Xu hướng tiêu dùng xanh:Nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng thì lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng xanh khiến các nhà sản xuất buộc phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới.

Yêu cầu bắt buộc

Dây chuyền hiện đại hướng tới sản xuất xanh, bền vững của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ảnh: VNM

Dây chuyền hiện đại hướng tới sản xuất xanh, bền vững của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ảnh: VNM

Thông tin từ cuộc khảo sát “Nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố vừa qua cho thấy, trước những lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và mối quan tâm đến sức khỏe, môi trường… người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại.

Cụ thể, 55% người tiêu dùng được hỏi đã chọn mua sản phẩm xanh căn cứ vào quy trình sản xuất bền vững, có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường. 59% người tiêu dùng cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh trong thời gian tới. Đồng thời, họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được hưởng ứng nhiều nhất là 5-10% so với sản phẩm thông thường.

Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng đã “chuyển mình”, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Điển hình như Vinamilk, May 10 - CTCP, Vinfast… đã đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững. Đơn cử, từ khoảng 3 năm trở lại đây, Tổng công ty May 10 - CTCP đã triển khai nhiều hoạt động xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tái chế, từ thiên nhiên…

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Tức là các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.

Tuy nhiên, lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách cuộc khảo sát “Nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024”, qua khảo sát cho thấy, rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao, sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.

Từ cuộc khảo sát này, các doanh nghiệp cho rằng, nếu có lực lượng đông đảo người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn có dư địa phát triển.

Cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã tham gia thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải carbon tới năm 2050. Chính phủ cũng đặt quyết tâm đến năm 2030 sẽ có những kết quả cụ thể đối với hành động cắt giảm khí thải carbon. Đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện sản xuất tiêu dùng bền vững. Nhiều hoạt động cụ thể cũng đã được triển khai như quy định về dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; áp dụng nguồn năng lượng sạch trong quá trình sản xuất…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với sản xuất xanh là yêu cầu nguồn lực rất lớn, đặc biệt là giai đoạn đầu tư ban đầu, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới chi phí, giá thành của sản xuất. Do đó, giá bán của các sản phẩm xanh thường có xu hướng cao hơn so với những sản phẩm thông thường. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi quyết định lựa chọn sản phẩm xanh. Hơn nữa, vẫn có những doanh nghiệp lợi dụng thông tin của các sản phẩm xanh để bán giá cao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; khiến người tiêu dùng không yên tâm khi lựa chọn sử dụng những sản phẩm được gắn mác sản phẩm xanh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp cho người tiêu dùng thông tin nhà sản xuất, sản phẩm xanh đáng tin cậy, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Sở Công Thương Hà Nội đã, đang triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Thực tế, để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xu-huong-tieu-dung-xanh-nam-bat-co-hoi-de-phat-trien-ben-vung-693936.html
Zalo