Xử lý hơn 38 tấn thực phẩm nhập lậu các loại

Ngày 28-5, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tình hình mới.

Đánh giá về kết quả Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, 100% số sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành đầy đủ, kịp thời, xây dựng kế hoạch, quyết định triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm trong Tháng hành động, trong đó công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo đó, toàn thành phố thành lập 609 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố 15 đoàn; 45 đoàn tuyến quận, huyện; 549 đoàn tuyến xã, phường. Kết quả kiểm tra 11.143 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, có 9.997 cơ sở đạt (chiếm 89,7%), 1.146 cơ sở không đạt, xử lý vi phạm 990 cơ sở với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng và nhắc nhở 156 cơ sở.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra tiêu hủy lượng lớn sản phẩm, thực phẩm, như: 2.182kg trái cây, 90kg nem chua và quẩy; 251 thùng bim bim các loại; 325kg nguyên liệu phụ gia; 613kg thịt và mỡ lợn với tổng giá trị hàng hóa hơn 137 triệu đồng, xử lý buộc tiêu hủy tang vật.

Ngoài ra, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 3.162 tỷ đồng là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm: Hơn 38 tấn thực phẩm nhập lậu các loại; 1.800 sản phẩm sữa bột các loại; hơn 28 nghìn sản phẩm thực phẩm bổ sung; 5.448 hũ sữa chua; 96 chai, 1.004 lít rượu thủ công; hơn 20 nghìn sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn vặt, mì các loại; 220 chai gia vị; 300kg gạo; 4.500 chiếc bánh bao kim sa; 600 chai nước giải khát trà xanh 202; 135kg bim bim; 31,5kg (túi, hộp, gói) nguyên trà sữa và 1,2 tấn trái cây khô các loại nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện lưu thông...

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố kiểm tra bếp ăn tập thể tại một công ty ở huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố kiểm tra bếp ăn tập thể tại một công ty ở huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng

Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức lấy mẫu giám sát được 250 mẫu thực phẩm. Chỉ tiêu phân tích tập trung vào nhóm các chỉ tiêu có nguy cơ cao như phụ gia bảo quản, dư lượng thuốc thú y, dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng… Kết quả phân tích 95 mẫu, trong đó có 9 mẫu (thủy sản nuôi) phát hiện tồn dư malachite green là chất xử lý môi trường.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn do đội ngũ cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm còn mỏng, nhất là ở cấp xã, phường; điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều điểm kinh doanh còn thiếu, gây hạn chế trong thực hiện quy trình an toàn thực phẩm. Do đó, để nâng cao quản lý an toàn thực phẩm, các địa phương cần quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản từ gốc, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông sản an toàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hương Giang

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đánh giá cao công tác quản lý an toàn thực phẩm của các sở, ngành, chính quyền địa phương trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025.

Đối với Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến tăng trưởng đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thủ đô. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố duy trì, hỗ trợ phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ các tỉnh cung cấp cho thành phố Hà Nội; trong đó Hà Nội duy trì, phát triển 170 chuỗi.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị, xúc tiến thương mại để giới thiệu, cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô; đẩy mạnh xúc tiến, xuất khẩu nông lâm thủy sản với giá trị đạt hơn 2 tỷ USD.

Các địa phương giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Các địa phương giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Trung ương và thành phố rất quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất an toàn. Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm không rõ nguồn gốc bị các ngành chức năng xử lý, do đó cần xem xét lại quy trình từ sản xuất tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ liên quan đến sức khỏe, mà còn đến nòi giống nên cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Không riêng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, việc này cần được các địa phương thực hiện thường xuyên.

Mặt khác, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, công chức trực tiếp làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp sau kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục rà soát, thống kê cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tổ chức đánh giá, thẩm định, cấp giấy chứng nhận, ký cam kết cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, xử lý công khai các cơ sở vi phạm; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các mẫu bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm; xử lý, khắc phục triệt để các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xu-ly-hon-38-tan-thuc-pham-nhap-lau-cac-loai-703761.html
Zalo