thế hơn xưa. Giờ đây, người Sán Chay ở đây cũng ăn tết nguyên đán như người Kinh. Họ thường bắt đầu cúng từ 25 tháng Chạp, chơi tết đến mùng 3 - 4 tháng Giêng, mùng 5 đi du xuân hoặc chuẩn bị quay trở lại với lao động sản xuất. Đời sống kinh tế đã khá hơn nên đến dịp Tết Nguyên đán nhà nào cũng có thịt lợn, thịt gà; còn trâu, bò thì tùy theo từng năm mấy nhà rủ nhau cùng thịt chung. Năm thì thịt bò, năm lại thịt trâu. Đón xuân mới, người dân Sán Chay cũng lau dọn nhà cửa, sắm sửa đồ đạc mới, trang trí trong nhà nào là đèn nháy, đèn LED rực rỡ sắc màu. Chị em phụ nữ xúng xính sắm sửa quần áo mới, nô nức chuẩn bị du xuân. Không khí ở bản cũng sôi nổi với các hoạt động giao lưu thể thao, trò chơi truyền thống dịp đầu xuân, như: Bóng đá, ném còn, ném pao, kéo co…
Tiết cuối năm, hoàng hôn buông sớm, chúng tôi xin phép Trưởng bản Đặng Văn Néng trở về trung tâm xã. Trước lúc lên đường, Trưởng bản Đặng Văn Néng bắt tay thật chặt, nhiệt tình mời: “Tết này anh em vào vui cùng bà con nhé! Mấy nhà bàn nhau dự định sẽ thịt con bò to, tự thưởng cho một năm lao động vất vả đã qua…” Trân quý lời mời cũng như tình cảm của vị trưởng bản hồn hậu, chất phác, nhưng chúng tôi đành phải hẹn ra Giêng ngày rộng tháng dài mới trở lại đây để được hòa mình vào trùng điệp núi rừng, vào niềm vui, khí thế của người dân Sán Chay khi họ bắt tay vào một năm lao động sản xuất mới…