'Thịnh điển' của Tết Hà Nội
Đi chợ hoa ngày Tết là thói quen của nhiều người Hà Nội từ cả trăm năm qua, khi chợ hoa Tết có trong phố cổ. Người ta tới để lựa một cành đào ưng ý và làm sống lại nhiều kỷ niệm cũ.
Thiên nhiên nước ta đã cho con người biết bao nhiêu là thứ hoa, nở cả năm, trong khi nhiều nước chỉ có hoa trong nữa năm mà thôi.
Chợ Đồng Xuân mới mở từ năm 1890, trước đó chợ chính của Hà Nội là chợ Cầu Đông. Con sông Tô Lịch từ sông Hồng, chỗ Chợ Gạo chảy vào, theo đường Nguyễn Siêu, cắt phố Hàng Đường rồi lên Hàng Lược. Chỗ cắt Hàng Đường, có một cái cầu không to lắm, gọi là Cầu Đông. Đầu cầu có một pho tượng “Bụt cười”, đó chính là chùa Cầu Đông, số nhà 38B.
Gần Tết là “chợ hoa” họp từ Cầu Đông lên đến đền Huyền Thiên (cuối Hàng Giấy). Tất cả các hoa nói trên hội họp ở Hàng Lược.
Ngày nay, từ 25 tháng Chạp trở đi thì chợ “Hàng hoa” họp từ cửa chợ Đồng Xuân, ra Hàng Khoai, chiếm cả phố Hàng Lược, từ Hàng Mã trở lên, lấn cả phố Hàng Cót, cho đến tận vườn hoa Hàng Đậu. Nam thanh, nữ tú của cả Hà Nội, cả những cụ ông, cụ bà, đến các thiếu niên, từ sáng đến tối, đến chợ hoa nườm. Khách các tỉnh về, ai cũng phải đến chợ hoa.
Trên trời, dưới hoa. Khu Hàng Cót là một rừng đào. Người đông mà khuất vào trong hoa. Nhìn cành này thấy đẹp, ngắm sang cành khác lại thấy đẹp nữa. Có ông đi mấy buổi rồi mà vẫn không sao quyết định được. Nhà giàu và chủ hiệu thì thích cành đào to, tròn như mâm xôi, cắm vào lọ to để giữa nhà.
Bạn văn chương thì vòng đi vòng lại, kén hoa to, thắm, nhưng không đông quá, lơ thơ một cách có duyên; có những hoa "mãn khai”, lại có những hoa "hàm tiếu”, những nụ cho mấy ngày gần và xa. Các bạn lại còn đòi cành đào có cái thế” của cây mai, cây thông.
Mãi không hạ quyết tâm được, vừa đi, quay lại đã không thấy cành mình ngắm đâu rồi. Cái cớ là thế này: cả rừng đào Nhật Chiêu, từ từ tiến vào thành phố, ngừng bước ở Hàng Lược, nhưng tiếp tục đi mãi, tỏa ra khắp nơi đến từng nhà một. Không bao giờ thấy một cành nào trở về.
Vì ở mỗi nhà người ta cứ nhìn lên bàn thờ, chưa thây cành đào, là một mục lớn của Tết chưa có đấy. Mẫy năm nay đào lại được buộc gọn để đi các tỉnh, đến tận thành phố Cụ Hồ.
Cúc là một mục lớn. Cúc là "hoa thu”. Người trọng văn chương coi cúc là thứ hoa lịch sự. Trồng cúc nhiều công phu. Người ta nói "Đi vắng ba ngày thì không trồng cúc được”. Cúc là hoa người ta trồng ở giàn bên đông.
Chuyện chơi hoa xưa có kể đến ông Đào Tiềm, ông ngâm thơ: “Mạc bị đông ly hoa tiếu ngã/ Tiền kinh đấu mễ chiết yêu hồi…”. Dịch nghĩa “Không khéo đông ly hoa nhạo tớ/ Vì chưng đấu gạo gẫy lưng rồi…”
Ông đi làm quan vài năm, giờ về thấy hoa cúc, cảm thấy hoa khinh người đã vì đấu gạo mà gẫy lưng về đây. Cúc là hoa của người ẩn dật. Làng hoa trồng cúc vàng, cúc trắng (tân thời), cúc đại đóa. Người ta cốt sao có nhiều hoa, đánh vào sọt, cắm vè (cọc) sao cho tất cả các hoa đều cao bằng nhau và nở vào độ Tết.
Các bạn của "cúc” thì vẫn giữ cho nở vào mùa thu. Chỉ để lại ít nụ mới có hoa to. Hoa có cái cao, cái thấp tầm một gang tay, còn cao thì đến ba gang. Trong các gia đình mới giữ các giống cúc đẹp như cúc rũ bạch thọ mi, bạch lệ châu, hiểu rang hồng, móng rồng, v.v...
Những bạn chơi hoa, cho là "hoa có tình tứ”.
Những người mua quất, không thuộc loại yêu hoa. Người ta thích quất, nhiều quả đỏ "ngòn” vui nhà, giữ được lâu.
Vài chục năm nay, người ta trồng một thứ "sen cạn”, những người bạo đặt tên là "thu hải đường”, nhưng không giống hải đường, mà hoa màu đào phớt rất đẹp, chỉ ra hoa vào mùa xuân thôi. Bên Âu gọi là Bêgônia. Hoa thanh tú và bền.
Thược dược để giống trồng bằng củ. Đợi mọc mầm, thì cắt đem cắm. Hoa nhiều mầu đẹp, tươi được vài hôm. Có thứ gieo bằng hạt, dễ trồng.
Trước kia người ta còn trồng thủy tiên: một cách bổ củ ngâm nước cho hoa lên, một cách trồng trong trấu ướt. Hoa rất thơm, ướp chè ngon. Xưa cũng có nhà mua "mẫu đơn” từ Trung Quốc sang nụ hoa mang một cái bao.
Mấy hôm giáp Tết, không có chợ nào đông khách bằng "chợ Hoa”. Nhiều người đến mua hoa, thì đã hẳn. Nhưng cũng có rất nhiều người, cứ phải đi chợ, vòng đi, vòng lại mãi, ngắm nghía, phẩm bình. Rồi cũng phải ra về, tay cầm nâng niu vài nụ hoa.
Chợ hoa là một "thịnh điển” của Tết Hà Nội.