Cần chính sách vượt trội, khơi thông nguồn lực phát triển khoa học công nghệ

Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, chính sách trong dự thảo về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cần thể hiện tính vượt trội, khơi thông mọi nguồn lực, là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ...

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền Thủ tướng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết này nhằm xây dựng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, giúp khoa học, công nghệ và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chính sách phải có ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện cho những thay đổi lớn, từ đó tác động đến các hoạt động khác.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách quan trọng như giao quyền tự chủ cho tổ chức khoa học công nghệ, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, cũng như đưa kinh phí nghiên cứu khoa học vào chi phí hợp lý để tính thuế. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ không bị tính thuế thu nhập cá nhân.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Chính phủ cũng đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để đầu tư và duy trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử và hệ thống thông tin quy mô quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, quy định hiện hành về tự chủ tài chính đối với các tổ chức khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến khả năng nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách.

"Tự chủ tài chính không có nghĩa là tự cung tự cấp hoàn toàn trong khoa học công nghệ, mà cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước", Bộ trưởng nói.

Dự thảo cũng đề xuất cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu sẽ được miễn trách nhiệm dân sự nếu xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài. Những người đứng đầu cơ quan quản lý, cán bộ xây dựng chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng có thể được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có tác động tiêu cực không mong muốn.

Ngoài ra, dự thảo còn thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới với sự giám sát của Nhà nước, đồng thời miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm mô hình kinh doanh mới gặp rủi ro khách quan.

Chính phủ khẳng định, các chính sách này phù hợp với định hướng lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57, trong đó nhấn mạnh việc thí điểm các chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong đầu tư nghiên cứu khoa học, và khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ.

Cần chính sách vượt trội để khơi thông nguồn lực

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để ban hành Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Theo ông Huy, chính sách trong dự thảo cần thể chế hóa vấn đề cấp bách, được nêu trong Nghị quyết số 57. Những chính sách chưa thực sự cấp bách, cần nghiên cứu đánh giá thêm phải có hướng dẫn chi tiết thì sẽ được xem xét đưa vào dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng một số luật liên quan.

Ông Huy nhấn mạnh, chính sách trong dự thảo cần thể hiện tính vượt trội, phát huy tác dụng ngay, khơi thông mọi nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế; có trọng tâm, trọng điểm; là vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ quy định về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Quốc hội, bổ sung đánh giá về tính hiệu quả của các quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, bộ, ngành.

Về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Ủy ban đề nghị làm rõ quy định này có thể phát sinh rủi ro, xung đột lợi ích và thiếu cơ chế kiểm soát tài sản công.

Về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học, sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban đề xuất làm rõ nội hàm của cụm từ "các trường hợp cần thiết" đối với việc thuê chuyên gia để áp dụng khoán chi.

Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp...

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/can-chinh-sach-vuot-troi-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe/20250215025313858
Zalo