Đừng tạo niềm vui từ nỗi buồn của người bán hoa Tết

Việc cố tình đợi đến 29 - 30 Tết mới mua hoa Tết để ép giá các thương nhân là điều không nên, cần tránh trên cả phương diện phong tục lẫn đạo đức...

Những ngày cận Tết, giữa không khí hối hả và cái lạnh len lỏi của mùa đông Hà Nội, câu chuyện về việc mua hoa, cây cảnh lại trở thành đề tài gây tranh luận cho nhiều người dân. Người ta tự hỏi, liệu có nên chờ đến 29 - 30 Tết để mua đào, mai, quất với giá rẻ, hay hãy mua sớm, chọn kỹ, vừa đẹp nhà lại vừa trọn đạo với những người đã đổ biết bao công sức vun trồng?

Dạo quanh các chợ hoa nổi tiếng Hà Nội như Quảng Bá, Đền Lừ, chẳng khó để nhận thấy hoa và cây cảnh vẫn ngập tràn, mặc cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chỉ còn cách vài ngày. Tiếng mời gọi của những tiểu thương xen lẫn tiếng gió lạnh, còn những chậu quất, cành đào, hoa ly thì đứng đó, như mong ngóng được "về nhà".

Thói quen sắm hoa sát Tết của nhiều gia đình không phải lúc nào cũng xuất phát từ ý định canh giá rẻ. Ảnh minh họa

Thói quen sắm hoa sát Tết của nhiều gia đình không phải lúc nào cũng xuất phát từ ý định canh giá rẻ. Ảnh minh họa

Theo các tiểu thương, lượng khách năm nay giảm hẳn, dù giá bán đã được điều chỉnh thấp hơn năm trước. Một cây quất đẹp cao hơn một mét có giá từ 500.000 đến 1 - 2 triệu đồng, còn những bó hoa ly, lay ơn chỉ dao động 200.000 - 300.000 đồng, ấy vậy mà người mua vẫn rất thưa thớt...

Nhiều chủ hàng, vì sức ép giải phóng hàng tồn, hôm nay đã quyết định bán xả giá trong tâm trạng chấp nhận còn hơn "mất trắng". Tuy nhiên, cũng có những người bày tỏ quan điểm kiên định, dù có là 29 - 30 Tết cũng thà cầm dao chặt gốc, vứt bỏ còn hơn chịu cảnh bị ép giá, quyết không để sản phẩm đã dày công chăm sóc trở thành món hàng bị xem nhẹ.

Thực tế, thói quen sắm hoa sát Tết của nhiều gia đình không phải lúc nào cũng xuất phát từ ý định canh giá rẻ. Đơn giản vì cận ngày nhiều người sẽ dễ dàng căn được thời điểm hoa nở đúng dịp. Đây là kinh nghiệm đúc rút sau những năm thời tiết bất ổn khiến hoa bung nở sớm, nhiều người phải đổ đá lạnh để hãm nở, nếu không sẽ trưng cành khô, cây héo trong nhà, làm mất đi vẻ tươi tắn của những ngày đầu năm mới.

Cũng có gia đình do không có thời gian, bận rộn vì công việc đặc thù đến tận 28 - 29 Tết mới rảnh tay, nên đành ra chợ vào phút cuối để chọn lựa.

Thế nhưng, không hiếm trường hợp cố tình đợi đến 29 - 30 Tết, khi các tiểu thương phải chấp nhận hạ giá, thu hồi vốn. Đây là điều không nên, vì theo quan niệm của người xưa, sắm sửa Tết không chỉ là việc trang trí nhà cửa mà còn thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cần lựa chọn kỹ lưỡng, đặc biệt nên hoàn thiện trước khi làm mâm cúng tất niên. Cho nên, chờ ép giá để có cây cảnh rẻ chẳng khác nào làm mất đi sự thiêng liêng của phong tục này.

Về mặt đạo đức, nó còn làm tổn thương giá trị lao động của những người nông dân đã dành cả năm chăm chút từng gốc đào, cây quất. Đôi khi, chính sự ép giá ấy trở thành nguyên nhân khiến các tiểu thương phải cay đắng chặt ngang cành đào, vứt bỏ cây quất vào bãi rác trong ngày cuối năm - hành động thay cho tiếng thở dài ngán ngẩm của những người đang “làm đẹp cho đời”, nhưng thành quả lại bị xem nhẹ và trả giá rẻ mạt.

Vậy nên, nếu có điều kiện, bạn hãy sớm sắm sửa cây Tết, đừng để một chậu quất tươi xanh hay một cành đào rực rỡ bị vùi lấp giữa những tiếc nuối và xót xa. Hãy để Tết thực sự là dịp để sẻ chia, là khoảnh khắc mà mọi người cùng nhau trân trọng những giá trị nhỏ bé nhưng sâu sắc, để mỗi sắc hoa, mỗi cây cảnh trong nhà đều mang theo hơi thở của sự gắn kết và lòng biết ơn.

Hoa Đông

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-tao-niem-vui-tu-noi-buon-cua-nguoi-ban-hoa-tet-371334.html
Zalo